Chi tiết tin - Sở Thông tin và Truyền thông

 
LƯỢT TRUY CẬP

Đang truy cập: 2

Hôm nay: 421

Tổng lượt truy cập: 1.315.593

Đầu tư Đài Truyền thanh thông minh IP là xu hướng tất yếu

Ngày cập nhật: 22/12/2023 03:41:06

Đài Truyền thanh cấp huyện, cấp cơ sở là kênh thông tin tuyên truyền quan trọng nhằm phục vụ sự lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương; xây dựng các chương trình thời sự, thông tin kịp thời những chủ trương của địa phương đến với người dân. Đài Truyền thanh cấp huyện, cấp cơ sở còn là cộng tác viên tích cực và là cánh tay nối dài thường xuyên, cung cấp trên 50% lượng thông tin cơ sở cho Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và Trung ương.

Trạm phát lại xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa

Được sự quan tâm của các cấp từ Trung ương đến địa phương, đến nay có 87 xã của tỉnh Quảng Trị đã được đầu tư hệ thống truyền thanh với công nghệ hiện đại, đồng bộ đảm bảo công tác tuyên truyền tại cơ sở, cụ thể: huyện Vĩnh Linh 15/18 xã; huyện Gio Linh 15/17 xã; huyện Cam Lộ 6/6 xã; huyện Đakrông 11/13 xã; huyện Hướng Hóa 13/21 xã; huyện Triệu Phong 14/18 xã; huyện Hải Lăng 10/16 xã; thị xã Quảng Trị 1/5 xã; riêng các phường sử dụng cụm thu của Đài thị xã và thành phố Đông Hà các phường sử dụng cụm thu của Đài thành phố. Số lượng Đài Truyền thanh sử dụng công nghệ truyền thanh không dây (FM) là 75 đài, chủ yếu được đầu tư trong giai đoạn 2015-2020 theo Chương trình mục tiêu quốc gia về Tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở và nông thôn mới; số lượng Đài Truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông (IP) là 12 đài được đầu tư trong giai đoạn 2019-2020.

Hệ thống Đài Truyền thanh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị phần lớn được đầu tư từ giai đoạn 1990 đến nay, sử dụng công nghệ truyền thanh FM hoạt động ở dải tần số 88-108MHz. Hệ thống hoạt động trong thời gian dài qua nhiều lần sửa chữa, cải tạo đến nay hoạt động với chất lượng kém; một số thiết bị không còn phù hợp với sự phát triển của công nghệ đã ảnh hưởng chất lượng tuyên truyền. Hàng năm, UBND các huyện, thị, thành phố cũng có các dự án duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp, tuy nhiên với nguồn kinh phí còn hạn chế, đầu tư nhỏ lẻ dẫn đến hệ thống trang thiết bị không đồng bộ, hoạt động không ổn định, khó đáp ứng được các yêu cầu phát thanh tuyên truyền hiện nay. Bên cạnh đó, với đặc thù địa hình bán sơn địa nên việc quản lý vận hành của cán bộ chuyên môn gặp nhiều khó khăn trong việc sửa chữa, vận hành, đặc biệt là duy trì hoạt động thường xuyên các nguồn tín hiệu đến các xã trên địa bàn các huyện thuộc vùng núi, biên giới, hải đảo... Ngoài ra, hệ thống trang thiết bị của Đài Truyền thanh với công nghệ cũ, lạc hậu không đủ công suất để đáp ứng phủ sóng đến các xã biên giới, vùng sâu, vùng xa dẫn đến nhiều xã thuộc vùng núi bị lõm sóng. Hơn nữa, việc các Đài Truyền thanh cơ sở các xã, thị trấn dần được đầu tư, nâng cấp theo công nghệ mới, dẫn đến khó khăn trong công tác chuyển tiếp tín hiệu từ Đài Truyền thanh cấp huyện đến các Đài Truyền thanh cơ sở.

Trong bối cảnh khoa học kỹ thuật nói chung và lĩnh vực điện tử viễn thông nói riêng phát triển như hiện nay, đất nước ta đã và đang thu được nhiều kết quả to lớn trong sự nghiệp đổi mới. Những tiến bộ kết quả xoá đói giảm nghèo đã tạo điều kiện cho đông đảo đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới có nhu cầu về thông tin và quyền lợi về tiếp thu thông tin của nhân dân trở nên vô cùng cấp thiết, nhất là thông tin đại chúng. Do đó, việc trang bị phương tiện tác nghiệp thông tin cơ sở cho các địa phương nhằm truyền tải trực tiếp nội dung thông tin đến với người dân như thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và của chính quyền địa phương đến với người dân; giúp người dân tiếp cận với nhiều nội dung thông tin phong phú và đa dạng.

Trên cơ sở thực trạng hệ thống phát thanh truyền hình nêu trên và trước nhu cầu của người dân, việc đầu tư, nâng cấp đài truyền thanh cấp huyện và cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nhằm đảm bảo công tác đưa thông tin về cơ sở kịp thời là thực sự cần thiết, đồng thời đáp ứng được các yêu cầu và nhiệm vụ chính trị, phát triển mạng truyền thông của các đài truyền thanh huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh Quảng Trị trong tương lai và để tiến kịp với xu thế hiện đại dần chuyển đổi công nghệ truyền thanh từ vô tuyến sang áp dụng công nghệ thông tin theo Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 20/01/2020 của Chính phủ Phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin và định hướng công nghệ trong tương lai.

Với mục tiêu phát triển mạng lưới truyền thanh, truyền hình cơ sở nhằm rút ngắn về khoảng cách và thúc đẩy nhu cầu thụ hưởng thông tin, tuyên truyền giữa các vùng, khu vực, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội; tăng cường tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân, đảm bảo an ninh, quốc phòng, phòng chống thiên tai, dịch bệnh... mục tiêu đến năm 2024, 100% các đài truyền thanh huyện được đầu tư và nâng cấp thiết bị hiện đại, dần dần chuyển đổi công nghệ truyền thanh từ vô tuyến sang công nghệ áp dụng công nghệ thông tin

Khi xu hướng số hóa và công nghệ mạng Internet phát triển mạnh, đặc biệt với sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin, công nghệ viễn thông, công nghệ Big Data đã mở ra một cơ hội mới, giải pháp mới cho ứng dụng công nghệ hiện đại để truyền thông, truyền tải tin tức của các cấp chính quyền và người dân dựa trên hạ tầng truyền dẫn mạng 3G/4G/Wifi/Ethernet, đáp ứng nghiệp vụ thông tin cơ sở và phù hợp các yêu cầu trong thời đại mới. Đó chính là truyền dẫn các thông tin của các cấp chính quyền đến người dân trên nền tảng mạng IP (Internet Protocol ). Các Đài Truyền thanh cũng đang dần chuyển đổi sang công nghệ số và coi đó là xu hướng tất yếu từ khâu thu thập thông tin đến khâu sản xuất chương trình, lưu trữ âm thanh, truyền dẫn và phát sóng... giúp nâng cao hiệu quả, cải thiện chất lượng nội dung chương trình, hỗ trợ việc phát triển chính phủ điện tử, dịch vụ công cho các cấp chính quyền, nâng cao nhận thức, ứng dụng công nghệ thông tin của người dân, hướng tới “cư dân thông minh”, đẩy mạnh phát triển “đô thị thông minh”, hướng tới xã hội kết nối, thông minh hơn.         

Ưu điểm của truyền thanh thông minh IP là không cần bố trí mặt bằng để dựng cột anten; sử dụng hạ tầng mạng IP cho truyền dẫn, cho phép truyền thông hai chiều; tối ưu nguồn nhân lực thực hiện công tác phát thanh tại các cấp, với hệ thống truyền thanh thông minh IP, biên tập viên không cần phải có mặt trực tiếp ở địa điểm phát tin tại thời điểm phát tin, thay vào đó họ có thể đặt lịch trên phần mềm quản lý lịch phát, và lên chương trình phát, hẹn giờ phát và phát theo từng địa bàn phù hợp với nội dung thông tin, họ cũng có thể sử dụng phần mềm trên thiết bị di động để theo dõi trạng thái thiết bị và phát thanh trực tiếp trong trường hợp khẩn cấp; chất lượng âm thanh tốt hơn nhiều so với công nghệ FM, âm thanh trong, không bị lẫn tạp âm, không bị nhiễu nền hoặc có tiếng tút chói tai, đặc  biệt  hạn chế chèn sóng, đè sóng nên không gây khó chịu cho người nghe; hệ thống máy chủ được kiến trúc đa lớp theo các tiêu chuẩn bảo mật, đảm bảo khả năng an toàn ở mức cao nhất và có hiệu năng khai thác tốt; có thể theo dõi trạng thái từng cụm loa trên bản đồ, chính xác tới kinh độ vĩ độ; hệ thống cho phép phân cấp tỉnh/cấp huyện/cấp xã; phát tin tự động theo lịch lập sẵn, cho phép lặp lại hàng ngày, theo ngày trong tuần; nguồn phát thanh đa dạng và linh hoạt, có thể từ file MP3 đã được ghi âm sẵn, nguồn âm thanh từ ngoài cấp vào đường Mic, line in, đồng thời phát các nội dung khác nhau trên các địa bàn khác nhau hoặc cụm thiết bị khác nhau; chuyển tiếp đài phát thanh trên toàn quốc, bao gồm phát thanh FM (88÷108MHz) và phát thanh IP; quản lý và theo dõi cụm thu phát truyền thanh thông minh IP tại các vị trí lắp đặt trên địa bàn như xem danh sách, tìm kiếm, thêm mới, xem lịch sử phát, trạng thái thiết bị, nội dung phát, chất lượng tín hiệu, công suất tiêu thụ. Bên cạnh đó, hệ thống luôn là một hệ thống mở cả về phần cứng lẫn phần mềm chuyên dụng, sẵn sàng đáp ứng tích hợp được các ứng dụng khác như có khả năng kết nối đến các thiết bị IoT khác để mở rộng tính năng, ví dụ như camera giao thông, cảm biến khí tượng, dữ liệu quan trắc, … tích hợp với công nghệ chuyển đổi tự động văn bản thành giọng nói trí tuệ nhân tạo (Al-TTS).

 

Trong năm 2022-2023, tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục đầu tư mới hệ thống đài truyền thanh ứng dụng CNTT-Viễn thông cho 24 xã Gio Hải, Linh Trường thuộc huyện Gio Linh; xã Vĩnh Khê, Vĩnh Ô thuộc huyện Vĩnh Linh; xã Đakrông, A Bung, Ba Lòng, Ba Nang, A Vao, Tà Rụt, Húc Nghì, Hướng Hiệp và thị trấn Krong Klang thuộc huyện Đakrông; xã Hướng Sơn, Hướng Lộc, Hướng Lập, Hướng Linh, A Dơi, Xy, Hướng Phùng, Húc, Hướng Tân, Lìa thuộc huyện Hướng Hóa; xã Hải An thuộc huyện Hải Lăng; nâng cấp bổ sung 02 hệ thống, tích hợp với hệ thống truyền thanh FM hiện có còn hoạt động ổn định để hoạt động song song tại các xã A Ngo thuộc huyện Đakrông; xã Hướng Linh thuộc huyện Hướng Hóa.

 Việc đầu tư trải rộng, đồng bộ, tương thích của công nghệ tiên tiến, xây dựng mô hình chuẩn của hệ thống truyền thanh cơ sở, khả năng khai thác hiệu quả, ổn định và lâu dài nhằm nâng cao chất lượng hệ thống truyền thanh các cấp và cũng chính là giải pháp giải quyết triệt để những khó khăn trong việc mở rộng diện phủ sóng phát thanh, nhất là những vùng lõm hiện chưa có sóng, đáp ứng hầu hết các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có thể nghe tiếng nói của Đài Truyền thanh. Bên cạnh đó, hệ thống truyền thanh các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh sẽ đảm bảo các điều kiện cần thiết để tăng cường hoạt động, tích cực đưa chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, thông tin kịp thời về sự chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương tới các tầng lớp nhân dân, tạo ra bầu không khí dân chủ, cởi mở, làm lành mạnh hoá đời sống xã hội, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với cấp ủy, chính quyền các cấp, tạo nên sức mạnh tổng hợp để vượt qua mọi khó khăn, thách thức, cùng địa phương và cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới và phát triển.

                                                       Bài và ảnh: NGUYỄN THỊ LỆ HẰNG

Các tin khác
 
 
 
LIÊN KẾT WEBSITE
 

Địa chỉ liên hệ
SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG QUẢNG TRỊ
Điện thoại: (0233) 3554715 - Fax: (0233) 3554711
Email: sotttt@quangtri.gov.vn
Địa chỉ: 51 Trần Hưng Đạo, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị