Chi tiết tin - Sở Thông tin và Truyền thông

 
LƯỢT TRUY CẬP

Đang truy cập: 2

Hôm nay: 96

Tổng lượt truy cập: 1.315.268

Công nhận Lễ hội Ariêu piing của người Pa Kô là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Ngày cập nhật: 07/12/2023 01:44:08

Sau khi Hò giã gạo là loại hình nghệ thuật dân gian đầu tiên của tỉnh Quảng Trị được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, ngày 10/11/2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định số 3420/QĐ-BVHTTDL công bố Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ hội Ariêu piing của người Pa Kô ở huyện Đakrông và Hướng Hóa.

Ariêu piing là một trong những lễ hội nằm trong hệ thống tín ngưỡng của dân tộc Pa Kô - Ảnh: HƯNG THƠ

Ariêu piing còn gọi lễ nhà mồ, lễ cải táng. Đây là lễ hội lớn nhất, mang đậm những nét riêng của người Pa Kô nhằm tỏ lòng tôn kính, tưởng nhớ những người đã khuất.

Lễ hội Ariêu piing gồm những nghi lễ liên quan đến người chết, người Pa Kô quan niệm rằng: người chết chưa hẳn đã mất đi mà tiếp tục chuyển sang tồn tại ở thế giới khác. Trong sự tồn tại đó, linh hồn của người chết vẫn có quan hệ với người sống. Điều này được phản ánh trong những quy định của tập tục về cúng tế, ma chay, mai táng cho người chết, đặc biệt là những điều kiêng cữ mà người sống phải tuân thủ thực hiện.

Tục lệ của người Pa Kô quy định rằng những người chết lành được chôn trong nghĩa địa của làng. Trong làng mỗi dòng họ (mu) có một khu vực chôn cất riêng. Người chết của dòng họ nào sẽ chôn theo khu vực của dòng họ đó không được chôn lẫn lộn. Hình phạt cao nhất đối với việc chôn lẫn lộn là phạt lợn, gà, rượu... để cúng Yàng Cumúi (trời, người chết). Tục lệ của người Pa Kô cấm những hành vi phá hoại đối với các khu rừng nơi có nghĩa địa. Họ quan niệm rừng ma là nơi các vị thần và ma quỷ trú ngụ nếu vi phạm sẽ gây kinh động tới ma quỷ, ma quỷ sẽ nổi giận và trả thù lại dân làng.

Khi cất bốc mộ xong sẽ được về đặt tại nơi trung tâm làng và chuẩn bị thực hiện những nghi lễ truyền thống, bao bọc xung quanh quan tài là những người thân trong gia đình dòng họ. Giữa những âm thanh rộn ràng của tiếng trống, tiếng cồng, chiêng, kèn là những làn điệu hát kể, nhảy múa, kể chuyện... về người quá cố  trước khi đưa hài cốt đến “ping” (nhà mồ).

Nhà mồ “ping” được làm bằng gỗ (ngày nay có nơi xây bằng bê tông cốt thép), trên có mái lợp bằng tre lồ ô hay các nguyên liệu khác của núi rừng. Sau khi làm nhà mồ xong, các nghệ nhân người Pa Kô còn dùng các loại cây gỗ quý để cưa, đục, đẽo thành các hình tượng người nam, người nữ để đặt tại nơi “ping” (nhà mồ) như là một nét văn hoá tâm linh nhằm bảo vệ cho người chết được yên nghỉ. Các hàng cột của nhà mồ người Pa Kô có trang trí hoa văn hình người, hình rắn, hình chim... Nhà mồ của người Pa Kô cũng là một trong những công trình nghệ thuật đặc sắc, độc đáo của người dân. Sau khi đưa hài cốt về nhà mồ, đồng thời tổ chức Ariêupiing tức là người sống đã hoàn thành trách nhiệm với người đã khuất.

Sau phần lễ, sẽ đến phần hội là nghi thức đâm trâu, đâm dê; lúc này toàn bộ người đến tham dự cùng hát, múa chung quanh cột đâm trâu, cùng hoà tấu cùng làn điệu Aroi, tưởng nhớ và nhắc nhớ con cháu về công ơn của người đã khuất.

Theo thông lệ của người dân tộc Pa Kô thường 5-10 năm sẽ tổ chức Ariêu piing một lần, tùy vào đặc thù của từng dòng họ. Đây là một trong những lễ hội thể hiện lòng thành kính của con cháu đối với bậc cha ông, đồng thời là dịp để các dòng họ giao lưu, thể hiện được tình đoàn kết, sắt son bền chặt.

                                                                                                                              NHƯ TÚ

Các tin khác
 
 
 
LIÊN KẾT WEBSITE
 

Địa chỉ liên hệ
SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG QUẢNG TRỊ
Điện thoại: (0233) 3554715 - Fax: (0233) 3554711
Email: sotttt@quangtri.gov.vn
Địa chỉ: 51 Trần Hưng Đạo, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị