Chi tiết tin - Sở Thông tin và Truyền thông

 
LƯỢT TRUY CẬP

Đang truy cập: 7

Hôm nay: 938

Tổng lượt truy cập: 1.460.846

Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước

Ngày cập nhật: 28/03/2022 08:30:37

Ngày 09/4/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 47/2020/NĐ-CP về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước. Theo đó, Nghị định này quy định về các hoạt động quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước bao gồm: quản lý, quản trị dữ liệu số; kết nối, chia sẻ dữ liệu số; sử dụng, khai thác dữ liệu số của cơ quan nhà nước; cung cấp dữ liệu mở của cơ quan nhà nước cho tổ chức, cá nhân; quyền và trách nhiệm trong kết nối, chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước.

Nghị định này không áp dụng đối với việc chia sẻ dữ liệu số chứa thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước được quy định tại Luật Bảo vệ bí mật nhà nước. Việc chia sẻ dữ liệu số chứa thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành. Sau đây là một số điểm chính nổi bật trong Nghị định số 47/2020/NĐ-CPngày 09/4/2020 của Chính phủ:

Thứ nhất, xác định vị trí và tầm quan trọng của dữ liệu số trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số

Lần đầu tiên có một văn bản quy phạm pháp luật đặt trọng tâm vào vấn đề dữ liệu trong Chính phủ điện tử. Nếu như các văn bản pháp luật trước đó như Luật Công nghệ thông tin và Luật An toàn thông tin mạng và các văn bản dưới luật khác chủ yếu đề cập chủ yếu đến hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu thì Nghị định quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước sẽ trọng tâm vào dữ liệu, là nội dung bên trong và là yếu tố cốt lõi trong xây dựng Chính phủ điện tử. Thêm vào đó, Nghị định này nhấn mạnh “dữ liệu số” thể hiện tinh thần dữ liệu số sẽ là nền tảng để phát triển hướng tới Chính phủ số.

 Nghị định quy định làm rõ các nội dung về quản lý dữ liệu trong cơ quan nhà nước để xây dựng hạ tầng dữ liệu trong Chính phủ điện tử bền vững và nhất quán. Cụ thể:

  • Quy định quy trình, yêu cầu để xác lập danh mục CSDLQG, cơ sở dữ liệu của bộ, ngành địa phương đã được quy định tại Luật CNTT. Các cơ sở dữ liệu này sẽ tạo thành hệ thống các cơ sở dữ liệu lõi trong cơ quan nhà nước có mối quan hệ, thống nhất với nhau. Các CSDLQG sẽ là các cơ sở dữ liệu chứa dữ liệu chủ (master data) để các cơ sở dữ liệu trong cơ quan nhà nước tham chiếu tạo sự nhất quán và đồng bộ trong toàn hệ thống các CSDL trong cơ quan nhà nước. CSDLQG xác định phạm vi đựa trên dữ liệu và mục đích chứ không chỉ dựa trên tên của lĩnh vực.
  • Dữ liệu xây dựng phải được xây dựng tạo thuận lợi chia sẻ cho bên ngoài được xác định ngay từ khi xây dựng thay vì chỉ tập trung xây dựng phục vụ nhu cầu nội bộ làm hạn chế chia sẻ dữ liệu - là nguyên nhân dẫn tới sự cát cứ, trùng lặp. Các hệ thống thông tin trong cơ quan nhà nước khi được xây dựng phải được xác định các hạng mục xây dựng cấu trúc dữ liệu, chia sẻ dữ liệu cũng như khai thác dữ liệu được chia sẻ ngay từ khi triển khai; hạng mục duy trì, kết nối chia sẻ cũng phải được xác định rõ ràng.

Xác định được vai trò của dữ liệu đối với phát triển Chính phủ số, Nghị định đã đặt vấn đề Chính phủ cũng như các bộ, ngành địa phương phải có chiến lược về dữ liệu để định hình phương hướng và tầm nhìn khi triển khai xây dựng dữ liệu với sự dẫn dắt của Chiến lược dữ liệu quốc gia. Đây là nhiệm vụ phải thực hiện trong thời gian tới.

Thứ hai, dữ liệu là yếu tố trọng tâm để phát triển Chính phủ điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp

Ngay trong Nguyên tắc của nghị định đã khẳng định: Dữ liệu hình thành trong hoạt động của cơ quan nhà nước được chia sẻ phục vụ các hoạt động của cơ quan nhà nước hướng tới phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, Nghị định cũng đưa ra quy định để thực thi nguyên tắc thu thập dữ liệu một lần “Once-Only”: khi dữ liệu đã được cơ quan nhà nước thu thập và quản lý, chia sẻ thì cơ quan nhà nước sẽ không được yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp lại. Nội dung này được đề cập trong cả Nguyên tắc chung của Nghị định cũng như Nguyên tắc quản lý dữ liệu. Thêm vào đó, công dân, doanh nghiệp có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước đang quản lý dữ liệu cá nhân của mình chia sẻ cho cơ quan nhà nước khác để hạn chế phải cung cấp lại dữ liệu tạo thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp và đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Thứ ba, tiếp cận về quản lý, kết nối và chia sẻ phù hợp với định hướng hiện đại, theo xu hướng công nghệ mới hiện nay.

Một trong những điểm mới trong Nghị định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước là các quy định được dựa trên các cách thức tiếp cận về dữ liệu, chia sẻ dữ liệu, sử dụng công nghệ mới trong bối cảnh hiện nay. Cụ thể:

  • Sử dụng dịch vụ chia sẻ dữ liệu làm nền tảng cơ bản cho hoạt động kết nối, chia sẻ dữ liệu trong cơ quan nhà nước. Thay vì triển khai kết nối theo hướng “bắt tay trực tiếp”, “xin-cho” thì Nghị định đưa vào các quy định theo hướng chia sẻ dữ liệu là “phục vụ” cho các cơ quan khác qua “dịch vụ chia sẻ dữ liệu” theo “đăng ký, yêu cầu”. Dịch vụ chia sẻ dữ liệu được triển khai qua giao diện API của hệ thống thông tin, là cách thức thông dụng, phổ biến hiện nay. Việc xác định chia sẻ dữ liệu qua dịch vụ cũng là tiền đề để triển khai các giải pháp mới hướng tới xây dựng đám mây dữ liệu của Chính phủ số trong tương lai.
  • Việc chia sẻ dữ liệu cũng qua hai hình thức chia sẻ dữ liệu mặc định và chia sẻ dữ liệu theo yêu cầu đặc thù đáp ứng tất cả các trường hợp chia sẻ dữ liệu thực tế. Chia sẻ dữ liệu mặc định được ưu tiên triển khai và xác định: Coi dữ liệu như “hàng hóa” được chuẩn hóa thay vì “tự cung tự cấp” để cung cấp rộng rãi cho các cơ quan nhà nước tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho lưu thông dữ liệu trong Chính phủ điện tử.
  • Lần đầu tiên, Nghị định đã đưa ra chính sách để thực hiện các công việc Quản trị dữ liệu. Đây là nội dung rất cần thiết khi dữ liệu ngày càng đóng vai trò và trọng tâm trong ứng dụng công nghệ thông tin để bảo đảm dữ liệu ngày càng bền vững, tin cậy và được làm giầu. Để thực hiện quản trị dữ liệu, các cơ quan nhà nước sẽ phải thực hiện các nội dung công việc như kiểm kê, đánh giá chất lượng dữ liệu hàng năm, tích hợp dữ liệu phục vụ ra quyết định, xây dựng chiến lược dữ liệu để có tầm nhìn dài hạn về phát triển dữ liệu.  

Thứ tư, đơn giản hóa quá trình kết nối, chia sẻ dữ liệu số, tạo hành lang pháp lý minh bạch và thuận lợi cho dữ liệu lưu chuyển từ nơi có đến nơi cần.

Để giải quyết vướng mắc và thúc đẩy quá trình chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước, Nghị định đã quy định rõ việc cung cấp, chia sẻ và sử dụng dữ liệu trong cơ quan nhà nước. Quá trình kết nối, chia sẻ dữ liệu có một số điểm sau:

  • Quá trình kết nối và chia sẻ dữ liệu là quá trình chuẩn bị sẵn sàng, đăng ký và cấp quyền khai thác các dịch vụ dữ liệu (chia sẻ dữ liệu mặc định) và được chuẩn hóa phù hợp với đa mục đích khai thác khác nhau. Chỉ khi dịch vụ dữ liệu chưa có sẵn thì các cơ quan mới cần trao đổi và chia sẻ dữ liệu theo yêu cầu đặc thù. Điều này giúp các dịch vụ dữ liệu ngày càng tinh gọn và hiệu quả, thuận lợi cho việc quản lý, vận hành, duy trì và tiết kiệm kinh phí.
  • Việc đăng ký và đáp ứng chia sẻ dữ liệu cũng như quản lý, đáp ứng các yêu cầu chia sẻ dữ liệu được thực hiện trực tuyến dựa trên các hệ thống quản lý dịch vụ chia sẻ dữ liệu, tạo điều kiện thuận lợi cũng như tăng cường tính minh bạch, có kiểm soát của quá trình chia sẻ dữ liệu. Xử lý vướng mắc cũng có quy định rõ ràng cho các cơ quan khi gặp khó khăn trong quá trình thực hiện.
  • Mỗi cơ quan chỉ định một cán bộ chuyên trách về dữ liệu để cung cấp thông tin, tiếp nhận và xử lý các vấn đề về kết nối, chia sẻ dữ liệu và các vấn đề khác về dữ liệu.
  • Thực hiện kết nối, chia sẻ và sử dụng cũng có quy định rõ về thời hạn sử dụng dữ liệu, tạm ngừng, chấm dứt chia sẻ dữ liệu để làm căn cứ xử lý các vấn đề này sinh khi sử dụng, khai thác dữ liệu.

Thứ năm, thiết đặt nền tảng cho Chính phủ mở, quy định dữ liệu mở làm cơ sở để thúc đẩy sự phát triển và sáng tạo của xã hội, cộng đồng

Chính phủ mở là một nấc phát triển của Chính phủ điện tử khi Chính phủ cung cấp dữ liệu cho cộng đồng để thực hiện chủ trương “Nhà nước kiến tạo phát triển”. Lần đầu tiên, một văn bản pháp lý đưa nội dung “Dữ liệu mở của cơ quan nhà nước” đánh dấu một mốc quan trọng để thực thi chủ trương này, đồng thời cũng thể hiện sự tích cực của Việt Nam khi sẵn sàng cung cấp dữ liệu mở cho cộng đồng, người dân, doanh nghiệp. Quy định pháp lý về dữ liệu mở cũng là một nội dung khá mới không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với nhiều nước trên thế giới khi công bố dữ liệu mở của các nước chủ yếu được triển khai dưới dạng sáng kiến.

Nội dung quy định về dữ liệu mở được xây dựng trên cơ sở tương thích với các quy định thông dụng phổ biến trên thế giới như: dữ liệu mở phải toàn vẹn, phản ánh đầy đủ thông tin cần cung cấp, cập nhật, máy có thể đọc được, ở định dạng mở, miễn phí, tự do sử dụng...

Nghị định cũng quy định các cơ quan nhà nước phải xây dựng một kế hoạch và triển khai cung cấp dữ liệu mở theo kế hoạch đã xây dựng. Kế hoạch phải đảm bảo có yêu cầu tối thiểu và phù hợp với nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Cơ chế triển khai dữ liệu mở cũng tạo cơ hội cho người dân, doanh nghiệp trong xã hội, cộng đồng tham gia ý kiến phản hồi, đóng góp mở rộng dữ liệu mở.

Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 25/5/2020; được áp dụng đối với các cơ quan nhà nước bao gồm các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp; các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng dữ liệu số của cơ quan nhà nước được cơ quan nhà nước chia sẻ theo quy định của pháp luật.

Thiện Đạt

Các tin khác
 
 
 
LIÊN KẾT WEBSITE
 

Địa chỉ liên hệ
SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG QUẢNG TRỊ
Điện thoại: (0233) 3575155 - Fax: (0233) 3554711
Email: sotttt@quangtri.gov.vn
Địa chỉ: 51 Trần Hưng Đạo, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Tường, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị
Đơn vị vận hành: Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị (Ghi rõ nguồn “https://sotttt.quangtri.gov.vn/” khi phát hành lại thông tin từ trang web này)