Chi tiết tin - Sở Thông tin và Truyền thông

 
LƯỢT TRUY CẬP

Đang truy cập: 2

Hôm nay: 590

Tổng lượt truy cập: 1.462.086

Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030

Ngày cập nhật: 28/03/2022 08:58:44

Nhằm chủ động tận dụng có hiệu quả các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), cơ bản làm chủ và ứng dụng rộng rãi công nghệ mới trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, từng bước sáng tạo được công nghệ mới nhằm thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hóa đất nước, phát triển mạnh mẽ kinh tế số, phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao, nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi và sức khỏe của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế và gắn kết chặt chẽ quá trình ứng dụng CMCN 4.0 với công tác bảo vệ an ninh mạng; ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2289/QĐ-TTg ban hành Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030.

Theo đó, mục tiêu đặt ra đến 2025: Việt Nam duy trì xếp hạng chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) thuộc 3 nước dẫn đầu ASEAN; chỉ số An toàn, an ninh mạng toàn cầu của Liên minh viễn thông quốc tế (ITU) thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu; chỉ số Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hợp quốc thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN; kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP, năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm; hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; 80% dân số sử dụng Internet; 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%; có ít nhất 3 đô thị thông minh tại 3 vùng kinh tế trọng điểm (Bắc, Trung, Nam) và triển khai mạng 5G tại các đô thị này.



Đến năm 2030, thực hiện phổ cập dịch vụ mạng Internet băng rộng cáp quang và phổ cập dịch vụ mạng di động 5G Ảnh: Internet

Mục tiệu đặt ra đến năm 2030: Việt Nam duy trì xếp hạng chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của WIPO thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới; chỉ số An toàn, an ninh mạng toàn cầu của ITU thuộc nhóm 30 nước đứng đầu; chỉ số Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hợp quốc thuộc nhóm 50 nước đứng đầu; kinh tế số của Việt Nam chiếm khoảng 30% GDP; năng suất lao động tăng bình quân trên 7,5%/năm; thực hiện phổ cập dịch vụ mạng Internet băng rộng cáp quang; phổ cập dịch vụ mạng di động 5G; hoàn thành xây dựng Chính phủ số; hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.

Với quan điểm nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc CMCN 4.0 để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế và tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh thông qua nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu tiên tiến của cuộc CMCN 4.0 cho các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội; đồng thời, chủ động phòng ngừa, ứng phó nhằm hạn chế các tác động tiêu cực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an toàn, công bằng xã hội và phát triển bền vững; Quyết định số 2289/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra 7 định hướng chiến lược chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0, bao gồm:

Một là, nâng cao chất lượng thể chế và năng lực xây dựng chính sách với việc xây dựng thể chế mới cho các công nghệ mới, mô hình, thực tiễn kinh doanh mới; Chính phủ số và an toàn an ninh mạng; thực hiện mạnh mẽ các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh nhằm khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo.

Hai là, phát triển hạ tầng kết nối, xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu với việc phát triển Internet tốc độ cao, hạ tầng số an toàn, đáp ứng nhu cầu về kết nối và xử lý dữ liệu lớn; xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia đã được nêu tại Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 và các cơ sở dữ liệu cần thiết khác phục vụ quản lý và kinh doanh (như cơ sở dữ liệu về lái xe, về dự án đầu tư công...); xây dựng, nâng cấp hệ thống kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực bảo đảm an toàn, an ninh mạng; xây dựng, nâng cấp hạ tầng vật lý đáp ứng yêu cầu áp dụng công nghệ ưu tiên để chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0, trước hết là hạ tầng năng lượng và giao thông. Khuyến khích đầu tư tư nhân phát triển và vận hành cơ sở hạ tầng công cộng.

Ba là, phát triển nguồn nhân lực với việc mở rộng, nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo đại học, sau đại học và đào tạo nghề, đặc biệt trong các ngành phục vụ CMCN 4.0; đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông theo hướng tăng hoạt động thực hành, nhất là giáo dục về khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học (STEM); xây dựng chương trình thực tập trong các trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; tăng cường kết nối nghiên cứu khoa học, đào tạo và sản xuất kinh doanh.

Bốn là, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số với việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số vào quản lý nhà nước trong tất cả các lĩnh vực; đầu tư, phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý nhà nước (GovTech) và cung cấp dịch vụ công; xây dựng hệ thống thông tin kinh tế - xã hội thời gian thực phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; xây dựng hệ thống thông tin kinh tế - xã hội dùng chung của Chính phủ; số hóa, kết nối và chia sẻ các dữ liệu quản lý của các bộ, cơ quan và địa phương nhằm nâng cao chất lượng hoạt động quản lý nhà nước, tạo nguồn dữ liệu cho nghiên cứu và kinh doanh.

Năm là, phát triển và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia với việc phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, cơ sở giáo dục đại học và viện nghiên cứu là chủ thể nghiên cứu; xây dựng, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc biệt, có tính đột phá đối với việc xây dựng và vận hành các trung tâm đổi mới sáng tạo. Khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, doanh nghiệp, tổ chức trong nước và nước ngoài thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Sáu là, đầu tư, nghiên cứu, phát triển một số công nghệ ưu tiên để chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 như công nghệ rô-bốt, vật liệu tiên tiến, năng lượng tái tạo, trí tuệ nhân tạo, công nghệ trong y học, Internet vạn vật, dữ liệu lớn, chuỗi khối...

Bảy là, mở rộng hợp tác quốc tế và hội nhập về khoa học và công nghệ, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ ưu tiên để chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quán triệt và phổ biến tinh thần và nội dung của Chiến lược cho các đơn vị, doanh nghiệp tại địa phương; đồng thời xây dựng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về đào tạo, tư vấn chuyển giao công nghệ ưu tiên để chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0.

                                                                THIỆN ĐẠT

Các tin khác
 
 
 
LIÊN KẾT WEBSITE
 

Địa chỉ liên hệ
SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG QUẢNG TRỊ
Điện thoại: (0233) 3575155 - Fax: (0233) 3554711
Email: sotttt@quangtri.gov.vn
Địa chỉ: 51 Trần Hưng Đạo, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Tường, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị
Đơn vị vận hành: Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị (Ghi rõ nguồn “https://sotttt.quangtri.gov.vn/” khi phát hành lại thông tin từ trang web này)