Chi tiết tin - Sở Thông tin và Truyền thông
- Trang chủ
- Tổng quan
- Tin tức - Sự kiện
- Thủ tục hành chính
- Cải cách hành chính
- Tuyền truyền CCHC
- Công tác chỉ đạo điều hành
- Cải cách chế độ công vụ
- Cải cách tài sản công
- Áp dụng ISO trong hoạt động
- Chấm điểm CCHC, hoàn thành nhiệm vụ
- Hệ thống báo cáo
- CCTC theo dõi thi hành pháp luật.
- CCTTHC thực hiện cơ chế một cửa
- CC bộ máy hành chính nhà nước
- Xây dựng và phát triển CQ điện tử, CP điện tử
- Văn bản trao đổi
- Quản lý nhà nước
- Chiến lược, QH, KH
- Đảng - Đoàn thể
- Lịch công tác
- Báo cáo tài chính
Đang truy cập: 11
Hôm nay: 543
Tổng lượt truy cập: 1.486.224
Bộ Thông tin và Truyền thông: Tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020
* Ngày 28/12/2019, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Tham dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Sơn Minh Thắng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Phan Văn Giang, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Thường trực Bộ Quốc phòng; Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an; Lãnh đạo các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp, hội, hiệp hội trong ngành ICT cùng đông đảo các phóng viên báo chí Trung ương và thành phố Hà Nội. Tham dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Theo báo cáo của Bộ TT&TT, năm 2019, với mục tiêu “Nâng cao thứ hạng Việt Nam” và phương châm hành động “Làm gương, Kỷ cương, Trọng tâm, Bứt phá”, Bộ TT&TT đã khẩn trương, quyết liệt, đổi mới cách nghĩ, cách làm, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra, đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 của đất nước, góp phần xây dựng nước Việt Nam hùng cường. Tổng doanh thu viễn thông đạt gần 470.000 tỷ đồng. Số thuê bao băng rộng có sự gia tăng đáng kể, trong đó băng rộng di động (3G, 4G) đạt 61,3 triệu thuê bao, chiếm 48,7% tổng số thuê bao di động (tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2018). Tốc độ băng rộng di động tải xuống thống kê đến quý 4/2019 là 29,08 MBps, tiệm cận với tốc độ trung bình của thế giới (30,93 Mbps).
Bộ TT&TT đã trình Thủ tướng xem xét phương án dừng công nghệ di động cũ 2G vào năm 2022. Hiện nay trên mạng viễn thông Việt Nam đang tồn tại đồng thời 3 công nghệ di động mặt đất là GSM (2G) triển khai năm 1990, 3G triển khai từ năm 2009 và 4G triển khai từ năm 2016 và dự kiến triển khai thương mại 5G trong năm 2020. Như vậy, Việt Nam hiện là một trong các nước đi đầu khu vực ASEAN về triển khai thương mại 5G.
Việt Nam cũng được đánh giá là quốc gia có những bước tiến mạnh mẽ nhất trên bảng xếp hạng 140 quốc gia của WEF, với việc tăng 10 bậc về chỉ số GCI (từ vị trí 77 năm 2018 lên thứ hạng 67), trong đó, chỉ số thành phần về ứng dụng CNTT-TT (ICT adoption) đóng vai trò hết sức quan trọng khi tăng hơn 50 bậc từ thứ hạng 95 (năm 2018) lên thứ hạng 41.
Tắt sóng 2G là thông điệp mạnh mẽ về việc muốn đi nhanh thì phải bỏ đi gánh nặng của quá khứ. Sau 30 năm, 2G đã hoàn thành sứ mạng của nó, mỗi người dân đã có một chiếc điện thoại để a lô. Việc tắt sóng 2G và hỗ trợ máy 4G cho người dân sẽ giúp đưa Việt Nam thành một trong số ít các nước với 100% là máy điện thoại thông minh và sẵn sàng cho công dân điện tử.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, năm 2019, Bộ TT&TT có nhiều tiến bộ, đã giữ lời nói đi đôi với việc làm. Ngành đã vượt qua nhiều thách thức, nhất là cạnh tranh nhân tài và công nghệ hay các thách thức về bảo vệ chủ quyền trên không gian mạng…
Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi viễn thông tăng trưởng gần 19%, với sự đóng góp của 50.000 doanh nghiệp công nghệ. Công nghiệp CNTT duy trì tăng trưởng 10%. Bên cạnh đó là việc triển khai thử nghiệm mạng 5G, có kế hoạch tắt sóng 2G, chỉ đạo các doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất thiết bị 5G của Việt Nam mà tại hội nghị này, chúng ta đã công bố Vingroup, Viettel đã sản xuất được thiết bị 5G. Bộ đã khởi động chương trình lớn về “Make in Vietnam” và chuyển đổi số, đã trình ký và triển khai thực hiện Quy hoạch báo chí. Thủ tướng đánh giá cao việc Bộ TT&TT nhận nhiệm vụ là cơ quan thường trực về chủ trương xây dựng chính phủ điện tử và đã làm được một số việc như vừa khởi động chương trình đào tạo 100 chuyên gia chính phủ điện tử. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra các mặt còn tồn tại như: Mạng viễn thông chậm chuyển đổi sang hạ tầng số, tỷ lệ người dùng dữ liệu di động chưa cao. Vấn đề an ninh an toàn mạng còn nhiều hạn chế. Trong lĩnh vực báo chí, hoạt động của một số tờ báo chưa đúng tôn chỉ, mục đích, báo hóa tạp chí, báo hóa trang tin; nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp bị nhũng nhiễu, bị “đánh hội đồng” làm giảm niềm tin trong xã hội cần phải khắc phục tốt hơn. Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ TT&TT phải làm tốt vai trò điều phối thống nhất về phát triển chính phủ điện tử trong khi vẫn phát huy sự chủ động của các bộ, ngành và địa phương. Ngay từ đầu năm, Bộ TT&TT phải xây dựng chiến lược chính phủ điện tử vì chúng ta xác định đây là một chặng đường dài, xuyên qua nhiều nhiệm kỳ, cần có sự xuyên suốt. Hiện nay, đô thị thông minh phát triển nở rộ, Bộ TT&TT phải sơ kết chương trình đô thị thông minh cấu phần CNTT, nhất là trung tâm giám sát điều hành, từ đó có hướng dẫn triển khai, tránh việc làm theo phong trào, kém hiệu quả, lãng phí.
Về báo chí, truyền thông, Thủ tướng nêu rõ báo chí phải thể hiện trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo nên sự đồng thuận và niềm tin xã hội, đặc biệt tạo nên một khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Thực hiện nghiêm túc, chủ động Quy hoạch Báo chí đã được phê duyệt không được lùi thời gian, cơ quan chủ quản nào làm không đúng thời hạn đã báo trước thì tạm dừng để thực hiện xong quy hoạch. Hệ thống thông tin cơ sở như loa phường, xã, thậm chí tuyên truyền miệng, được xem là hệ thống tuyên truyền lớn nhất, hiệu quả nhất. Bộ TT&TT cần có đề án và chỉ đạo đổi mới công nghệ của hệ thống này. Sắp tới, trong nhiệm kỳ mới, Bộ TT&TT mang tên gì cho xác đáng thì sẽ được thảo luận trong Chính phủ nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất một tên mới để thảo luận là “Bộ Truyền thông và Kinh tế số”.
*Buổi chiều cùng ngày, Hội nghị đã được lắng nghe tham luận của các đơn vị cơ sở và phát biểu của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Năm 2019, Bộ TT&TT đã quan tâm, chỉ đạo các Sở TT&TT quan tâm đến xây dựng quy hoạch, kế hoạch, định hướng. Theo Bộ trưởng, tinh thần làm việc của Bộ TT&TT là đi tới tận nơi, trực tiếp làm việc với các tỉnh, các bộ nhằm nắm chắc tình hình, phát hiện đúng vấn đề, tháo gỡ dứt điểm khó khăn, nút thắt và tạo ra sự phát triển mới, hiệu quả.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng thẳng thắn chỉ rõ, ngành TT&TT vẫn còn một số hạn chế như: Chất lượng mạng di động băng rộng cũng như tỷ lệ thuê bao băng rộng còn thấp so với thế giới; mạng viễn thông chưa chuyển mạnh sang hạ tầng số; thị trường viễn thông còn thiếu động lực cạnh tranh; tình trạng rác viễn thông kéo dài; xếp hạng về Chính phủ điện tử, chuyển đổi số còn thấp; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến nhất là dịch vụ công mức độ 4 còn thấp; an toàn, an ninh mạng còn nhiều bất cập và chưa được quan tâm đúng mức; thiếu vắng những doanh nghiệp công nghệ lớn có khả năng làm chủ công nghệ, có sức cạnh tranh toàn cầu; các doanh nghiệp ICT vẫn gia công, lắp ráp là chính…
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Muốn cho Bộ TT&TT giỏi lên, tốt lên chỉ có một cách là các tỉnh, các Sở, các doanh nghiệp phải giao nhiều nhiệm vụ cho Bộ TT&TT. Vì chúng ta chỉ có thể giỏi lên nếu có việc. Các Sở khi có việc đẩy về Bộ hoặc hỏi Bộ thì đấy chính là một cơ hội để Bộ tốt lên, đừng nghĩ là mình làm phiền Bộ”. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo, năm 2020 là một năm đặc biệt, năm kết thúc kế hoạch 5 năm và định hình kế hoạch 5 năm tới, định hình chiến lược 10 năm tiếp theo, tổ chức Đại hội Đảng các cấp, do vậy ngành TT&TT tập trung vào một số nội dung công việc quan trọng.
Cụ thể, năm 2020, cần đưa vào khai thác Bộ mã Bưu chính đến địa chỉ cùng mạng lưới chuyển phát đến 24 triệu hộ gia đình; nâng cao chất lượng 4G, thương mại hóa 5G và chuẩn bị tắt sóng 2G; xử lý căn bản các loại rác viễn thông. Đồng thời, các đơn vị có liên quan cần thay đổi căn bản cách làm Chính phủ điện tử trên tinh thần kết nối, chia sẻ dữ liệu, đảm bảo an ninh mạng, dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4; kết hợp hài hòa giữa tập trung và phân tán, đặc biệt là vai trò điều phối thống nhất của Bộ TT&TT và của các Sở TT&TT địa phương; hoàn thành hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam; phát triển các doanh nghiệp công nghệ số với tinh thần là Make in Vietnam; sản xuất thiết bị 5G Việt Nam và coi đây là sản phẩm công nghệ tiêu biểu nhất của năm 2020.
Cùng với việc hoàn thành Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, giải quyết căn bản các tồn tại kéo dài của báo chí. Đặc biệt, trong năm 2020, Bộ trưởng yêu cầu phải quản lý được thông tin trên không gian mạng, đảm bảo không bị các thế lực thù địch lợi dụng để phá hoại Đại hội Đảng các cấp; đưa công nghệ mới vào hệ thống thông tin cơ sở và xây dựng Chiến lược sách quốc gia.
Bên cạnh đó, các Sở TT&TT phải đưa được các định hướng và công việc của Bộ TT&TT, của Sở vào Nghị quyết, chương trình công tác của tỉnh. Các doanh nghiệp, các đơn vị trong ngành phải đổi mới cách làm, vươn lên mạnh mẽ, nhận lấy sứ mệnh quốc gia làm nhiều việc cho đất nước phát triển, để qua đó doanh nghiệp, đơn vị mình phát triển. Các hiệp hội cần hoạt động lành mạnh, thiết thực hơn, lấy hiệu quả công việc đóng góp cho sự phát triển lĩnh vực, cho các đơn vị trong hội.
Bộ trưởng nêu rõ, Bộ TT&TT sẽ luôn lắng nghe, tiếp thu những ý kiến hay để phát triển ngành TT&TT. Bởi vì, tất cả chúng ta cùng trong một ngành, cùng trong một nhà. Năm 2020, công việc nhiều và đều là việc quan trọng, có ý nghĩa lâu dài, là năm Bộ, ngành TT&TT cần phải tạo ra được nhiều kết quả để khẳng định sự đúng đắn của những định hướng chúng ta đã đề ra. Những thành công của ngành sẽ góp phần cho đất nước phát triển vì một Việt Nam hùng cường, vì một Việt Nam phát triển thịnh vượng vào năm 2045, khi chúng ta tròn 100 năm Việt Nam mới./.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tặng hoa các thành viên Liên minh phát triển Hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tặng hoa cho các thành viên tại Lễ khởi động chương trình đào tạo 100 chuyên gia Chính phủ điện tử
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam chủ trì tại điểm cầu Quảng Trị.
Phương Nam, ảnh: Tường Vân
- Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác phòng cháy, chữa cháy năm 2019 (12/09/2022)
- Hội nghị tập huấn và cung cấp thông tin, tuyên truyền về biển, đảo tại huyện đảo Cồn Cỏ (12/09/2022)
- Một số giải pháp hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn của Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Trị năm 2019 (12/09/2022)
- Trao thưởng cho các cá nhân tham gia Cuộc thi viết “Học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (12/09/2022)
- Giao lưu bóng đá mi ni ngành Thông tin và Truyền thông năm 2019 (12/09/2022)
- Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị (12/09/2022)
- Nhiều hoạt động chào mừng Ngày Sách Việt Nam 21/4 năm 2019 tại Quảng Trị (12/09/2022)
- Hội thảo chuyên đề khởi nghiệp, ứng dụng công nghệ 4.0 cho quản trị doanh nghiệp (12/09/2022)
- Nói chuyện chuyên đề về Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 (12/09/2022)
- Thị xã Quảng Trị: Tổ chức Họp báo và khai mạc Trại sáng tác âm nhạc 2019 (12/09/2022)
Địa chỉ liên hệ
SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG QUẢNG TRỊ
Điện thoại: (0233) 3575155 - Fax: (0233) 3554711
Email: sotttt@quangtri.gov.vn
Địa chỉ: 51 Trần Hưng Đạo, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Tường, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị
Đơn vị vận hành: Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị (Ghi rõ nguồn “https://sotttt.quangtri.gov.vn/” khi phát hành lại thông tin từ trang web này)