Chi tiết tin - Sở Thông tin và Truyền thông

 
LƯỢT TRUY CẬP

Đang truy cập: 1

Hôm nay: 247

Tổng lượt truy cập: 1.436.592

Xây dựng mạng truyền số liệu chuyên dùng phát triển Chính phủ số

Ngày cập nhật: 29/03/2022 01:34:22

Hiện nay, mạng truyền số liệu chuyên dùng (TSLCD) phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước đã được Chính phủ xác định là một thành phần của hạ tầng số của Chính phủ điện tử (CPĐT), Chính phủ số, kết nối đến các hệ thống thông tin, nền tảng dùng chung được đề cập tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 1217/QĐ-BTTTT ngày 21/7/2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông về giao nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Mạng TSLCD được xây dựng giai đoạn 2008-2010, sử dụng công nghệ chuyển mạch nhãn đa giao thức (IP/MPLS), các kết nối đều đảm bảo tính dùng riêng, an toàn, dự phòng cao. Trong đó, mạng TSLCD cấp I kết nối đến các cơ quan cấp Trung ương và 63 Tỉnh ủy, Thành uỷ, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Cục Bưu điện Trung ương quản lý, vận hành, khai thác; mạng TSLCD cấp II là các mạng do bộ, ngành, địa phương triển khai chủ yếu qua hình thức thuê dịch vụ của doanh nghiệp viễn thông, tuân thủ các quy định kết nối, an toàn thông tin, quản lý tài nguyên của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Cán bộ Sở Thông tin và Truyền thông cùng nhân viên các doanh nghiệp viễn thông đang đo kiểm chất lượng đường truyền

Tại Quảng Trị, thời gian qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), đào tạo nâng cao chất lượng cán bộ phục vụ cho công tác cải cách hành chính, hướng tới xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh. Đến nay, về hạ tầng mạng LAN và Internet, 100% cơ quan Đảng, đoàn thể, các sở, ban, ngành, đơn vị UBND cấp huyện và cơ quan Đảng ủy xã, phường, UBND cấp xã kết nối mạng LAN và Internet, với khoảng 95% máy tính được kết nối Internet, đáp ứng được nhu cầu trao đổi dữ liệu trong các cơ quan; về hạ tầng mạng diện rộng, hạ tầng cáp quang của các doanh nghiệp phát triển rộng khắp, dung lượng lớn, chất lượng ổn định, cáp đến 100% tại trung tâm cấp xã trong tỉnh. Các tuyến cáp chính được Ring để bảo đảm an toàn thông tin liên lạc, cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Hạ tầng mạng diện rộng đã đầu tư triển khai đáp ứng nhu cầu thuê hạ tầng để triển khai các dịch vụ của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Về hạ tầng CNTT trong các cơ quan nhà nước 100% cán bộ, công chức cấp tỉnh và cấp huyện, hơn 80% cán bộ, công chức cấp xã được trang bị máy tính phục vụ công việc. Tỷ lệ máy tính các cơ quan nhà nước có kết nối mạng Internet ước đạt trên 95% (trừ số máy tính của cán bộ kế toán và máy tính của một số cán bộ chuyên soạn thảo văn bản quan trọng, có tính chất mật). 100% cơ quan nhà nước cấp tỉnh, 90% cơ quan nhà nước cấp huyện và trên 60% xã có mạng nội bộ LAN kết nối Internet qua các đường truyền tốc độ cao. Tuy nhiên, hiện tỉnh chưa có mạng WAN nên khó khăn trong việc triển khai các ứng dụng CNTT…

Về hiện trạng hệ thống mạng TSLCD các cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hầu hết đã được triển khai hạ tầng truyền dẫn phục vụ mạng TSLCD nhưng chưa được đưa vào ứng dụng. Hiện tỷ lệ cơ quan nhà nước có kết nối mạng TSLCD chỉ đạt 2,8%. Hệ thống mạng sử dụng tại các cơ quan, đơn vị đa phần được thuê dịch vụ từ các nhà cung cấp khác nhau, cho nên việc kiểm tra, giám sát tập trung về an toàn, an ninh thông tin, chất lượng mạng dùng cho các ứng dụng dùng chung trên toàn tỉnh còn rất khó khăn. Việc triển khai các ứng dụng của Chính quyền điện tử chưa được thiết lập mạng riêng, vẫn đang sử dụng thông qua đường truyền Internet, dẫn đến nguy cơ mất an toàn, an ninh thông tin. Đối với các cơ quan Đảng đã triển khai thực hiện mạng TSLCD theo mô hình tập trung từ Tỉnh ủy đến các huyện ủy, thị ủy, thành ủy; Đảng ủy xã, phường, thị trấn. Đối với các cơ quan Nhà nước đã triển khai đến một số sở, ngành, tuy nhiên hoạt động chưa mang lại hiệu quả, các đơn vị chủ yếu sử dụng đường truyền Internet.

Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025; Chương trình hành động số 07-CTHĐ/TU ngày 15/01/2021 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, định hướng đến năm 2030, Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 04/11/2021 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã nêu rõ mục tiêu phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực của tỉnh; phát triển nhanh hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh, đây là một trong những chương trình, dự án ưu tiên đầu tư.

Từ hiện trạng phát triển và ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh như đã nêu trên, có thể thấy việc ứng dụng CNTT đã có được những kết quả nhất định, bước đầu tạo được nền tảng về nhận thức và hạ tầng CNTT cho việc phát triển ứng dụng trong giai đoạn tiếp theo. Việc ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước đã phát huy được hiệu quả, Cổng thông tin điện tử của tỉnh cung cấp các thông tin chỉ đạo điều hành, các văn bản pháp luật, thủ tục hành chính công mức độ 1, 2 và một số dịch vụ công đã đạt mức độ 3, mức độ 4, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận được với thông tin, làm cho chính quyền gần dân hơn. Tuy nhiên, những kết quả trên vẫn chưa tương xứng với khả năng và yêu cầu đặt ra trong giai đoạn tới, khi mà công tác chỉ đạo điều hành bằng Chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số quốc gia. Hạ tầng CNTT trong các cơ quan nhà nước đa số còn thiếu và yếu, nhiều đơn vị cấp 2 thuộc các Sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố chưa được đầu tư mạng nội bộ, hoặc mạng LAN đã xuống cấp, chưa hình thành được mạng diện rộng của tỉnh. Các phần mềm ứng dụng chỉ mới được sử dụng ở một số ngành, một số lĩnh vực, còn mang tính đơn lẻ, thiếu đồng bộ, cơ sở dữ liệu của các sở, ngành chưa được lưu trữ và quản lý tập trung. Việc ứng dụng CNTT chưa đáp ứng được yêu cầu trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vai trò và tiềm năng to lớn của CNTT chưa được phát huy mạnh mẽ; đầu tư cho CNTT còn hạn chế, phân tán và hiệu quả chưa cao.

Vì vậy, việc đầu tư hạ tầng CNTT đồng bộ sẽ góp phần xây dựng mạng truyền số liệu chuyên dùng hướng tới phát triển Chính phủ số, đồng thời giúp việc lưu trữ, truy xuất, chia sẻ, tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng và tiện lợi nhất; giúp cơ quan quản lý nhà nước giảm chi phí tối đa cho việc quản lý, nâng cao hiệu quả, hạn chế tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc giải quyết thủ tục hành chính,  từ đó xây dựng được môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, thuận lợi, tạo động lực cho thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

                                                     Bài và ảnh: LỆ HẰNG

Các tin khác
 
 
 
LIÊN KẾT WEBSITE
 

Địa chỉ liên hệ
SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG QUẢNG TRỊ
Điện thoại: (0233) 3575155 - Fax: (0233) 3554711
Email: sotttt@quangtri.gov.vn
Địa chỉ: 51 Trần Hưng Đạo, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Tường, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị
Đơn vị vận hành: Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị (Ghi rõ nguồn “https://sotttt.quangtri.gov.vn/” khi phát hành lại thông tin từ trang web này)