Chi tiết tin - Sở Thông tin và Truyền thông

 
LƯỢT TRUY CẬP

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 146

Tổng lượt truy cập: 1.466.280

9 yếu tố cấu thành công dân số

Ngày cập nhật: 29/03/2022 02:47:23

9 yếu tố cấu thành công dân số là khả năng truy cập số; chuẩn mực đạo đức trong môi trường số; luật lệ số; khả năng giao tiếp trong môi trường số; kiến thức và kỹ năng số cơ bản; mua bán hàng hóa trên mạng; bảo vệ thể chất và tâm lý trước các ảnh hưởng từ môi trường số; quyền và trách nhiệm trong môi trường số; bảo vệ an toàn trong môi trường số.

Ảnh: Internet

1. Khả năng truy cập số (Digital Access)

Không phải ai cũng có cơ hội như nhau trong việc sử dụng các phương tiện, công cụ truy cập điện tử, tiếp cận công nghệ số và nguồn thông tin số (như truy cập Internet, tiếp cận, sử dụng điện thoại thông minh, máy tính cá nhân, các thiết bị, ứng dụng công nghệ số…). Do vậy, việc đảm bảo khả năng truy cập số là yếu tố khởi đầu cho mọi công dân số.

2. Chuẩn mực đạo đức trong môi trường số (Digital Etiquette)

Các chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử trên môi trường số là một trong những vấn đề cấp bách nhất của công dân số. Đây là yếu tố để tạo nên một công dân số có trách nhiệm trong xã hội số.

3. Luật lệ số (Digital Law)

Luật lệ số liên quan đến đạo đức công nghệ trong một xã hội. Một số hành vi không được phép như vi phạm bản quyền, đạo văn, tạo và phát tán vi-rút, đánh cắp thông tin, giả mạo định danh... Công dân số cần hiểu rằng ăn cắp hoặc gây thiệt hại tới công việc, danh tính hoặc tài sản trực tuyến của người khác là một hình thức phạm tội. Có những quy tắc nhất định của một xã hội số mà bất kỳ công dân số nào đều cần phải nhận thức và tuân theo khi hoạt động trên môi trường trực tuyến.

4. Giao tiếp trong môi trường số (Digital Communication)

Một trong những thay đổi quan trọng trong cuộc cách mạng số là khả năng giao tiếp với người khác, thông qua nhiều hình thức giao tiếp số (ví dụ: e-mail, điện thoại di động, nhắn tin tức thời, cuộc gọi kèm hình ảnh…). Công dân số cần được trang bị kỹ năng giao tiếp số và có thể đưa ra quyết định đúng đắn và phù hợp khi phải lựa chọn hình thức giao tiếp số phù hợp.

5. Mua bán trên mạng (Digital Commerce)

Ngày nay, phần lớn giao dịch thương mại đang được thực hiện qua môi trường điện tử. Việc mua đồ chơi, quần áo, xe hơi, thực phẩm… đã trở nên phổ biến đối với nhiều người. Đồng thời, các giao dịch bất hợp pháp hoặc vi phạm chuẩn mực đạo đức cũng đang diễn ra trên môi trường số (như tải các nội dung số bất hợp pháp, khiêu dâm và đánh bạc…). Công dân số cần nhận thức, làm quen với thương mại điện tử, đồng thời cũng học cách để trở thành một người tiêu dùng thông thái, hiệu quả trong nền kinh tế số, không vi phạm pháp luật và các chuẩn mực đạo đức.

6. Kiến thức và kỹ năng số cơ bản (Digital Literacy)

Công dân trong xã hội số ngày nay cần được trang bị kiến thức, kỹ năng số cơ bản, sử dụng thành thạo các công nghệ số, kỹ năng tìm kiếm, xử lý thông tin, xác định nguồn gốc thông tin… phục vụ cho hoạt động học tập, làm việc, tương tác trong xã hội số. Kỹ năng học trong xã hội số, công dân có thể học mọi thứ, mọi lúc, mọi nơi. Khi một công nghệ mới ra đời, công dân có khả năng học cách sử dụng công nghệ mới một cách nhanh chóng và phù hợp.

7. Sức khỏe thể chất và tâm lý trong môi trường số (Digital Health and Wellness)

Công dân cần nhận thức việc sử dụng công nghệ số có những ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tâm lý. Công dân số cần có khả năng tự bảo vệ bản thân về thể chất (bảo vệ mắt, cột sống, tránh hội chứng căng thẳng, các thói quen sức khỏe có hại khi sử dụng công nghệ số), vấn đề về tâm lý (nghiện Internet, hạn chế trong giao tiếp môi trường thực…).

8. Quyền và trách nhiệm trong môi trường số (Digital Rights and Responsibilities)

Công dân số có các quyền trên môi trường số như quyền riêng tư, quyền bày tỏ ý kiến, quyền tìm kiếm, truy cập thông tin… Đồng thời, cũng có trách nhiệm trong việc áp dụng các công nghệ số một cách phù hợp, theo chuẩn mực.

9. An toàn trong môi trường số (Digital Security)

An toàn trong môi trường số bao gồm bảo vệ dữ liệu cá nhân, quyền riêng tư trên không gian mạng, bảo vệ định danh cá nhân, tránh khỏi sự ăn cắp, phá hoại của các cá nhân có mục đích xấu. Một trong những biện pháp đảm bảo an toàn trong môi trường số bao gồm xác thực điện tử, sử dụng phần mềm bảo vệ chống vi-rút, sao lưu dữ liệu và kiểm soát thiết bị số cá nhân.

THANH TUẤN (sưu tầm)

Các tin khác
 
 
 
LIÊN KẾT WEBSITE
 

Địa chỉ liên hệ
SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG QUẢNG TRỊ
Điện thoại: (0233) 3575155 - Fax: (0233) 3554711
Email: sotttt@quangtri.gov.vn
Địa chỉ: 51 Trần Hưng Đạo, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Tường, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị
Đơn vị vận hành: Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị (Ghi rõ nguồn “https://sotttt.quangtri.gov.vn/” khi phát hành lại thông tin từ trang web này)