Chi tiết tin - Sở Thông tin và Truyền thông
- Trang chủ
- Tổng quan
- Tin tức - Sự kiện
- Thủ tục hành chính
- Cải cách hành chính
- Tuyền truyền CCHC
- Công tác chỉ đạo điều hành
- Cải cách chế độ công vụ
- Cải cách tài sản công
- Áp dụng ISO trong hoạt động
- Chấm điểm CCHC, hoàn thành nhiệm vụ
- Hệ thống báo cáo
- CCTC theo dõi thi hành pháp luật.
- CCTTHC thực hiện cơ chế một cửa
- CC bộ máy hành chính nhà nước
- Xây dựng và phát triển CQ điện tử, CP điện tử
- Văn bản trao đổi
- Quản lý nhà nước
- Chiến lược, QH, KH
- Đảng - Đoàn thể
- Lịch công tác
- Báo cáo tài chính
Đang truy cập: 1
Hôm nay: 457
Tổng lượt truy cập: 1.436.802
Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp Quảng Trị
Nông nghiệp Quảng Trị với thành phần chủ yếu là kinh tế hộ nhỏ lẻ, có xuất phát điểm thấp về trình độ công nghệ so với các lĩnh vực kinh tế khác và so với nông nghiệp các tỉnh khác trong khu vực. Tuy nhiên, chuyển đổi số (CĐS) nói chung và trong nông nghiệp, nông thôn (NNNT) nói riêng lại là sân chơi công bằng với các chủ thể tham gia. Do vậy, nếu lựa chọn được cách tiếp cận phù hợp và được hỗ trợ dẫn dắt, kết nối thỏa đáng từ chính sách của Nhà nước cũng như cộng đồng doanh nghiệp số, NNNT Quảng Trị sẽ có những chuyển biến nhanh, toàn diện trong những năm tới.
* Thách thức và cơ hội CĐS trong nông nghiệp
Quảng Trị là một tỉnh thuần nông, khí hậu khắc nghiệt; trong các lĩnh vực đời sống xã hội thì NNNT vẫn được coi là khu vực phát triển thấp, đang trong thời kỳ đầu của chuyển đổi, chuyển sang thời kỳ phát triển mới trong công nghiệp hóa, đô thị hóa. Đó là quá trình chuyển đổi có nhiều thách thức chưa từng trải qua, phát sinh từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với xu thế CĐS đang diễn ra. Tham gia CĐS chính là nhu cầu cấp thiết của NNNT để có sự phát triển nhanh hơn. Dù tỷ trọng GDP nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh nhà đang thấp, NNNT vẫn giữ vai trò chiến lược trong dài hạn, là bệ đỡ quan trọng cho kinh tế, an ninh, an sinh xã hội. Như ngày xưa ông cha ta có câu: “Phi nông bất ổn”.
CĐS hiện nay không đơn giản chỉ là số hóa (biến đổi dữ liệu trên giấy thành dữ liệu mềm, số hóa quy trình cũ), mà nó yêu cầu phải ứng dụng công nghệ số tạo ra những phương thức làm việc mới, mở ra thời kỳ phát triển “Thông minh hóa”, cao hơn hẳn các thời kỳ “Cơ khí hóa”, “Điện khí hóa”, “Tự động hóa” trước đây. Đối với NNNT đó là bậc thang chuyển đổi rất cao, vượt qua được là thách thức rất lớn. Đòi hỏi sự quyết tâm chính trị và sự đồng thuận trong nhân dân. Từ thay đổi tư duy sản xuất đến tham gia các chuổi giá trị, đầu tư công nghệ, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử.
Với CĐS, mọi mặt của hoạt động kinh tế - xã hội sẽ thay đổi, từ nhận thức, quan niệm, cách tiếp cận, đến nguyên tắc thiết kế, vận động của các quá trình… Nó đòi hỏi mọi chủ thể phải chuyển đổi căn bản để phù hợp với mục tiêu ứng dụng công nghệ số. Đa số các doanh nghiệp lớn đang phát triển ổn định thường lúng túng, không quyết liệt vứt bỏ cái cũ để thay đổi toàn diện. Trong khi đó, doanh nghiệp nhỏ, ít vốn, lại có lợi thế CĐS nhanh hơn.
Chính đặc điểm đó đã tạo ra cơ hội bình đẳng cho các khu vực phát triển thấp và NNNT có đủ tự tin để tham gia cuộc chơi. Đổi mới về nông nghiệp đã đem lại bước ngoặt, sự tự tin ấy được khẳng định từ kinh nghiệm thời kỳ đầu đổi mới đất nước. Thực hiện thí điểm cơ chế khoán sản phẩm đến người lao động theo Chỉ thị 100-CT/TW ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư và những thành công khác đã tạo đà đổi mới toàn diện đất nước từ Đại hội Đảng lần thứ VI (năm 1986).
* Thực trạng ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp tỉnh Quảng Trị
Thành tựu
Việc ứng dụng công nghệ số vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần rất quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội tỉnh nhà. Khoa học và công nghệ đã biến điều kiện khí hậu khắc nghiệt thành lợi thế phát triển, chuyển từ nền nông nghiệp số lượng sang chất lượng trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số (trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây, công nghệ cảm biến, tự động hóa, công nghệ sinh học... ) bước đầu đã thay đổi công tác quản lý, tạo ra những sản phẩm có chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích, một số sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã tham gia các sàn giao dịch điện tử trong nước và quốc tế. Các đơn vị, địa phương đã nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các công nghệ cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Nhờ đó, trên địa bàn tỉnh bước đầu đã ứng dụng công nghệ vào sản xuất, tạo ra các sản phẩm chất lượng, sạch để cung cấp cho thị trường như: Các mô hình ứng dụng công nghệ nhà lưới, nhà màng, hệ thống tưới nhỏ giọt, phun mưa tự động; ứng dụng hệ thống cảm biến trong điều khiển, theo dõi, giám sát từ xa quá trình chăm sóc cây nông nghiệp; mô hình nhà kính hiện đại phục vụ nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất một số loại cây trồng có giá trị cao; ứng dụng thiết bị bay không người lái (drone) phun thuốc BVTV cho ruộng lúa (gần 1000 ha); ứng dụng công nghệ số trong sản xuất chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh như Hệ thống thông tin địa lý - GIS trong việc giám sát và khống chế bệnh cúm gia cầm; quản lý dịch bệnh gia súc, gia cầm thông qua ứng dụng “Hệ thống thông tin dịch bệnh động vật Việt Nam-VAHIS”. Quản lý dịch bệnh thủy sản thông qua ứng dụng “Hệ thống báo cáo dịch bệnh thủy sản trực tuyến”. Sử dụng hệ thống giám sát trang trại chăn nuôi (camera) kết nối Internet và điện thoại thông minh; ứng dụng phần mềm quản lý giết mổ, truy xuất nguồn gốc. Ứng dụng công nghệ chuồng trại khép kín với hệ thống điều hòa nhiệt độ chuồng nuôi, máng ăn và nước uống tự động, máy úm gia cầm tự động, xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường bằng chế phẩm vi sinh, công nghệ khí sinh học (biogas)… Trong lĩnh vực thủy sản: Ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm như công nghệ vi sinh, công nghệ cho ăn tự động…; ứng dụng hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường nước ao nuôi kết nối Internet với điện thoại thông minh; ứng dụng các công nghệ giám sát hành trình tàu cá và máy quét sonar dò ngang, thông tin liên lạc tích hợp định vị vệ tinh và ra đa tàu cá vào khai thác thủy sản. Trong lĩnh vực lâm nghiệp: Ứng dụng phần mềm theo dõi diễn biến rừng FRMS để cập nhật tất cả các lô rừng biến động trong từng năm trên địa bàn toàn tỉnh vào cơ sở dữ liệu và quản lý đồng bộ trên toàn quốc; sử dụng các phần mềm Mapinfo, Microstation, QGIS để quản lý, chuyển đổi và khai thác các dữ liệu bản đồ. Trong lĩnh vực thủy lợi và phòng chống thiên tai (PCTT) đã ứng dụng phần mềm Google Earth kết hợp bản đồ nền Map Info để quản lý cơ sở dữ liệu về thủy lợi, đê, kè và nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh; hệ thống đo mưa tự động Vrain (hiện tại lắp đặt được 25 trạm) để dự báo lượng mưa, nhiệt độ phục vụ công tác dự báo hạn hán, mưa lũ trên địa bàn tỉnh. Trong lĩnh vực chế biến nông lâm sản thủy sản: Ứng dụng máy bắn màu tự động, sử dụng dây chuyển bán tự động trong sơ chế bóc vỏ, chẻ hạt điều, dây chuyền chiết rót tự động cao dược liệu, ứng dụng hệ thống sấy lạnh sản phẩm nông sản, dược liệu, ứng dụng chuyển đổi số vào truy xuất nguồn gốc, kinh doanh đã phát huy hiệu quả trong việc sản xuất, kinh doanh của cơ sở. Nhiều cơ sở sau khi ứng dụng chuyển đổi số, giúp tăng lượng khách hàng lên gấp 2-3 lần. Việc giới thiệu, quảng bá, kinh doanh, thanh toán, vận chuyển hàng hóa được thuận lợi hơn.
Ứng dụng thiết bị bay không người lái trong phun thuốc BVTV - Ảnh: Phan Việt Toàn
Hạn chế
So với các tỉnh thành trong cả nước, việc chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp và phát triển nông thôn ở Quảng Trị vẫn còn hạn chế và mang tính tự phát của các cơ quan, đơn vị hoặc các địa phương, doanh nghiệp; việc xây dựng, lưu trữ, quản lý dữ liệu số, tính minh bạch các số liệu về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản… của ngành từng bước mới được hình thành nên việc thực hiện chuyển đổi số vào công tác quản lý, giải quyết thủ tục hành chính, chỉ đạo sản xuất chưa rõ nét, cũng như việc chia sẻ thông tin cho các tổ chức doanh nghiệp trong việc quảng bá sản phẩm còn hạn chế và gặp nhiều khó khăn. Sự chênh lệch về thu nhập và hưởng thụ dịch vụ giữa người dân nông thôn và đô thị; khó khăn về kết nối tiêu thụ nông sản, đảm bảo an toàn thực phẩm; chưa phát huy hết các tiềm năng và dư địa của nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày một tăng, lực lượng lao động ở nông thôn có xu hướng giảm và đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên các thị trường xuất khẩu lớn như Trung Quốc, EU, Mỹ bị tác động lớn… là những thách thức đối với sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà.
* Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp Quảng Trị
Tuyên truyền nâng cao nhận thức
Trong chuyển đổi số, sự quyết tâm chính trị chiếm 70%, công nghệ chiếm 30%, nên công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và tận người dân là một trong những nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm để thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao sức cạnh tranh, giá trị gia tăng, phát triển bền vững và xây dựng nông thôn mới. Vận động và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tham gia các chương trình, dự án nông nghiệp thông minh ứng dụng công nghệ cao và tuân thủ các quy trình, kỹ thuật về phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Từng bước thay đổi nhận thức, hành động, thói quen canh tác theo phương pháp truyền thống.
Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; tuyên truyền về thực hiện chuyển đổi số nông nghiệp của tỉnh trên báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng. Xây dựng các video, bản tin AI về phát triển nông nghiệp chuyển đổi số, giới thiệu trên các kênh truyền thanh, truyền hình, trang thông tin điện tử…
Thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn và đào tạo kỹ năng số cho người nông dân đi vào cụ thể từng dự án, từng mô hình, đơn giản dễ hiểu, dễ làm, dễ đi vào cuộc sống để người nông dân tiếp cận công nghệ, góp phần đưa lại hiệu quả trong sản xuất và kinh doanh. Xây dựng các mô hình công nghệ mới giúp người dân tiếp cận, học tập, làm theo nhằm đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, quảng bá tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích.
Hình thành các cơ sở dữ liệu về nông nghiệp, kết nối chia sẻ tài nguyên số.
Cần lựa chọn lĩnh vực ưu tiên để số hóa; triển khai điều tra, khảo sát, đánh giá thu thập các thông tin dữ liệu, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung cho ngành nông nghiệp đảm bảo kết nối lên IOC của tỉnh, Trung tâm tích hợp, nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu của tỉnh, cơ sở dữ liệu của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Hỗ trợ tiếp cận thông tin và cung cấp thông tin cho các hộ nông dân sản xuất nông nghiệp, giúp người dân tiếp cận được cơ sở dữ liệu của ngành, dự báo thị trường nông sản…
Xây dựng trang thông tin và tổ hợp phần mềm với đầy đủ các chức năng quản lý và khai thác cơ sở dữ liệu sản xuất nông nghiệp nhằm đáp ứng công tác quản lý, nhu cầu thông tin về các hoạt động sản xuất nông nghiệp ở mọi nơi, mọi lúc thông qua các thiết bị được kết nối Internet.
Hiện nay, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu vẫn theo phương thức sản xuất truyền thống, quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ chưa tập trung, sản xuất chưa gắn kết với thị trường, chưa khai thác hết tiềm năng lợi thế của đất đai, khí hậu, tính cạnh tranh và hiệu quả sản xuất còn thấp. Để đạt được mục tiêu nâng cao năng suất, tạo độ đồng đều cho sản phẩm, tiếp cận thị trường, tăng hiệu quả kinh tế, cần ứng dụng công nghệ số để tự động hóa toàn bộ hoặc một số quy trình sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương, cụ thể:
Tập trung ứng dụng các thành tựu như Internet vạn vật (IoT), thiết bị bay không người lái (Drone) để phun thuốc BVTV, bón phân cho cây trồng; ứng dụng công nghệ đèn Led đa sắc sử dụng đồng bộ trong canh tác kỹ thuật cao để tối ưu hóa quá trình sinh trưởng; ứng dụng phần mềm quản lý cây trồng, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu của lĩnh vực, trí tuệ nhân tạo (AI)…
Tập trung ứng dụng các công nghệ số hóa (công nghệ IoT, blockchain, điện toán đám mây, các phần mềm hệ thống cơ sở dữ liệu) trong quản lý nhà nước, quản lý dịch bệnh và sản xuất chăn nuôi. Ưu tiên ứng dụng phần mềm hệ thống cơ sở dữ liệu về chăn nuôi, dịch bệnh; phần mềm quản lý trang trại chăn nuôi, hệ thống cảm biến (IoT) điều khiển nhiệt độ chuồng nuôi; phần mềm quản lý dữ liệu truy xuất nguồn gốc, in tem nhãn QR.
Ứng dụng công nghệ IoT, công nghệ sinh học trong chọn giống; Công nghệ biofloc, công nghệ vi sinh, công nghệ nano trong nuôi thủy sản; tập trung ứng dụng, nhân rộng các mô hình nuôi tôm công nghệ cao phù hợp với đặc điểm từng vùng để tăng năng suất, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao; ứng dụng máy quét sonar dò ngang trên tàu cá. Triển khai nhật ký khai thác điện tử, cũng như truy xuất sản phẩm thủy sản trên phương tiện điện tử.
Thực hiện số hóa toàn bộ các dữ liệu về rừng, hệ thống hạ tầng lâm nghiệp và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc gỗ thông minh (iTwood) cho gỗ rừng trồng của hộ gia đình, các cơ sở chế biến, nâng cao hiệu quả quản lý gỗ hợp pháp. Ứng dụng hệ thống camera giám sát chuyên dụng trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Ứng dụng công nghệ viễn thám, GIS, AI trong cập nhật diễn biến rừng, giám sát cháy rừng, dự báo nguy cơ mất rừng và suy thoái rừng. Khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ DNA mã vạch trong truy xuất nguồn gốc giống và lâm sản.
Ứng dụng công nghệ tưới thông minh kết nối Ineternet vạn vật (IoT) thích ứng với biến đổi khí hậu. Ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng phần mềm quản lý, dự báo nguồn nước phục vụ sản xuất ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về các công trình thủy lợi. Tăng cường việc ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm; ưu tiên ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất kinh doanh và công nghệ thông tin trong quản lý điều hành HTX/Doanh nghiệp/cơ sở/hộ gia đình. Chuẩn hóa dữ liệu và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu kết nối đồng bộ và liên thông; hệ thống trực tuyến lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân/ cộng đồng về chính quyền địa phương.
Tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến sàn giao dịch thương mại điện tử. Hỗ trợ người nông dân tiêu thụ nông sản, giải quyết được vấn đề được mùa mất giá cho người nông dân. Phát triển hạ tầng thương mại (chợ đầu mối, trung tâm cung ứng nông sản siêu thị, hệ thống bán buôn, bán lẻ...), hệ thống logicstic kết nối giữa người sản xuất với nhà phân phối, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động phân phối sản phẩm nông nghiệp, phát triển trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản chế biến đặc sản mang tầm khu vực. Đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh thành trong cả nước, với các địa phương khác ở quy mô vùng; tạo điều kiện lưu thông hàng hóa theo chuỗi giá trị để nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Tiến tới cùng các Bộ, ngành Trung ương hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chiến lược quốc gia, có sức cạnh tranh mạnh mẽ trong thị phần nông sản nội địa, khu vực và quốc tế.
Xây dựng trang thông tin điện tử về sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, hỗ trợ đưa các sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước. Xây dựng thương hiệu của các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh; đáp ứng các yêu cầu để kinh doanh online (bán hàng qua các sàn thương mại điện tử như Alibaba, Postmart, Vỏ Sò, Sendo, Shopee, eGap… ), hình thành sàn giao dịch nông sản Quảng Trị. Tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế trong và ngoài nước để giới thiệu sản phẩm nông lâm thủy sản. Tăng cường năng lực nghiên cứu, dự báo và thông tin thị trường trong nước và trên thế giới về thị phần, thị hiếu, giá cả, các tiêu chuẩn sản phẩm... để xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển thị trường cho các sản phẩm nông sản.
Đẩy mạnh nâng cao năng lực, trình độ về chuyển đổi số
Việc chuyển đổi số trong nông nghiệp đòi hỏi việc đào tạo và thu hút lực lượng lao động trẻ vào nông nghiệp. Đây là lực lượng lao động có khả năng tiếp thu và phát huy tốt nhất trong việc ứng dụng công nghệ, quản lý và triển khai chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp. Do đó, đòi hỏi phải có chiến lược đào tạo, thu hút lực lượng lao động có tay nghề cao vào nông nghiệp. Các chương trình đào tạo nghề cần tập trung vào việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng ứng dụng công nghệ phục vụ nông nghiệp; đồng thời phải hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp, tập đoàn lớn để đào tạo một đội ngũ kỹ thuật viên nông nghiệp đáp ứng với yêu cầu đòi hỏi mới.
Chú trọng liên kết, hợp tác với các viện, trường đại học, các tỉnh, thành phố có điều kiện phát triển nông nghiệp công nghệ cao đề nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao khoa học công nghệ, nhất là đào tạo các chuyên gia về kỹ thuật nông nghiệp, sơ chế, chế biến sản phẩm nông nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh. Đào tạo nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và điều hành cho cán bộ ngành nông nghiệp, nhằm hướng tới chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh.
Đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao kỹ năng ứng dựng công nghệ số, quản lý sản xuất và thực hiện chuyển đổi số cho người dân và doanh nghiệp. Hỗ trợ đào tạo kiến thức cơ bản về tin học, thương mại, marketing… cho đội ngũ cán bộ HTX.
Ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất, nâng cao giá trị của sản xuất nông nghiệp.
Tập trung đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ sinh học trong nhân giống cây trồng nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi, giống thủy sản, tập trung vào các đối tượng trọng điểm, chủ lực và phù hợp với mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, thử nghiệm các thành tựu khoa học và công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để lựa chọn gói công nghệ phù hợp ứng dụng vào thực tiễn sản xuất trên địa bàn như: ứng dụng công nghệ điện toán đám mây để quản lý sản xuất (từ khâu gieo trồng, chăm sóc, chế biến đến thị trường tiêu thụ). Qua đó sẽ hỗ trợ người sản xuất xác định được thời gian gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, thời gian chế biến và thị trường có nhu cầu.
Hỗ trợ cho các doanh nghiệp, HTX chuẩn hóa về sản phẩm nông sản (quy trình sản xuất, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, nuôi…) và một số trang thiết bị phù hợp để có thể theo dõi, vận hành và ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất.
Khuyến khích, kêu gọi, thu hút đầu tư theo đối tác công tư (PPP) và tạo điều kiện để các doanh nghiệp, tổ chức, người dân tham gia đầu tư vào các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tạo điều kiện để khuyến khích doanh nghiệp và người dân ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Lấy doanh nghiệp làm trung tâm để hình thành nên sự liên kết chặt chẽ giữa các nhà khoa học, tổ chức nghiên cứu, chuyển giao với các doanh nghiệp bởi doanh nghiệp vừa là đơn vị ứng dụng khoa học công nghệ, vừa là đơn vị tiếp nhận những sản phẩm đầu ra của sản xuất. Thông qua doanh nghiệp, các công nghệ sẽ được chuyển giao vào sản xuất, tới nông dân nhanh hơn, để sản xuất kinh doanh có hiệu quả và sản phẩm nông sản đáp ứng các tiêu chí về an toàn thực phẩm cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
CĐS trong nông nghiệp phải bắt đầu từ nông dân, trên từng thước đất, chứ không chỉ là công việc của doanh nghiệp vì kinh tế hộ chiếm tỷ lệ hầu hết trong tổng số các chủ thể sản xuất mới là phần làm nên nền tảng của kinh tế nông nghiệp. Họ buộc phải thay đổi nhận thức, đổi mới tư duy để lựa chọn bước đi phù hợp, thực hiện tiến trình ứng dụng công nghệ số vừa có tính tự nguyện, vừa bắt buộc. Bởi triết lý thành công của CĐS là phải làm cùng nhau, tất cả cùng làm, nên cách tiếp cận cùng nhau là bắt buộc đối với CĐS trong nông nghiệp. Nó phải dựa trên sự phát triển liên kết chuỗi ngang và dọc, hình thành phương thức mới và các mạng lưới hợp tác, kết nối giữa các đơn vị nội ngành và ngoài ngành, tạo ra nông nghiệp kết nối và chia sẻ, gắn chặt với thương mại số. Không thể có doanh nghiệp CĐS thành công nếu không có nông dân số. Các doanh nghiệp trong chuỗi liên kết số phải thực hiện vai trò đầu tàu, là người đặt hàng thiết lập các ứng dụng số (apps) cần thiết cho chuỗi của mình, tạo lập các hợp đồng kinh tế thông minh, bền vững với nông dân, thay đổi nhận thức nông dân, đưa họ cùng tham gia CĐS. Phải có hai doanh nghiệp đầu tàu trong chuỗi liên kết số, bên cạnh doanh nghiệp nông nghiệp phải có doanh nghiệp công nghệ số (đơn vị cung cấp công nghệ số và tư vấn CĐS). Tương tự như vậy là câu chuyện CĐS trong các HTX. Tất cả các chủ thể doanh nghiệp, HTX, nông dân phải CĐS cùng nhau, liên kết, hỗ trợ nhau.
Tuy nhiên, bước đi CĐS trong nông nghiệp cần thận trọng. CĐS không phải là cải tiến, mà là sự sáng tạo mang tính “phá hủy” nhiều cái cũ. Vì thế, với điểm xuất phát thấp, nguồn lực hạn chế, CĐS nông nghiệp không được phép sai lầm. Làm ngay, nhưng phải từng bước chắc chắn và làm không ngừng. Không phải tất cả mọi khâu, mọi công việc cần phải số hóa đồng loạt. Mỗi chủ thể phải biết cần làm gì trước, công nghệ nào ứng dụng trước, tránh “ôm đồm” để rồi quá tải, hiệu quả thấp.
Trước hết, cán bộ trong hệ thống chính quyền, người dân nông thôn phải nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong CĐS, yêu cầu, mục tiêu và lộ trình CĐS nông thôn, từ đó thay đổi tư duy trong mọi việc. Chính quyền các cấp có trọng trách đi đầu CĐS để trở thành chính quyền số, khẩn trương thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng CNTT trong mọi công việc và cung cấp dịch vụ mới cho người dân; dẫn dắt CĐS ở nông thôn, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy CĐS cho người dân; chăm lo xây dựng hạ tầng số, thu hút doanh nghiệp đầu tư CĐS ở địa phương…
Sở NN&PTNT có vai trò, trách nhiệm đi trước và dẫn dắt CĐS trong ngành. Đồng thời, cần sớm hoàn thiện đề án và có kế hoạch đầu tư cho lộ trình CĐS của ngành. Yếu tố tiên quyết đem lại thành công ở đây chính là tầm nhìn và quyết tâm thực hiện của Sở và các tổ chức, doanh nghiệp trong ngành. Sở cần tập trung và lồng ghép nguồn lực, chỉ đạo đồng bộ các giải pháp cấp thiết, thực hiện các nhiệm vụ CĐS theo thẩm quyền được giao, như đổi mới quản lý ngành theo hướng hiện đại, quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm hiệu quả, thực chất, gắn với đẩy mạnh thực hiện CĐS, cung cấp 100% dịch vụ mức độ 4 cho người dân, doanh nghiệp; giúp chính quyền tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn, thu hút mạnh mẽ đầu tư, thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế NNNT…
Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT cần xây dựng Big data cho phát triển NNNT, cần có tổ chức tư vấn số đủ mạnh. CĐS trong nông nghiệp (và nông thôn) cần có trọng tâm, trọng điểm, có mô hình thí điểm để dẫn dắt, nhân rộng. Sở cần tập trung chỉ đạo, dẫn dắt CĐS ngành bằng cách tạo lập 3 chân kiềng của CĐS nông nghiệp là nền tảng số, hạ tầng số, chính sách số; phát triển “nguồn nhân lực số”, xây dựng “văn hóa CĐS” ... Đồng thời, chính sách số phải hỗ trợ cho liên kết với cộng đồng doanh nghiệp số.
Để dẫn dắt CĐS trong ngành, Sở NN&PTNT trước hết phải tạo ra quyết tâm của lãnh đạo và cách thức CĐS phù hợp. Đồng thời phải tạo ra và lan tỏa đến toàn ngành khát vọng đổi mới, bởi đó là bước đầu cho sự thành công trên con đường dài “chuyển đổi số”.
NGUYỄN THỊ HUYỀN
Địa chỉ liên hệ
SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG QUẢNG TRỊ
Điện thoại: (0233) 3575155 - Fax: (0233) 3554711
Email: sotttt@quangtri.gov.vn
Địa chỉ: 51 Trần Hưng Đạo, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Tường, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị
Đơn vị vận hành: Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị (Ghi rõ nguồn “https://sotttt.quangtri.gov.vn/” khi phát hành lại thông tin từ trang web này)