Chi tiết tin - Sở Thông tin và Truyền thông

 
LƯỢT TRUY CẬP

Đang truy cập: 4

Hôm nay: 149

Tổng lượt truy cập: 1.461.645

Bánh “A yữh” của người đồng bào dân tộc Vân Kiều

Ngày cập nhật: 16/08/2023 08:06:16

Là món ăn quen thuộc trong văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc Vân Kiều ở huyện miền núi Hướng Hóa vào các dịp lễ hội, Tết và lễ cưới, tục làm bánh “A yữh” từ bao đời nay vẫn được người Vân Kiều lưu giữ bởi lẽ chiếc bánh hội tụ những nét đẹp tinh túy nhất của ẩm thực địa phương với nguyên liệu riêng có của bà con nơi đây.

Bánh “A yữh” sau khi làm xong được cho ra “a điên” (mẹt) để tạo hình khuôn - Ảnh: HỒ GIỎI

Để làm ra chiếc bánh “A yữh” không khó nhưng đòi hỏi người làm bánh phải rất tỉ mỉ và khéo léo mới ra được món bánh thành phẩm màu đen lạ, có mùi thơm của gạo nếp kết hợp với vị béo bùi của mè đen.

Nguyên liệu chính làm nên bánh “A yữh” từ nguồn sản vật đặc trưng của bản làng gồm có: nếp trắng và mè đen. Mè đen được trộn thêm một ít muối bột, sau đó cho lên bếp than rang. Quá trình rang phải đảo đều tay, lửa không quá nóng, tránh làm khét và mất vị của mè đen, rang đến lúc mè đạt độ thơm nồng. Nếp trắng vo sạch, ngâm qua đêm nồi đem nấu chín. Quá trình nấu sử dụng củi hoặc than củi thì bánh sẽ thơm và dẻo hơn. Nếp sau khi được nấu chín thành xôi được cho vào cối gỗ và dùng chày bằng gỗ giã nhuyễn. Trong quá trình giã, xôi sẽ được rải mè đen vào theo từng lớp để bánh đạt độ thơm ngon, không bị sượng, không bị khô cứng và giữ nguyên được hương thơm cũng như vị ngọt, bùi của nếp và mè đen thì trong quá trình giã chú ý giã phải đều tay, tránh ngưng giữa chừng sẽ làm cứng bánh. Sau khoảng một giờ đồng hồ giã, khi xôi trắng và mè đen đã đạt đến độ nhuyễn mịn, hòa quyện vào nhau, tạo thành một hợp chất mềm dẻo, có màu đen bóng sẫm và thơm dậy thì sẽ được đổ ra “a điên” - một loại mâm đan bằng mây tre của người Vân Kiều, cũng có thể dùng mâm đồng và vun lên cho đầy, dày và tròn. Bánh vừa hoàn thành có hương vị rất đặc trưng, đặc biệt là vị bùi, béo của nếp trắng và mè đen, mùi hương thơm nồng. Bánh được chia thành nhiều miếng nhỏ bằng một thanh dao vót mảnh từ thanh tre. Bánh có thể ăn riêng, cũng có thể ăn kèm thịt nướng và rau rừng.

Bánh sau khi làm xong được người dân gói vào lá dong để bảo quản - Ảnh: HỒ GIỎI

Bánh “A yữh” có nguyên liệu chính từ các sản vật đặc trưng của người Vân Kiều, cho nên được coi là tượng trưng cho những gì tinh túy nhất của trời đất, của nương rẫy đã nuôi sống họ từ đời này sang đời khác. Bởi vậy, người Vân Kiều rất coi trọng tục làm bánh “A yữh”, không chỉ đơn thuần là việc tạo ra một món ăn thông thường, mà đó là tạo ra sản phẩm độc đáo vào các dịp quan trọng, nhất là lễ, Tết và đám cưới. Trong các dịp lễ trọng này, bánh “A yữh” sẽ được làm lễ vật dâng cúng tổ tiên, các vị thần với ý nghĩa bày tỏ lòng biết ơn; làm lễ vật trao tặng cô dâu trong ngày cưới với ý nghĩa cầu mong cho đôi trẻ có được tình nghĩa vợ chồng bền chặt, ngọt ngào và cũng là quà biếu cho các vị khách quý của mỗi gia đình để bày tỏ lòng hiếu khách. Theo các bậc cao niên người Vân Kiều, bánh “A yữh” không chỉ là thực phẩm được biến tấu từ bàn tay tài tình của người Vân Kiều mà bánh còn là biểu tượng tâm linh về trời đất. Lúa tẻ hay lúa nếp đều do chính thần đất, thần mặt trời, mặt trăng ban tặng cho con người, người dân phải có trách nhiệm gìn giữ và trân quý những hạt ngọc quý báu ấy.

                                                                                                   NHƯ TÚ

Các tin khác
 
 
 
LIÊN KẾT WEBSITE
 

Địa chỉ liên hệ
SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG QUẢNG TRỊ
Điện thoại: (0233) 3575155 - Fax: (0233) 3554711
Email: sotttt@quangtri.gov.vn
Địa chỉ: 51 Trần Hưng Đạo, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Tường, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị
Đơn vị vận hành: Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị (Ghi rõ nguồn “https://sotttt.quangtri.gov.vn/” khi phát hành lại thông tin từ trang web này)