Chi tiết tin - Sở Thông tin và Truyền thông

 
LƯỢT TRUY CẬP

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 198

Tổng lượt truy cập: 1.474.765

Hội Nông dân thúc đẩy các mô hình kinh tế mới phát triển

Ngày cập nhật: 13/09/2022 09:10:22

Xác định việc hỗ trợ, giúp đỡ hội viên, nông dân phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác hội, trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên, nông dân tham gia sản xuất. Từ những hoạt động, phong trào thiết thực của các cấp hội đã góp phần giúp nông dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Thời gian qua, được sự hỗ trợ của Hội Nông dân huyện Cam Lộ, ông Nguyễn Ngọc Thỉnh ở thôn Thiết Xá, xã Cam Chính đã đầu tư mô hình tưới tiết kiệm cho vườn tiêu rộng gần 5 sào của gia đình mình. Trao đổi với chúng tôi, ông Thỉnh cho biết, trước đây để tưới cho cây tiêu, ông phải dùng máy bơm tưới trực tiếp vào gốc tiêu, vừa mất công, vừa tốn thời gian lại không đảm bảo đủ lượng nước cho cây tiêu phát triển, đặc biệt là vào mùa khô hạn. Nhưng từ khi áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm này, cây tiêu thường xuyên đủ nước, hạt tiêu cũng to và nhiều hơn. Ngoài cây tiêu, ông còn đưa vào trồng thử nghiệm trong vườn nhà 5 sào sắn dây và 1 sào giống đu đủ lùn do Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam chọn tạo. “Bình quân mỗi năm tôi thu được khoảng 2,5 tạ hạt tiêu và khoảng 4 tấn củ sắn dây. Ngoài ra còn có thu nhập từ 3 ha cao su và 1 ha rừng trồng. Trừ chi phí tôi thu lãi khoảng 100 - 120 triệu đồng”, ông Thỉnh cho hay.

Mô hình trồng cây đu đủ lùn tại Quảng Trị

Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cam Lộ Nguyễn Văn Việt, thực hiện Đề án số 01 của UBND huyện Cam Lộ về nâng cao hiệu quả sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có thế mạnh của địa phương giai đoạn 2016 - 2020, những năm qua, Hội Nông dân huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân phát huy những lợi thế về điều kiện tự nhiên của địa phương và các chính sách hỗ trợ của nhà nước để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập cao. Điển hình như các mô hình nuôi gà Cùa, trồng ném Cùa, nuôi gà gia công, trồng thanh long ruột đỏ, trồng cây ăn quả xen canh với cây chè vằng và sắn dây... Phối hợp khảo sát, tham mưu việc quy hoạch vùng nguyên liệu sản xuất tập trung, ổn định cho làng nghề nấu cao dược liệu và thương hiệu cao chè vằng cho các làng nghề trên địa bàn; phát triển thêm một số cây cà gai leo, hà thủ ô, nghệ… theo hướng an toàn sinh học. Vận động phát triển các vùng chăn nuôi bò nái sinh sản thâm canh; phát triển theo hình thức gia trại, nông hộ nuôi nhốt, bán thâm canh, thâm canh; chăn nuôi bò thịt khép kín nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn, ổn định, kết nối thị trường tiêu thụ. Đầu tư trồng cỏ tập trung, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm để sản xuất theo hướng thâm canh gắn với phương thức nuôi bò nhốt quy mô lớn.

Ông Việt cho biết thêm, trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện sẽ tiếp tục chú trọng phát triển những mô hình kinh tế nông nghiệp, các loại cây trồng, con nuôi mới có hiệu quả kinh tế cao. Vận động hội viên, nông dân đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, liên kết cho thuê đất để có điều kiện sản xuất hàng hóa, mở rộng các vùng tập trung chuyên canh đối với một số cây trồng, vật nuôi chủ lực trên địa bàn; chuyển đổi đất rừng có độ dốc thấp dưới 10%, đất trồng lúa không hiệu quả sang cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao. Đẩy mạnh phát triển dịch vụ thương mại nông sản, tham gia chủ đạo trong vùng sản xuất nguyên liệu, các vùng chuyên canh nông sản để giải quyết việc làm và nâng cao giá trị, chất lượng hàng hóa. Tham gia, thành lập các hợp tác xã kiểu mới, tổ hợp tác, tổ liên kết phù hợp với từng địa bàn, từng ngành nghề và trình độ phát triển ở từng cơ sở để giải quyết những khâu, những việc mà từng hộ đơn lẻ không làm được hoặc làm không hiệu quả, từng bước sản xuất theo chuỗi giá trị.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Trần Văn Bến cho biết, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn hướng dẫn nông dân xây dựng trên 376 mô hình điển hình về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất, chế biến và bảo quản nông sản. Tổ chức được 422 lớp tập huấn về các tiến bộ kỹ thuật cho hơn 15.480 lượt hội viên tham gia. Từ đó xây dựng nhiều mô hình về cây trồng, con nuôi mới, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao… góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Điển hình như mô hình lúa chất lượng cao ở xã Gio Mỹ; hồ tiêu sạch ở xã Phong Bình, huyện Gio Linh; mô hình trồng sen kết hợp nuôi cá; nuôi cá chình lồng trên sông ở xã Hải Phong, huyện Hải Lăng và xã Phong Bình, huyện Gio Linh; mô hình trồng thanh long tại xã Vĩnh Thủy, Vĩnh Linh; mô hình trồng sắn dây tại huyện Cam Lộ… Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương hội viên nông dân điển hình trong sản xuất, kinh doanh giỏi, sáng tạo, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh; hình thành các mối liên kết trong sản xuất , chế biến, tiêu thụ sản phẩm….

Thục Quyên

Các tin khác
 
 
 
LIÊN KẾT WEBSITE
 

Địa chỉ liên hệ
SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG QUẢNG TRỊ
Điện thoại: (0233) 3575155 - Fax: (0233) 3554711
Email: sotttt@quangtri.gov.vn
Địa chỉ: 51 Trần Hưng Đạo, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Tường, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị
Đơn vị vận hành: Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị (Ghi rõ nguồn “https://sotttt.quangtri.gov.vn/” khi phát hành lại thông tin từ trang web này)