Chi tiết tin - Sở Thông tin và Truyền thông

 
LƯỢT TRUY CẬP

Đang truy cập: 2

Hôm nay: 560

Tổng lượt truy cập: 1.436.905

Người Trưởng bản giữ gìn nghề đan chổi truyền thống

Ngày cập nhật: 24/08/2023 07:05:49

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống đan chổi đót, anh Hồ Năng, người dân tộc Vân Kiều ở bản Hà Lệt, xã Tân Thành (Hướng Hoá) có cơ hội tiếp xúc với nghề từ lúc còn tấm bé. Với niềm đam mê những bông chổi đót cùng với khát vọng thoát nghèo, có một công việc mang lại thu nhập, anh Năng cùng với người dân bản làng đã duy trì và phát triển nghề đan chổi, vừa mang lại sinh kế quanh năm, vừa góp phần tích cực vào việc bảo tồn bản sắc văn hoá của người Vân Kiều ở địa phương.

Người dân trong bản lên rừng thu hoạch đót vào mùa

Rộn ràng mùa hoa đót dịp cuối năm

Hoa đót (bông đót) rừng được thu hoạch cuối mùa đông, đầu mùa xuân thường rơi vào tháng 11 đầu tháng 12, vào thời gian này từ sáng sớm, anh Năng cùng với người dân bản Hà Lệt đã lên đường vào các khu rừng trong bản để thu hái bông đót. Bông đót mọc tự nhiên trong rừng, loại cây này phổ biến ở rất nhiều khu vực trên địa bàn, vậy nên bà con tập trung thu hoạch đót về phơi và cất trữ. Để làm nên một cây chổi chất lượng, thì phải lựa chọn những bông đót già, đót phải đảm bảo được phơi đủ nắng, có màu xám xanh đẹp mắt.

Anh Năng cho biết: Mỗi ngày hai vợ chồng hái được hơn 1 tạ đót tươi. Từ nguồn nguyên liệu này, anh bán bớt cho thương lái, phần còn lại phơi khô dự trữ để đan chổi bán quanh năm. Với giá bán tại bản từ 8000-9000 đồng/kg đót tươi, bình quân mỗi ngày hái đót, vợ chồng anh Năng cũng kiếm được 800-900 ngàn đồng. Còn đót phơi khô để đan thành chổi thì bán ra với giá từ 30-40 nghìn đồng/cái. Theo anh, với một người thợ lành nghề, trung bình mỗi ngày làm ra được 20-30 sản phẩm, đem lại nguồn thu nhập khoảng 300 ngàn đồng. Trước đây, gia đình anh Năng và các hộ dân nơi đây chủ yếu dựa vào nghề trồng lúa, sắn, khoai trên nương rẫy. Canh tác theo phương thức lạc hậu nên việc mất mùa, thiếu ăn thường xuyên xảy ra. Từ ngày gắn bó với nghề, thu nhập tuy không nhiều, nhưng nhờ làm chổi đót bà con cũng kiếm thêm thu nhập ổn định hơn để trang trải cho cuộc sống hàng ngày.

Gắn bó với cây đót gần 50 năm, ông Hồ Văn Pờn (65 tuổi) thông tin, đa số người dân trong thôn đều sản xuất theo hộ gia đình nhỏ lẻ, tranh thủ lúc nông nhàn để làm chổi đót kiếm thêm thu nhập. Khi thị trường có nhu cầu tiêu thụ chổi ngày càng mạnh, bà con có việc làm quanh năm, tâm thế của bà con cũng dần phấn khởi hơn và dần đam mê với nghề.

Nhiều bãi đất trống được người dân tận dụng để phơi đót

Đến Hà Lệt vào dịp này, không chỉ gia đình Trưởng bản Hồ Năng mà tất cả các hộ dân trong bản đều dồn nhân lực vào vụ mùa đót. Bản làng nhộn nhịp sôi động hơn với màu sắc xanh xám của bông đót được mùa, người người, nhà nhà đi hái đót, các sân phơi được tận dụng từ các bãi đất trống đầy ắp đót tươi. Mỗi vụ thu hoạch đót, bình quân mỗi hộ dân nơi đây đều có thu nhập từ 15-20 triệu đồng, hộ nhiều nhất là trên 30 triệu đồng.

Phát triển Câu lạc bộ nghề đan chổi truyền thống

Thực hiện Đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu của đồng bào dân tộc Vân Kiều- Pa Kô huyện Hướng Hóa cùng với tâm huyết giữ gìn nghề đan chổi đót truyền thống của quê hương, Câu lạc bộ đan lát truyền thống xã Tân Thành ra đời với hơn 300 hội viên là người dân thôn Hà Lệt do anh Hồ Năng vừa là Trưởng bản vừa làm Trưởng Câu lạc bộ. Với suy nghĩ sẽ đưa nghề truyền thống của bản làng lan tỏa, được nhiều địa phương biết đến, anh Năng cùng với các thành viên trong Câu lạc bộ thường xuyên tham gia các hoạt động về bảo tồn các giá trị văn hóa, phiên chợ vùng cao, các dịp lễ hội do xã, huyện tổ chức, vừa góp phần quảng bá bản sắc văn hóa địa phương, vừa để nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của khách hàng. Anh Năng cho biết: “Nghề làm chổi nuôi sống người dân thôn Hà Lệt và đó cũng đồng thời là văn hóa, là truyền thống của cha ông từ bao đời để lại, cần giữ gìn và bảo tồn và phát huy”.

Các thành viên câu lạc bộ tham gia Phiên chợ Thương mại huyện Hướng Hóa năm 2023

Không chỉ những người lớn thành thạo với nghề mà ở bản Hà Lệt, các cháu thiếu niên đều thành thạo việc làm chổi đót. Trẻ em được cha mẹ truyền dạy nghề để ngoài việc học con chữ còn có cái nghề dắt lưng. Nếu như ngày trước, bà con Hà Lệt chỉ đan chổi đót vào lúc nông nhàn thì nay làm quanh năm để bán ra thị trường, cao điểm là vào thời gian giáp Tết. Để có được một cây chổi bền, đẹp thì người làm chổi phải tỉ mẩn trong các khâu phơi khô bông đót, ra đót, kết chổi, bện chặt vào cán… Sản phẩm phụ trợ để làm ra thành phẩm gồm có tre làm cán chổi và sợi mây rừng đan thân chổi, ngoài ra còn có thể sử dụng sợi ni lông để đan thay thế mây rừng. Chổi đót đan bằng sợi mây rừng có giá cao hơn sợi ni lon (chổi sợi mây giá 30-40 nghìn đồng/cái, chổi sợi nilon giá từ 20- 30 nghìn đồng/cái). Ngoài việc làm chổi, một số hộ dân trong thôn còn có thêm nghề buôn đót, thu mua nguyên liệu ở những nơi khác về dự trữ và bán lại. Mỗi tấn đót mang về bán lại cũng mang lợi nhuận từ 5 - 7 triệu đồng.

Nhờ sự kiên trì, tỉ mỉ, vừa làm, vừa rèn luyện và học hỏi kỹ thuật lẫn nhau, nên chất lượng sản phẩm chổi đót của bà con ở Hà Lệt ngày càng được nâng cao, khách hàng ưa chuộng. Từ “nghề phụ” lúc nông nhàn, nay nghề đan chổi đót dần trở thành nghề chính, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con dân bản Hà Lệt.

Bà Võ Thị Hồng Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa cho biết: “Thời gian qua, lãnh đạo huyện, xã quan tâm để phát huy tiềm năng, lợi thế về phát triển ngành nghề đan lát truyền thống của đồng bào Vân Kiều. UBND huyện đã tổ chức các lớp tập huấn cũng như trao tặng các vật dụng, thiết bị hỗ trợ làm nghề cho các câu lạc bộ nhằm tăng suất, hiệu quả công việc cho bà con. Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động, hỗ trợ vốn vay để bà con duy trì, nâng cao chất lượng và nhân rộng mô hình phát triển trên địa bàn huyện trong thời gian tới”.

                                                                                            Bài và ảnh: NHƯ TÚ

Các tin khác
 
 
 
LIÊN KẾT WEBSITE
 

Địa chỉ liên hệ
SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG QUẢNG TRỊ
Điện thoại: (0233) 3575155 - Fax: (0233) 3554711
Email: sotttt@quangtri.gov.vn
Địa chỉ: 51 Trần Hưng Đạo, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Tường, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị
Đơn vị vận hành: Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị (Ghi rõ nguồn “https://sotttt.quangtri.gov.vn/” khi phát hành lại thông tin từ trang web này)