Chi tiết tin - Sở Thông tin và Truyền thông

 
LƯỢT TRUY CẬP

Đang truy cập: 12

Hôm nay: 331

Tổng lượt truy cập: 1.409.875

Quảng Trị: Ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh

Ngày cập nhật: 28/08/2024 02:50:58

Ngày 22/8/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 170/KH-UBND thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Mục đích của Kế hoạch nhằm cụ thể hóa những nội dung cơ bản của Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 phù hợp với đặc điểm, điều kiện của tỉnh, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới và nhu cầu thực tế đặt ra nhằm từng bước phát triển ngành Dược của tỉnh.

Phát triển ngành Dược của tỉnh Quảng Trị đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời, có chất lượng, giá hợp lý các loại thuốc theo cơ cấu bệnh tật và nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của nhân dân trong từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng kịp thời khi thiên tai, dịch bệnh và các nhu cầu khẩn cấp khác; phát triển dược liệu và nguyên liệu làm thuốc từ dược liệu trong tỉnh; tối ưu hóa việc sử dụng thuốc nhằm mục đích sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả.

Phấn đấu đến năm 2030 đạt 100% thuốc được cung ứng chủ động, kịp thời cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh; đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, sự cố y tế công cộng và các nhu cầu cấp bách khác về thuốc.  Về tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước/tổng số tiền sử dụng thuốc tại các cơ sở y tế/năm: Bệnh viện tuyến tỉnh phấn đấu đạt 50%, Bệnh viện tuyến huyện phấn đấu đạt 75%; xây dựng được ít nhất 1 vùng trồng sản xuất dược liệu, đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái” theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới; duy trì bền vững tỷ lệ 100% cơ sở bán buôn thuốc đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt phân phối thuốc” (GDP), 100% nhà thuốc, quầy thuốc đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt nhà thuốc” (GPP); duy trì Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm đáp ứng nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt phòng kiểm nghiệm thuốc” (GLP); đảm bảo nguồn kinh phí cho công tác lấy mẫu, kiểm tra chất lượng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng thuốc, dược liệu lưu hành trên thị trường; 100% kho thuốc của bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế tuyến huyện đạt nguyên tắc “Thực hành tốt bảo quản thuốc” (GSP) và tủ thuốc trạm y tế đảm bảo theo nguyên tắc “Thực hành tốt bảo quản thuốc”; 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có hoạt động sử dụng thuốc có tổ chức và triển khai các hoạt động dược lâm sàng. Tỷ lệ người làm công tác dược lâm sàng đạt ít nhất 01 người/100 giường bệnh nội trú và ít nhất 02 người/1.000 đơn thuốc được cấp phát cho bệnh nhân ngoại trú có thẻ bảo hiểm trong một ngày; 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh, tuyến huyện thực hiện kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử theo quy định; 100% cơ sở bán buôn và bán lẻ thuốc trên địa bàn tỉnh được kết nối liên thông với Hệ thống cơ sở dữ liệu Dược quốc gia; đảm bảo duy trì hoạt động 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong lĩnh vực dược được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đạt tỷ lệ 4,0 dược sĩ/1 vạn dân, trong đó dược sĩ được đào tạo về chuyên ngành Dược lâm sàng đạt tối thiểu 20%.

Định hướng đến năm 2045 tiếp tục đảm bảo cung ứng thuốc đầy đủ, kịp thời, có chất lượng cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh; công tác kiểm soát chất lượng thuốc, phân phối thuốc, dược lâm sàng, thông tin thuốc và cảnh giác dược tiếp tục được nâng cao hiệu quả thực hiện. Trên cơ sở khai thác các vùng có lợi thế về điều kiện tự nhiên, thích hợp với sinh trưởng và phát triển của cây dược liệu, nguồn nhân lực có khả năng tiếp thu kỹ thuật mới ứng dụng vào sản xuất dược liệu và các nghiên cứu của các nhà khoa học, xây dựng ít nhất 2 vùng trồng dược liệu, hoàn chỉnh theo chuỗi giá trị dược liệu. Kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến dược liệu, sản xuất thuốc tân dược, thuốc cổ truyền, thuốc từ dược liệu, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm.

Để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, Kế hoạch đã đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp: Tiếp tục hoàn thiện về cơ chế, chính sách; công tác quy hoạch; đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường liên kết, tham gia chuỗi giá trị trong ngành Dược; nâng cao năng lực quản lý, kiểm soát chất lượng thuốc; đảm bảo sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả; chú trọng nghiên cứu khoa học; xây dựng chính sách đào tạo nguồn nhân lực dược; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để hiện đại hóa ngành Dược; tăng cường công tác thông tin, truyền thông.

UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, các cơ quan, tổ chức liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp triển khai thực hiện Kế hoạch. Trong quá trình triển khai, nếu có khó khăn, vướng mắc, phản ánh về Sở Y tế để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo.

                                                                              LỆ THỦY

Các tin khác
 
 
 
LIÊN KẾT WEBSITE
 

Địa chỉ liên hệ
SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG QUẢNG TRỊ
Điện thoại: (0233) 3575155 - Fax: (0233) 3554711
Email: sotttt@quangtri.gov.vn
Địa chỉ: 51 Trần Hưng Đạo, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Tường, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị
Đơn vị vận hành: Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị (Ghi rõ nguồn “https://sotttt.quangtri.gov.vn/” khi phát hành lại thông tin từ trang web này)