Chi tiết tin - Sở Thông tin và Truyền thông
- Home
- Tổng quan
- Tin tức - Sự kiện
- Thủ tục hành chính
- Cải cách hành chính
- Tuyền truyền CCHC
- Công tác chỉ đạo điều hành
- Cải cách chế độ công vụ
- Cải cách tài sản công
- Áp dụng ISO trong hoạt động
- Chấm điểm CCHC, hoàn thành nhiệm vụ
- Hệ thống báo cáo
- CCTC theo dõi thi hành pháp luật.
- CCTTHC thực hiện cơ chế một cửa
- CC bộ máy hành chính nhà nước
- Xây dựng và phát triển CQ điện tử, CP điện tử
- Văn bản trao đổi
- Quản lý nhà nước
- Chiến lược, QH, KH
- Đảng - Đoàn thể
- Lịch công tác
- Báo cáo tài chính
Đang truy cập: 12
Hôm nay: 415
Tổng lượt truy cập: 1.420.737
Mạng 5G giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số
Quy hoạch băng tần 5G: Băng tần 24,25-27,5 GHz là một trong những băng tần mmWave quan trọng được Hội nghị Thông tin vô tuyến thế giới WRC-19 quyết định dành cho thông tin di động IMT-2020 (5G) triển khai trên quy mô toàn cầu. Ngày 20/8/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 19/2020 về Quy hoạch băng tần 24,25-27,5 GHz cho hệ thống thông tin di động IMT của Việt Nam. Theo đó, băng tần 24,25 -27,5 GHz được phân chia thành 8 khối theo phương thức truyền dẫn song công phân chia theo thời gian (phương thức TDD) được đánh số thứ tự lần lượt từ A1, A2, A3,... đến A8, mỗi khối có độ rộng 400 MHz.
Phương thức phân chia băng tần 24,25 -27,5 GHz
Mỗi doanh nghiệp được xem xét cấp phép không quá 3 khối trong tổng số 8 khối A1-A8 và được sử dụng theo quy định trong giấy phép sử dụng băng tần. Các doanh nghiệp được cấp phép sử dụng tần số trong băng tần 24,25- 27,5 GHz có trách nhiệm phối hợp với nhau để tránh can nhiễu có hại và đồng bộ về khung dữ liệu của phương thức TDD.
Ngày 06/10/2020, Thông tư số 19/2020/TT-BTTTT nêu trên chính thức có hiệu lực thi hành. Thông tư là cơ sở pháp lý và định hướng quan trọng cho triển khai công nghệ và dịch vụ thông tin di động 5G IMT-2020 sử dụng băng tần 24,25-27,5 GHz tại Việt Nam trong giai đoạn tới, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số.
Cùng với việc quy hoạch băng tần 5G, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 07/2021/TT-BTTTT ngày 31/8/2021 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ truy nhập Inrenret trên mạng viễn thông di động (QCVN 126:2021/BTTTT). Theo đó, tốc độ download trung bình với một mạng 5G đạt tiêu chuẩn phải là ≥ 100Mbps; tốc độ tải lên upload trung bình phải ≥ 30Mbps. Riêng với thông số download, Bộ TT&TT bổ sung thêm quy định, phải ít nhất 95% số mẫu kiểm thử có tốc độ download ≥ 30Mbps.
Tình hình triển khai mạng 5G
Nhằm triển khai 5G triên diện rộng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai cấp phép thử nghiệm 5G cho 3 doanh nghiệp viễn thông gồm: Viettel, VNPT và Mobifone. Viettel đã công bố thử nghiệm 5G tại Hà Nội và tiếp tục mở rộng mạng di động 5G tại Hà Nội và TPHCM; Vinaphone thử nghiệm tại Hà Nội và TPHCM và Mobifone dự kiến tại Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng. Doanh nghiệp được cấp phép thử nghiệm đối với các thuê bao nội bộ để đánh giá tính năng kỹ thuật và khả năng triển khai cơ sở hạ tầng viễn thông sử dụng công nghệ mới.
Hạ tầng viễn thông sẵn sàng cho việc triển khai 5G
Ngày 10/5/2019, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) thực hiện kết nối lần đầu tiên trên mạng di động 5G tại Việt Nam. Tại sự kiện tốc độ kết nối mạng di động 5G của Viettel với thiết bị đầu cuối đạt 1,5-1,7Gbps. Mới đây, tháng 9/2021, Viettel công bố bước tiến nhảy vọt với tốc độ hơn 4,7Gbps trong phòng thí nghiệm. Đến tháng 3/2020, Tổng Công ty Viễn thông Mobifone thử nghiệm thành công mạng 5G tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hải Phòng. Quá trình thử nghiệm được Mobifone được thực hiện với những dịch vụ đòi hỏi siêu tốc độ như cuộc gọi 3D, trò chơi trực tuyến, ứng dụng tương tác thực tế ảo (AR, VR), tốc độ tải dữ liệu đạt gần 2Gbps. Tháng 4/2020, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) công bố chính thức thử nghiệm thành công mạng 5G tại tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Kết quả thử nghiệm mạng 5G đạt hơn 2,2Gbps, nhanh hơn 10 lần so với mạng 4G.
Tính đến hết tháng 5/2021, các nhà mạng đã triển khai thử nghiệm thương mại và dịch vụ 5G tại 6 tỉnh, thành là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Phước và Thừa Thiên Huế, tốc độ trung bình hiện đạt từ 500-600 Mbps nhanh hơn gấp 10 lần so với tốc độ truy cập của mạng 4G.
Bên cạnh triển khai thí nghiệm thương mại và dịch vụ các nhà mạng Viettel, Mobifone, VNPT đã ký thỏa thuận triển khai thử nghiệm dùng chung mạng 5G. Việc ký kết nhằm góp phần sớm đưa mạng 5G triển khai thương mại trên phạm vi toàn quốc, đồng thời đảm bảo mỹ quan đô thị, xã hội nói chung và tăng cường hiệu quả đầu tư hạ tầng của chính các doanh nghiệp.
Với đặc điểm sử dụng băng tần có bước sóng milimet, vùng phủ sóng của các trạm thu phát sóng (BTS) 5G là vài trăm mét. Như vậy, so với bán kính vùng phủ các trạm 2G/3G/4G (từ 2-3km), đòi hỏi phải triển khai, lắp đặt rất nhiều trạm thu phát sóng 5G. Khi triển khai mạng 5G trên phạm vi rộng sẽ cần các trạm 5G Massive MIMO loại lớn và trạm thu phát sóng công suất nhỏ. Việc các doanh nghiệp viễn thông thỏa thuận tập trung vào hạ tầng thụ động (nhà trạm, cột anten, truyền dẫn…), đây là lần đầu tiên tại Việt Nam triển khai tiến hành thử nghiệm việc chia sẻ hạ tầng viễn thông ở lớp cao hơn như hạ tầng tích cực, thiết bị mạng truy nhập vô tuyến 5G… Việc triển khai thử nghiệm này sẽ góp phần đánh giá tổng thể các nội dung cần thiết cả về kỹ thuật và cơ chế phối hợp liên mạng để triển khai mạng 5G trên phạm vi toàn quốc. Xét trên phạm vi khu vực Đông Nam Á và quốc tế, đây cũng là một trong các thỏa thuận đầu tiên về thử nghiệm dùng chung hạ tầng mạng 5G giữa các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông.
Tính đến quý 2/2021, kết nối mạng di động 5G toàn cầu đang phát triển một cách nhanh chóng đạt 429 triệu kết nối. Kết nối 5G trên toàn cầu đã tăng thêm 124 triệu trong giai đoạn giữa quý 1 và quý 2 năm 2021, tăng 41% từ 305 triệu kết nối trong quý 1 lên 429 triệu vào quý 2; 5G vẫn đang trên đà phát triển để tăng gấp ba lần số lượng kết nối so với năm 2020 và được dự báo sẽ đạt 692 triệu trên toàn cầu vào cuối năm 2021. Tổng số mạng 5G thương mại trên toàn cầu 182 mạng trong đó, châu Âu có số lượng mạng 5G được thương mại hóa nhiều nhất với 87 mạng, tiếp đến là khu vực châu Á với 38 mạng. Trong khi đó, các khu vực như châu Phi và châu Đại Dương là những khu vực có số lượng mạng 5G được thương mại hóa ít nhất tương ứng là 5 mạng và 7 mạng.
Mạng 5G thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số
Chuyển đổi số là việc sử dụng công nghệ số để giải quyết các vấn đề, cung cấp các dịch vụ và giải quyết các hạn chế nhằm đạt được sự phát triển bền vững trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Chuyển đổi số dựa vào ba trụ cột chính, đó là con người, quy trình và công cụ; trong đó mạng 5G là một công cụ quan trọng giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.
Năm 2021, các nhà khai thác di động sẽ sớm vận hành các mạng dựa vào nền tảng điện toán đám mây để phát huy hết tiềm năng của 5G. Các nhà cung cấp dịch vụ đám mây như Amazon, Google và Oracle đang hợp tác với các nhà khai thác di động để triển khai Mạng truy cập vô tuyến mở (ORAN: Open Radio Access Network) và mang lại công nghệ tiên tiến cho các doanh nghiệp. Trên thực tế, tính khả dụng của ORAN và các nền tảng điện toán biên đang thúc đẩy tăng trưởng trên toàn thế giới. Nhiều nhà cung cấp đang bắt đầu cung cấp các giải pháp đổi mới sáng tạo, đồng thời tiếp tục cắt giảm chi phí trong quá trình mở rộng các dịch vụ. Do sự phát triển trong quá trình chuyển đổi số và xu hướng chuyển sang các mạng điều khiển bằng phần mềm, các doanh nghiệp sẽ ngày càng quan tâm và đầu tư vào các mạng dùng riêng 5G để trải nghiệm tốc độ cao hơn, ứng dụng các tính năng mới hơn.
Đặc biệt trong thời kỳ đại dịch Covid-19 đang bùng phát, nhiều doanh nghiệp đã phải chấp nhận chuyển đổi số để hỗ trợ hoặc thực thi các chính sách làm việc từ xa. Lực lượng lao động toàn cầu hiện phụ thuộc rất lớn vào các dịch vụ kỹ thuật số và các công cụ cộng tác mới, điều này đã có ảnh hưởng lớn đến cơ sở hạ tầng Internet toàn cầu. Các công ty viễn thông đã và đang nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng mới để hỗ trợ nhu cầu dữ liệu ngày càng tăng lên và việc triển khai 5G là một phần quan trọng trong nỗ lực này.
Một số lĩnh vực như sản xuất thông minh, nhà máy thông minh, giao thông thông minh và một số lĩnh vực khác có thể thiết lập các mạng 5G dùng riêng để tạo ra một mạng cục bộ tốc độ cao, cung cấp các dịch vụ truyền thông an toàn, đáng tin cậy và hiệu quả tại chỗ cho các thiết bị thông minh. Hơn nữa, việc phủ sóng 5G đến các khu vực nông thôn nơi mà mạng truyền dẫn cáp quang bị hạn chế sẽ mang lại lợi ích cho các cộng đồng nông thôn và nhu cầu hoạt động của các doanh nghiệp ở các lĩnh vực, chẳng hạn như nông nghiệp và dầu mỏ hoặc khai thác mỏ.
Đồng thời với những phát triển này, công nghệ điện toán đám mây cũng đang phát triển để thích ứng với việc triển khai 5G. Trong vài năm tới, chúng ta sẽ tiếp tục thấy các nhà khai thác viễn thông hợp tác với các nhà cung cấp đám mây để cung cấp cho người tiêu dùng và doanh nghiệp khả năng tiếp cận các dịch vụ mới.
Đại dịch làm suy yếu cho nền kinh tế toàn cầu, gây áp lực lên các hệ thống chăm sóc sức khỏe, tổn thất cho thương mại và du lịch, làm gián đoạn chuỗi cung ứng... Vì vậy, các công ty đang tự đổi mới bằng việc tạo ra các mô hình kinh doanh mới và tăng tốc chuyển đổi số. 5G sẵn sàng thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực, từ ô tô, năng lượng, du lịch, đô thị thông minh đến thị trường bán lẻ... 5G kích hoạt một chu kỳ đổi mới sáng tạo hoàn toàn mới dẫn đến các mô hình kinh doanh, dịch vụ mới và nhiều hình thức tương tác với khách hàng một cách hiệu quả; 5G cũng sẽ thúc đẩy việc tạo ra các ngành và dịch vụ hoàn toàn mới chưa từng xuất hiện; 5G được kỳ vọng sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế toàn cầu, với dự báo sẽ tạo ra khoảng 13,1 nghìn tỷ USD và 2 triệu việc làm mới vào năm 2035.
5G đã nhanh chóng trở thành công nghệ có khả năng tác động và mang lại thay đổi đối với mọi người và mọi thứ xung quanh chúng ta. Dù các hệ thống mạng vẫn đang còn trong giai đoạn phát triển nhưng việc triển khai đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng trên toàn thế giới. 5G là nền tảng có thể đem đến nhiều sự đổi mới vượt ngoài sự tưởng tượng của chúng ta và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nhiều ngành. Điều này sẽ củng cố nền kinh tế toàn cầu bằng cách tạo ra các ngành mới và thúc đẩy chu kỳ chuyển đổi số với sự hỗ trợ của 5G.
Thế giới đã và đang bước vào kỷ nguyên số đồng nghĩa với việc sẽ chứng kiến nhiều thay đổi đáng kể. Trước tiên là sự chuyển đổi từ thế giới thực sang thế giới ảo, chuyển toàn bộ các hoạt động kinh tế - xã hội lên môi trường số. Quá trình chuyển đổi sâu sắc này sẽ làm thay đổi hoàn toàn các phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như đời sống của người dân. Trong xu thế này, hạ tầng viễn thông sẽ trở thành hạ tầng số, nền tảng cho phát triển kinh tế và xã hội số. Như vậy, mạng Internet 5G cũng như băng rộng cố định sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong giai đoạn phát triển sắp tới của Việt Nam. Theo nghiên cứu của Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông, đóng góp từ mạng di động 5G vào tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ khoảng hơn 7% vào năm 2025. Nhận thức rõ các cơ hội này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ động tập trung phát triển các hạ tầng số, trong đó có mạng di động băng rộng 5G.
Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, hầu hết các ngành kinh tế toàn cầu đều chịu ảnh hưởng nặng nề, gián đoạn chuỗi cung ứng... Tuy nhiên, ngành công nghệ viễn thông là một trong số ít ngành vẫn có sự phát triển mạnh mẽ, tích cực. Thực tiễn tại nhiều quốc gia đã khẳng định vai trò của hệ sinh thái mạng không dây và di động trong việc kết nối cũng như giữ “mạch kinh tế số” diễn ra bình thường.
Tại Quảng Trị, hạ tầng viễn thông về cơ bản đảm bảo cho việc triển khai mạng 5G trên nền hạ tầng nhà trạm, cột thu phát sóng thông tin có sẵn của các nhà mạng. Việc triển khai thí điểm 5G trên địa bàn tỉnh được các doanh nghiệp đang tích cực triển khai dự kiến thực hiện phát sóng trong năm 2022.
Bài và ảnh: VĂN MINH
- Một số giải pháp duy trì, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ các hoạt động về thương mại điện tử (29/03/2022)
- Một số giải pháp trọng tâm trong chuyển đổi số của ngành Y tế tỉnh Quảng Trị (29/03/2022)
- Mobile-Money góp phần rút ngắn khoảng cách số (29/03/2022)
- Số hóa cổ vật, di tích lịch sử để bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị di sản (29/03/2022)
- Nghị Quyết về chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 (29/03/2022)
- Số hóa và chuyển đổi số (29/03/2022)
- Tỉnh ủy Quảng Trị ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 (29/03/2022)
- Đẩy mạnh triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp (29/03/2022)
- Ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Trị: Tuyên truyền nâng cao nhận thức về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số giai đoạn 2021 -2025, định hướng đến năm 2030 (29/03/2022)
- An toàn trong môi trường số (29/03/2022)
Địa chỉ liên hệ
SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG QUẢNG TRỊ
Điện thoại: (0233) 3575155 - Fax: (0233) 3554711
Email: sotttt@quangtri.gov.vn
Địa chỉ: 51 Trần Hưng Đạo, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Tường, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị
Đơn vị vận hành: Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị (Ghi rõ nguồn “https://sotttt.quangtri.gov.vn/” khi phát hành lại thông tin từ trang web này)