Lịch sử phát triển - Sở Thông tin và Truyền thông

 
LƯỢT TRUY CẬP

Đang truy cập: 14

Hôm nay: 814

Tổng lượt truy cập: 1.433.222

LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN

Post date: 25-03-2022

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG QUẢNG TRỊ, CHẶNG ĐƯỜNG HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN ]]>

Trước sự phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ của ngành Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin, ngành mà lâu nay chưa có một cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đứng ra quản lý toàn diện, đầy đủ và độc lập từ Trung ương đến địa phương, năm 2002, Chính phủ đã có Nghị định 90/2002/NĐ-CP ngày 11/11/2002 thành lập Bộ Bưu chính, Viễn thông. Theo đó, Sở Bưu chính, Viễn thông các tỉnh lần lượt ra đời để đáp ứng nhiệm vụ quản lý ngành Bưu chính, Viễn thông (BCVT) và Công nghệ thông tin (CNTT) nhằm đảm bảo sự ổn định, phát triển chung của xã hội và đưa ngành phát triển ngang tầm với vai trò, vị trí của mình.

Sở Bưu chính, Viễn thông Quảng Trị (Sở BCVT) được thành lập từ tháng 3/2006. Nhìn lại chặng đường từ đó đến nay tuy thời gian không dài, song Sở đã có nhiều nỗ lực phấn đấu, từng bước khẳng định vai trò và vị trí của mình và có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung của tỉnh. Xuất phát là một Sở mới ra đời, không có một sự kế thừa nào, lại đảm nhận nhiệm vụ mới vô cùng quan trọng và phức tạp đó là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển nhanh đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao. Điều kiện Sở mới thành lập gặp nhiều khó khăn như: công tác tổ chức cán bộ phải xây dựng từ đầu, cơ sở vật chất thiếu thốn, trụ sở không có, phương tiện làm việc hầu như chưa có gì. Lãnh đạo Sở phải huy động mọi nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ. Cán bộ hầu hết là từ các ngành khác nhau tình nguyện về công tác tại Sở và tuyển mới nên bước đầu gặp nhiều khó khăn, còn nhiều hạn chế về kinh nghiệm quản lý nhà nước. Mặt khác, Sở BCVT mới ra đời được hai năm lại tiếp tục thực hiện Nghị định 13/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ và Quyết định số 748/QĐ-UBND ngày 28/4/2008 của UBND tỉnh về việc thành lập Sở Thông tin và Truyền thông (Sở TT&TT) trên cơ sở Sở Bưu chính, Viễn thông và tiếp nhận chức năng QLNN về Báo chí- Xuất bản từ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch chuyển sang.

Mặc dù “vạn sự khởi đầu nan”, song được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của các cấp, các ngành, cùng với sự quyết tâm cao của lãnh đạo Sở, cấp ủy chi bộ và sự nỗ lực của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đã giúp cho Sở nhanh chóng vượt qua khó khăn, lãnh đạo, chỉ đạo tốt nhiệm vụ chính trị, đến nay đã đạt được một số kết quả quan trọng, tạo cơ sở cho những bước phát triển tiếp theo trong giai đoạn mới của ngành, góp phần vào sự phát triển kinh tế -xã hội chung của tỉnh.

Quan tâm trước hết đến bộ máy cán bộ, xem đây là gốc của mọi công việc, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông đã chú trọng đến việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy. Tại Sở đã thành lập 5 Phòng chuyên môn, Thanh tra Sở và 01 Trung tâm Công nghệ Thông tin và Truyền thông trực thuộc Sở; với 24 cán bộ, công chức và 14 viên chức. Nhìn chung, đội ngũ có tuổi đời trẻ, được đào tạo cơ bản. Lãnh đạo Sở đã kịp thời làm việc với UBND tỉnh, Sở Nội vụ và UBND các huyện, thành phố, thị xã về việc tăng cường công tác bố trí cán bộ có chuyên ngành về thông tin và truyền thông phục vụ cho công tác quản lý nhà nước trước mắt cũng như lâu dài.

Xác định công tác quy hoạch ngành có tầm quan trọng hàng đầu trong công tác quản lý; Sở Thông tin và Truyền thông đã chủ động tham mưu, trình lãnh đạo tỉnh xây dựng Quy hoạch ngành BCVT và CNTT đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; và gần đây là xây dựng Đề cương Quy hoạch phát triển Báo chí tỉnh Quảng Trị đến 2020, đã được UBND tỉnh phê duyệt và đang triển khai xây dựng để tổ chức thực hiện.

Từ khi Quy hoạch ngành BCVT và CNTT được phê duyệt, trên cơ sở Nghị quyết 08-NQ/TU ngày 17/10/2007 của Tỉnh uỷ về phát triển CNTT và BCVT đến năm 2015; bám sát các định hướng và chỉ tiêu được đề ra trong Nghị quyết và các lộ trình trong Quy hoạch ngành BCVT và CNTT, Sở Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo xây dựng nhiều đề án, dự án nhằm phát huy nhiều nguồn lực để xây dựng ngành Thông tin và Truyền thông phát triển, xứng tầm với vai trò, vị trí mà Đảng và Nhà nước giao phó. Mặt khác, để đáp ứng công tác quản lý cũng như phát triển ngành, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản quản lý nhà nước và triển khai các dự án trên địa bàn như: Quy định lộ trình ngầm hoá mạng cáp thông tin trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; Quy định xây dựng các trạm BTS; công tác quản lý Tần số vô tuyến điện; Chỉ thị về việc đẩy mạnh ứng dụng Công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước tỉnh Quảng Trị nhằm tạo điều kiện từng bước phục vụ nhân dân và doanh nghiệp thuận lợi và nhanh chóng; xây dựng đề án quản lý thông tin tàu cá xa bờ giúp cho công tác quản lý chặt chẽ, giảm thiểu rủi ro do bão lũ gây ra, tạo điều kiện cho công tác tìm kiếm cứu nạn được thuận lợi; xây dựng Dự án xây dựng hệ thống thông tin địa lý (GIS) phục vụ công tác quản lý phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Trị, đây là dự án quan trọng làm nền để xây dựng các cơ sở dữ liệu khác trong những năm tới.

Mạng bưu chính được duy trì và phát triển rộng khắp, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 6 doanh nghiệp bưu chính chuyển phát, trong đó có 01 bưu cục cấp I, 8 bưu cục cấp II, 33 bưu cục cấp III, 35 đại lý bưu điện và các điểm giao dịch chuyển phát, số điểm bưu điện văn hoá xã là 106 điểm/141 xã, phường, thị trấn. Tổng số điểm phục vụ trên toàn tỉnh là 181 điểm, bán kính phục vụ bình quân 2,87km/điểm, dân số bình quân/điểm phục vụ là 3.440 người. 90/118 xã có báo đọc trong ngày.

Mạng lưới viễn thông, tính đến cuối năm 2006, toàn tỉnh chỉ có 89 trạm BTS, năm 2009 đã đạt 619 trạm BTS, cho thấy mạng lưới viễn thông phát triển với tốc độ mạnh. Các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa được phủ sóng thông tin di động, 100% các xã có mạng lưới thông tin di động và cố định. Qua 4 năm đạt được một số chỉ tiêu quan trọng như: Tổng số thuê bao điện thoại năm 2006 đạt 141.736 thuê bao, mật độ điện thoại đạt 21 máy/100 dân, năm 2009 đạt 329.816 thuê bao với tốc độ tăng trưởng bình quân 4 năm là 46,1%, mật độ điện thoại đạt 55 máy/100 dân.

Mạng lưới Internet băng rộng (ADSL) đã được thiết lập rộng khắp, tạo môi trường phát triển CNTT mạnh mẽ (124/141 phường, xã có mạng Internet ADSL); Tổng số thuê bao Internet năm 2006 là 4.452 đạt mật độ 0,7 máy/100 dân, năm 2009 là 16.868 (ADSL: 16.807 thuê bao và Dia-up: 61 thuê bao). Tốc độ tăng trưởng bình quân 4 năm là 92,8%. Kế hoạch năm 2010 thuê bao Internet 25.000 thuê bao, đạt mật độ: 3,8 tb/100 dân. Hơn 250 đại lý Internet và dịch vụ này hiện đang tiếp tục phát triển rất mạnh.

Các chương trình dự án về ứng dụng phát triển CNTT được triển khai tích cực và có hiệu quả, trong đó chú trọng việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước, tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng CNTT. Việc ứng dụng CNTT đã tác động đến việc nâng cao năng suất, hiệu quả công việc và quản lý điều hành. Theo đánh giá Hiện trạng mức độ sẵn sàng ứng dụng CNTT-TT Việt Nam (Vietnam ICT Index 2009), tỉnh Quảng Trị được xếp thứ 25 trong cả nước (tăng 16 bậc so với năm 2008). Nhiều phần mềm được triển khai trong các cơ quan nhà nước. Tất cả các Sở, Ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố đều có mạng LAN và kết nối Internet, đã lắp đặt mạng cáp quang kết nối đến tất cả các cơ quan cấp tỉnh.

Đặc biệt, sau khi tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về báo chí và xuất bản từ Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông đã kịp thời chỉ đạo sâu sát; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với các cơ quan chức năng có liên quan nên đã kế thừa, phát huy và làm tốt công tác quản lý nhà nước về báo chí xuất bản, thúc đẩy phát triển sự nghiệp báo chí-xuất bản trên địa bàn. Sở đã tổ chức và duy trì tốt việc giao ban báo chí đúng định kỳ. Nhìn chung, các cơ quan báo chí-xuất bản trên địa bàn đã thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích và nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật, hoạt động báo chí-xuất bản ngày càng đi vào nề nếp. Mặt khác, các cơ quan chức năng đã triển khai đồng bộ các mặt về công tác chỉ đạo và quản lý, trong đó tập trung vào những nhiệm vụ chính là tuyên truyền, phổ biến pháp luật; thường xuyên thanh tra, kiểm tra và xử lý những hành vi vi phạm nên đã góp phần đảm bảo định hướng chính trị-tư tưởng; giữ vững trật tự kỷ cương trên lĩnh vực báo chí-xuất bản. Quan tâm tạo cơ chế, điều kiện cho lĩnh vực xuất bản phát triển, nhờ vậy, nhiều ấn phẩm ra đời, phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền, đáp ứng nhu cầu của nhân dân ngày càng tốt hơn.

Song song với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, cấp ủy, lãnh đạo Sở luôn quan tâm củng cố xây dựng chi bộ và các tổ chức đoàn thể vững mạnh, tham gia tốt các phong trào hoạt động xã hội, từ thiện và các phong trào văn hoá, xã hội khác một cách có hiệu quả. Đến nay, đơn vị đã được công nhận là đơn vị văn hóa, chi bộ thường xuyên đạt chi bộ trong sạch vững mạnh; các tổ chức đoàn thể hàng năm đều được công nhận vững mạnh xuất sắc.

Phát huy những thành quả đạt được, trong thời gian tới, tiếp tục bám sát Quy hoạch và Nghị quyết của Tỉnh uỷ, Sở sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn chỉnh các quy hoạch, kế hoạch định hướng cho sự phát triển ngành trong giai đoạn mới. Tập trung chỉ đạo, xây dựng Quy hoạch phát triển Báo chí tỉnh Quảng Trị đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt Đề cương, xây dựng Quy hoạch phát triển Xuất bản, In, Phát hành tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2011-2020, xây dựng Kế hoạch ứng dụng CNTT, phát triển BCVT giai đoạn 2010-2015 trình Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh, kiến nghị UBND tỉnh phê duyệt và thực hiện Kế hoạch triển khai và giám sát hoạt động thông tin đối ngoại trên địa bàn tỉnh. Trước mắt, Sở tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra:

- Phấn đấu đến năm 2010, 100% các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và sản xuất; 100% Sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố có mạng thông tin diện rộng của tỉnh; 100% các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trung học phổ thông, bệnh viện và các trường trung học cơ sở ở đô thị có mạng LAN và được kết nối Internet băng rộng; 100% các trường trung học cơ sở ở các xã đồng bằng, 30-50% các xã miền núi được kết nối Internet; 25-30% doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử trong giao dịch.

- Phấn đấu đến năm 2010, xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng bưu chính, viễn thông có công nghệ hiện đại ngang tầm với các tỉnh trong cả nước; hoạt động có hiệu quả, doanh thu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trên 25%.

- Phát triển mạng lưới, điểm phục vụ bưu chính, viễn thông đạt mức bình quân dưới 2,3 km/điểm, đảm bảo trên 90% xã trong đất liền có thư, báo đến trong ngày, 100% số xã có điểm truy cập dịch vụ điện thoại, 50% số xã có điểm truy cập Internet công cộng, 100% số huyện và hầu hết các xã trong vùng được cung cấp dịch vụ Internet băng rộng.

Để phấn đấu tạo nên bước phát triển mới trên lĩnh vực thông tin và truyền thông của tỉnh trong giai đoạn mới, Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng và triển khai các giải pháp như sau:

Một là, tranh thủ sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan trực thuộc Bộ để thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn và triển khai có hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên địa bàn. Chủ động tham mưu cho tỉnh xây dựng và triển khai đầy đủ các quy hoạch, kế hoạch của ngành.

Hai là, tiếp tục ổn định và nâng cao năng lực hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông cả ở cấp tỉnh và cấp huyện: tiếp tục đề nghị tỉnh quan tâm, bố trí thêm biên chế để đảm bảo hoạt động; thường xuyên quan tâm cử cán bộ, công chức, viên chức tham gia các khoá đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và quản lý nhà nước.

Ba là, phối hợp các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình, Sở Tư pháp, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, các huyện, thành phố, thị xã và các doanh nghiệp để công bố, giới thiệu các Quy hoạch của ngành, từng bước triển khai, đưa các Quy hoạch vào thực tiễn; làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chuyên ngành, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của ngành trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội.

Bốn là, ưu tiên lựa chọn các nội dung trọng tâm, các vấn đề bức xúc ở địa phương liên quan đến nội dung quản lý nhà nước của Sở để tập trung chỉ đạo như: số lượng, chất lượng nguồn nhân lực cho CNTT, chất lượng thiết bị và dịch vụ; công tác quản lý các chương trình dự án, công tác quản lý báo chí và xuất bản, cơ chế quản lý phát thanh và truyền hình ở cơ sở, thông tin điện tử, thông tin đối ngoại…

Năm là, tập trung hướng về cơ sở, đẩy mạnh phát triển thông tin và truyền thông ở cơ sở.  Chú trọng việc nâng cao năng lực quản lý thông tin và truyền thông cho đội ngũ cán bộ Phòng Văn hoá-Thông tin các huyện, thị xã, thành phố và cơ sở, tạo sự gắn kết, đồng bộ giữa cơ quan quản lý cấp tỉnh và các huyện, thành phố, thị xã.

Sáu là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch đã đề ra, đảm bảo việc tuân thủ theo pháp luật, giữ vững kỷ cương, phép nước trên lĩnh vực thông tin và truyền thông.

Nhìn lại, chặng đường từ khi thành lập Sở Thông tin và Truyền thông đến nay, dù chưa dài nhưng Sở đã vượt qua khó khăn, từng bước  xây dựng nền móng và chiến lược cho sự phát triển của Sở và của ngành Thông tin và Truyền thông. Tập thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, cùng nhau nỗ lực phấn đấu, phát huy nội lực, đưa tập thể vươn lên, tranh thủ sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, các sở bạn để vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Trong thời gian tới, phát huy những kết quả đạt đưrợc và truyền thống đoàn kết được xây dựng trong những năm qua, Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Trị quyết tâm phấn đấu đưa ngành Thông tin và Truyền thông của tỉnh lên ngang tầm với các tỉnh bạn, đáp ứng yêu cầu và chiến lược tăng tốc của ngành, góp phần xứng đáng vào sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh và đất nước.

(Trích: Đặc san Thông tin và Truyền thông Quảng Trị - Số 1/2010

]]>

 
 
 
LIÊN KẾT WEBSITE
 
content:
 

Địa chỉ liên hệ
SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG QUẢNG TRỊ
Điện thoại: (0233) 3575155 - Fax: (0233) 3554711
Email: sotttt@quangtri.gov.vn
Địa chỉ: 51 Trần Hưng Đạo, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Tường, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị
Đơn vị vận hành: Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị (Ghi rõ nguồn “https://sotttt.quangtri.gov.vn/” khi phát hành lại thông tin từ trang web này)