Chi tiết tin - Sở Thông tin và Truyền thông

 
LƯỢT TRUY CẬP

Đang truy cập: 4

Hôm nay: 574

Tổng lượt truy cập: 1.460.482

Nâng cao kiến thức và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức cấp xã

Ngày cập nhật: 11/12/2023 01:26:44

Trong giai đoạn hiện nay, việc nâng cao kiến thức và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động bộ máy hành chính cấp xã, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số của tỉnh Quảng Trị là một xu thế tất yếu.

Tập huấn hướng dẫn kỹ năng ứng dụng CNTT cho cán bộ, công chức cấp xã huyện Vĩnh Linh

* Ứng dụng CNTT góp phần nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, đổi mới phương thức, lề lối, tác phong làm việc của cơ quan Nhà nước nhằm xây dựng một nền hành chính hiện đại, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn.

Trong những năm qua, việc ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính tại cấp xã đã đạt được một số kết quả tích cực: Hệ thống cơ sở hạ tầng CNTT đáp ứng nhu cầu công việc của cán bộ, công chức, hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc, hệ thống thư điện tử được triển khai có hiệu quả thay thế việc sử dụng văn bản giấy truyền thống. Số lượng văn bản đến/đi ở cấp xã ngày càng lớn, nhất là trong thời điểm hiện nay, cả hệ thống chính trị cấp xã đang tập trung cho việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới để từng bước xây dựng xã Nông thôn mới nâng cao. Đội ngũ cán bộ cấp xã, thôn đã từng bước được trẻ hóa, có khả năng ứng dụng CNTT trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn rất tốt. Việc ứng dụng CNTT cấp xã được coi là giải pháp hữu hiệu tạo môi trường làm việc hiện đại, tiết kiệm thời gian và chi phí, tăng hiệu quả công việc.

Xác định CNTT là một trong những yếu tố quan trọng trong công tác quản lý hành chính Nhà nước, UBND các xã trên toàn tỉnh đã cử cán bộ, công chức tham gia các lớp đào tạo, tập huấn ứng dụng CNTT nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng. Từ đó, ứng dụng CNTT trong thực hiện nhiệm vụ ở cấp xã đã được quán triệt, cán bộ, công chức từng bước nhận thức cơ bản về sự cần thiết của việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào thực hiện nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, còn có một số khó khăn như cơ sở hạ tầng CNTT chưa hoàn chỉnh, mạng Internet nhiều lúc còn chậm, không ổn định; vẫn còn một số ít cán bộ cấp xã (đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn huyện Đakrông, Hướng Hóa, Vĩnh Linh) quen với làm việc thủ công, chưa nhận thức sâu rộng tầm quan trọng của việc ứng dụng CNTT nên chưa chủ động học tập và trau dồi nâng cao kỹ năng ứng dụng CNTT vào trong công tác của mình; vẫn còn một số đơn vị chưa thật sự tích cực, chủ động trong việc khai thác, sử dụng các hệ thống ứng dụng CNTT đã đầu tư; chưa khai thác, phát huy được tối đa tính năng, lợi ích của các phương tiện CNTT và cơ sở hạ tầng, thiết bị CNTT hiện có để nâng cao hiệu quả trong công việc cũng như trong quản lý điều hành.

Như vậy, để ứng dụng CNTT đạt hiệu quả cao, lãnh đạo cấp xã cần tích cực thay đổi, quyết liệt trong công tác đổi mới tư duy của cán bộ về khả năng áp dụng CNTT trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Thường xuyên tổ chức, phối hợp đào tạo tập huấn, nâng cao kiến thức nghiệp vụ trong ứng dụng công nghệ số cho các cán bộ, công chức từ cấp xã đến cấp thôn. Đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến đến cán bộ cấp thôn thấy rõ hiệu quả và yêu cầu mang tính tất yếu của việc ứng dụng CNTT trong việc đổi mới phương pháp làm việc và tiếp nhận xử lý các văn bản chỉ đạo cấp xã cũng như những lợi ích khác trong thực hiện nhiệm vụ thông qua các hội nghị giao ban hàng tháng do Đảng ủy và UBND xã tổ chức. Công tác theo dõi, giám sát, kiểm tra phải được thực hiện thường xuyên nhằm tạo kết quả chuyển biến thực sự và rõ nét. Quan tâm đến việc tự đào tạo, bồi dưỡng cả về kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn về CNTT. Hỗ trợ một phần ngân sách giúp địa phương trong quá trình triển khai, nhân rộng mô hình đảm bảo hiệu quả và thiết thực.

* Ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển Chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng tại cấp xã

Thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025; Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 04/11/2021 về chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị đến năm 2025 định hướng đến năm 2030. Được sự quan tâm và sự chỉ đạo xuyên suốt của Thường trực Tỉnh ủy, HĐND và UBND cấp tỉnh, huyện đã xây dựng cơ chế, chính sách ngày càng hoàn thiện, góp phần tạo hành lang pháp lý để đẩy mạnh phát triển ứng dụng CNTT và tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông và CNTT đồng bộ, thống nhất, xuyên suốt từ tỉnh xuống huyện, từ huyện xuống xã đáp ứng đúng các định hướng, chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương. Do đó, chính quyền cấp xã đã nâng cấp cơ sở hạ tầng, triển khai phần mềm, cơ sở dữ liệu, đưa ứng dụng CNTT vào quản lý, nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành.

Đến nay, hạ tầng kỹ thuật phục vụ ứng dụng CNTT tại cấp xã đã đạt được những kết quả như sau: Tỷ lệ cán bộ, công chức trang bị máy tính đạt 100%; tỷ lệ máy tính được cài đặt phần mềm diệt virus bản quyền đạt 100%; 126/126 UBND cấp xã có mạng LAN, wifi và Mạng truyền số liệu chuyên dùng; tỷ lệ máy tính kết nối Internet tại xã đạt 100%, tỷ lệ cán bộ, công chức có hộp thư công vụ cấp xã đạt 100%. Các loại văn bản thường được trao đổi qua hệ thống gồm có: thông báo, giấy mời, thông báo kết luận, công văn, báo cáo, kế hoạch, lịch công tác.

Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc liên thông 4 cấp được triển khai thực hiện đã đem lại hiệu quả rõ rệt như: Hồ sơ được thực hiện hoàn toàn qua mạng, kiểm soát được quy trình, thời gian xử lý công việc vì vậy hạn chế được tình trạng văn bản quá hạn xử lý, tiết kiệm được chi phí văn phòng phẩm phục vụ cho việc in ấn, gửi nhận văn bản; hiện tại 100% cán bộ, công chức cấp xã được cấp tài khoản đăng nhập hệ thống, tỷ lệ thường xuyên đăng nhập để xử lý công việc đạt 100%; triển khai thực hiện và phát hành văn bản sử dụng chữ ký số góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước.

Về hoạt động ứng dụng, dịch vụ CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp: UBND cấp xã đã triển khai ứng dụng phần mềm một cửa điện tử mang lại hiệu quả nhất định, góp phần cải cách thủ tục hành chính, minh bạch hóa trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính của tổ chức với người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, trọng tâm là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tạo điều kiện thuận lợi để cá nhân, tổ chức thực hiện thủ tục hành chính một cách thuận tiện nhất; cập nhật kịp thời, đầy đủ hồ sơ của các tổ chức, cá nhân lên hệ thống phần mềm một cửa điện tử theo quy định.

Về an toàn thông tin, tình hình lây nhiễm và xử lý, bóc gỡ mã độc: Căn cứ vào các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện, hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông, UBND cấp xã đã ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác đảm bảo an toàn thông tin và tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về an toàn thông tin mạng thông qua các hội nghị, tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh để nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức và người dân về an toàn thông tin, xử lý kịp thời và hạn chế tối đa sự lây nhiễm mã độc gây mất an toàn thông tin.

Các cơ sở dữ liệu tại cấp xã đã được triển khai chủ yếu do các bộ, ngành của tỉnh, huyện triển khai áp dụng như: Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc; Phần mềm theo dõi nhiệm vụ; Chữ ký số; Thư điện tử công vụ; Cơ sở dữ liệu về Hộ tịch, dân cư. Tuy nhiên, các cơ sở dữ liệu chủ yếu do các bộ, ngành địa phương tự xây dựng nên việc kết nối liên thông đối với các cơ sở dữ liệu dùng chung còn gặp nhiều khó khăn.

Nguồn nhân lực hiện nay, cán bộ, công chức được đào tạo về CNTT chuyên sâu trong UBND cấp xã hầu như không có; các cán bộ cấp xã hầu hết thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm; đa phần cán bộ công chức tự học thêm tại các Trung tâm đào tạo tin học với các chứng chỉ A, B và tham gia các lớp đào tạo, tập huấn về ứng dụng trên địa bàn huyện theo chuẩn kỹ năng của Bộ Thông tin và Truyền thông để đáp ứng yêu cầu công việc. Tỷ lệ cán bộ, công chức sử dụng máy tính trong công việc ngày càng được nâng lên, tuy nhiên kỹ năng sử dụng máy tính của một số cán bộ, công chức còn hạn chế.

* Một số giải pháp nâng cao kiến thức, kỹ năng ứng dụng CNTT cho cán bộ cấp xã

Nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 và năm 2023 về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển Chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng cần:

Về đầu tư hoàn thiện hạ tầng CNTT, nền tảng dữ liệu để triển khai Chính quyền số, xã hội số, kinh tế số; đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao hiệu quả hoạt động chỉ đạo điều hành của chính quyền: Bổ sung nâng cấp hạ tầng CNTT, đảm bảo mỗi cán bộ công chức có 01 máy tính làm việc phục vụ hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ tại cơ quan; đầu tư nâng cao năng lực ứng dụng CNTT phục vụ quân sự, an ninh, quốc phòng trên địa bàn xã; tăng cường công tác giám sát, phân tích, theo dõi hoạt động bảo đảm an toàn thông tin mạng; thường xuyên kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin theo quy định của pháp luật.

Về ứng dụng CNTT trong chỉ đạo, điều hành, xây dựng Chính quyền điện tử cấp xã: 100% văn bản, hồ sơ công việc được trao đổi, tạo lập, xử lý, ký số trên môi trường điện tử (trừ văn bản có nội dung thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật); 80% báo cáo định kỳ (trừ nội dung mật) của UBND xã được cập nhật, chia sẻ trên Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; 90% cuộc họp của UBND xã thực hiện thông qua hệ thống phòng họp không giấy; xây dựng các dữ liệu dùng chung phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và công khai, minh bạch thông tin của chính quyền cho người dân, doanh nghiệp; cung cấp dữ liệu mở để doanh nghiệp, người dân tiếp cận và sử dụng thông tin phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.

Về ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp: Xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện Cổng thông tin điện tử xã và Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thông qua dịch vụ công đảm bảo 100% các thủ tục hành chính được hoàn thiện quy trình xử lý, sẵn sàng cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4; tỷ lệ hồ sơ giải quyết dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trong tổng số hồ sơ được tiếp nhận (gồm cả trực tuyến, trực tiếp và qua bưu chính) đạt từ 100%, mức độ 4 đạt từ 90% trở lên; tối thiểu 95% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính; Cổng thông tin điện tử của xã công khai thông tin đầy đủ theo quy định tại Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ.

Ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực: Tập trung đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực như hệ thống Y tế, Giáo dục - Đào tạo, Du lịch, Thương mại... nhằm đưa ứng dụng CNTT nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và sử dụng nguồn lực cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế, xã hội của xã; ưu tiên phát triển ứng dụng CNTT trong Y tế như chỉ đạo Trạm y tế triển khai hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử theo yêu cầu của UBND tỉnh.

Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của nền hành chính cấp xã: Với mục tiêu thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng ứng dụng CNTT cho cán bộ, công chức cấp xã vào trong giải quyết công việc hàng ngày, hướng tới đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền trên môi trường số, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước. Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Quảng Trị đã phối hợp tổ chức chương trình tập huấn cho cán bộ, công chức cấp xã bao gồm các nội dung: nâng cao nhận thức về chủ trương, chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số; quy trình cơ bản trong thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi số cấp xã; kỹ năng ứng dụng CNTT; kỹ năng sử dụng và khai thác hiệu quả các hệ thống quản lý văn bản và điều hành công việc (VNPT- office), chữ ký số, dịch vụ công trực tuyến và một cửa điện tử liên thông, công tác truyền thông cơ sở và kỹ năng làm việc hiệu quả, đảm bảo an toàn an ninh thông tin trên môi trường điện tử; nâng cao kỹ năng mua, bán hàng trên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong chính quyền xã góp phần nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo điều hành.

 Tập huấn hướng dẫn cho Hội Phụ nữ huyện Đakrông kỹ năng mua, bán hàng trên sàn thương mại điện tử

Bên cạnh đó, tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng số cho cán bộ, công chức cấp xã một cách rộng rãi, qua nhiều kênh khác nhau, trong đó chú ý tập trung qua các cổng thông tin điện tử của xã; khuyến khích việc tăng cường tương tác giữa cán bộ, công chức cấp xã tương tác với người dân, doanh nghiệp sử dụng công nghệ số (thiết bị di động, mạng xã hội, các kênh thông tin phi truyền thống khác); đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp có sử dụng hệ thống CNTT của cấp xã qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua thư điện tử, ứng dụng di động trực tuyến, đài truyền thanh cơ sở, tổ công nghệ số cộng đồng đến người dùng và quan trọng nhất là người đứng đầu cấp xã chịu trách nhiệm trực tiếp về chất lượng việc gắn nhiệm vụ về ứng dụng CNTT với mục tiêu chuyển đổi số, cải cách hành chính, phương thức làm việc và các mối quan hệ từ môi trường truyền thống sang môi trường an toàn, tích cực.

Với mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền cấp xã trên môi trường số, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước, hướng đến phục vụ vụ người dân, doanh nghiệp, thời gian qua việc ứng dụng CNTT cấp xã đạt những chuyển biến rõ rệt, mang lại hiệu quả tích cực. Thông qua các chương trình, chính sách hỗ trợ về ứng dụng CNTT, thời gian tới mỗi cán bộ, công chức cấp xã cần được nâng cao kiến thức, kỹ năng ứng dụng CNTT nhằm kịp thời tham mưu, chỉ đạo và tổ chức triển khai các nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

                                                         Bài và ảnh:  NGUYỄN THỊ LỆ HẰNG

Các tin khác
 
 
 
LIÊN KẾT WEBSITE
 

Địa chỉ liên hệ
SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG QUẢNG TRỊ
Điện thoại: (0233) 3575155 - Fax: (0233) 3554711
Email: sotttt@quangtri.gov.vn
Địa chỉ: 51 Trần Hưng Đạo, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Tường, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị
Đơn vị vận hành: Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị (Ghi rõ nguồn “https://sotttt.quangtri.gov.vn/” khi phát hành lại thông tin từ trang web này)