Chi tiết tin - Sở Thông tin và Truyền thông

 
LƯỢT TRUY CẬP

Đang truy cập: 12

Hôm nay: 171

Tổng lượt truy cập: 1.409.715

Số hóa cổ vật, di tích lịch sử để bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị di sản

Ngày cập nhật: 29/03/2022 02:39:40

Số hoá là nhiệm vụ rất cần thiết cho việc quản lý, nghiên cứu, tham quan và giáo dục phù hợp với xu hướng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và công cuộc chuyển đổi số hiện nay. Đồng thời việc số hóa sẽ hỗ trợ đắc lực trong quá trình khôi phục, phục dựng cổ vật, di tích khi mà thời gian sẽ làm hư hỏng, bào mòn hay bị thất lạc, mất cắp… Ở Việt Nam, trong vài năm gần đây, một số bảo tàng, di tích đã bắt đầu ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ và thực sự bước đầu đã có hiệu quả số hóa thông tin tư liệu, mà hạt nhân của nó là hệ thống thông tin quản lý hiện vật.

Dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 do Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch soạn thảo để trình Chính phủ phê duyệt đã khẳng định Đảng và Nhà nước rất coi trọng văn hóa, đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội… Trong Dự thảo, vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được coi trọng, thể hiện qua việc có riêng một mục chiến lược, mục tiêu cụ thể. Dự thảo đặt mục tiêu đến năm 2030: “Thực hiện số hóa di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu; nâng cấp và khai thác có hiệu quả ngân hàng dữ liệu về di sản văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam phù hợp với yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

Quảng Trị là một mảnh đất có bề dày về lịch sử, là nơi gặp gỡ, hội tụ và giao lưu nhiều dấu ấn của các nền văn hóa. Nơi đây từng được coi là vùng đất giao thoa giữa hai nền văn hóa Chămpa và Đại Việt; là điểm dừng chân của người Việt trên bước đường mở cõi về phương Nam. Hiện nay, Quảng Trị là một trong những tỉnh có bảo tàng hiện đại của hệ thống bảo tàng quốc gia Việt Nam, hiện vật được trưng bày giới thiệu tại nhà trưng bày là 9.381 hiện vật. Trong đó có nhiều cổ vật như Phù điêu lá nhĩ Trà Liên, Trống đồng Trà Lộc… thuộc dạng bảo vật quốc gia. Bên cạnh đó, có nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt như: Di tích lịch sử Thành Cổ Quảng Trị là di tích thành phần thuộc di tích quốc gia đặc biệt “Thành Cổ Quảng Trị và các địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm, năm 1972”; Di tích lịch sử Địa đạo Vịnh Mốc là di tích thành phần thuộc di tích quốc gia đặc biệt “Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh”…

Phù điêu lá nhĩ Trà Liên 1 tại Bảo tàng tỉnh

Năm 2020, Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông (Sở Thông tin và Truyền thông) là đơn vị chủ trì thực hiện dự án: Chuẩn hóa, chuyển đổi, tạo lập cơ sở dữ liệu (số hóa), xây dựng ứng dụng khai thác dữ liệu. Triển khai thực hiện Dự án, Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Trung tâm Di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị, khu di tích Thành Cổ Quảng Trị khảo sát và lựa chọn để tiến hành số hóa đối với 14 hiện vật quý, có nguy cơ hư hỏng, xuống cấp do chịu nhiều tác động về yếu tố thời tiết, thời gian (Phù điêu lá nhĩ Trà Liên, Linga, Yoni, Bò thần Nandi, Tượng Uma Dương Lệ,…) và 01 di tích là Di tích lịch sử Thành Cổ Quảng Trị.

Khi tiến hành số hóa, các công nghệ và thiết bị hiện đại đã được áp dụng như sử dụng phần mềm kiểm tra số liệu thực địa, máy quét Laser 3D tốc độ cao, chụp ảnh kỹ thuật số hỗ trợ HDR và không ảnh… Kết quả sau khi số hóa được bảo mật thông tin, chất lượng màu sắc mô hình rõ nét, trung thực với bản gốc, độ phân giải 4K, đặc biệt có đầy đủ thông tin phục vụ trong việc phục dựng, quản lý cũng như khai thác tư liệu.

Một số hình ảnh kết quả số hóa cổ vật:

Hình ảnh 3D của Bò thần Nandi

Một số hình vẽ mặt cắt phục vụ việc quản lý và phục dựng - Ảnh tư liệu

Số hoá 14 hiện vật của Bảo tàng tỉnh Quảng Trị và Di tích Thành Cổ được đưa vào sử dụng ngày 18/12/2020, với việc xây dựng thông tin về các di sản cùng với các giải pháp đồng bộ, mọi người dân, khách du lịch, nhà nghiên cứu, nhà quản lý được cung cấp môi trường phát triển ngày càng tiện ích, ưu việt; mọi đối tượng sẽ được sử dụng các dịch vụ trên mạng Internet ở các cấp độ khác nhau và được cung cấp các thông tin về cổ vật một cách minh bạch, thuận lợi, kịp thời... góp phần giảm thiểu thời gian, công sức trong việc tìm kiếm các thông tin liên quan đến các di sản công trình, cổ vật. Đặc biệt, khách du lịch trên khắp thế giới có thể biết đến Quảng Trị và điều này cũng gián tiếp làm tăng nguồn thu cho tỉnh, góp phần tăng trưởng kinh tế.

Việc số hóa cũng là cách lưu giữ và trưng bày hiện vật tốt cho tương lai, trong sự mở rộng đa chiều về không gian. Những di sản cấp quốc gia nếu được số hoá đầy đủ, sẽ trực tiếp tham gia vào chiến lược quảng bá hình ảnh, con người tỉnh Quảng Trị, mặt khác, nhìn nhận dưới góc độ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển ngành công nghiệp CNTT thành ngành kinh tế mũi nhọn góp phần hình thành nền kinh tế tri thức, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ có hàm lượng tri thức cao, thúc đẩy phát triển kinh tế tri thức của tỉnh. Vấn đề còn lại là cách làm sao cho phù hợp và phải được công chúng đón nhận. Chỉ khi được công chúng đón nhận thì số hóa mới phát huy đầy đủ hiệu quả.

                                        Bài và ảnh: HỒNG NHUNG

Các tin khác
 
 
 
LIÊN KẾT WEBSITE
 

Địa chỉ liên hệ
SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG QUẢNG TRỊ
Điện thoại: (0233) 3575155 - Fax: (0233) 3554711
Email: sotttt@quangtri.gov.vn
Địa chỉ: 51 Trần Hưng Đạo, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Tường, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị
Đơn vị vận hành: Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị (Ghi rõ nguồn “https://sotttt.quangtri.gov.vn/” khi phát hành lại thông tin từ trang web này)