Chi tiết tin - Sở Thông tin và Truyền thông
- Trang chủ
- Tổng quan
- Tin tức - Sự kiện
- Thủ tục hành chính
- Cải cách hành chính
- Tuyền truyền CCHC
- Công tác chỉ đạo điều hành
- Cải cách chế độ công vụ
- Cải cách tài sản công
- Áp dụng ISO trong hoạt động
- Chấm điểm CCHC, hoàn thành nhiệm vụ
- Hệ thống báo cáo
- CCTC theo dõi thi hành pháp luật.
- CCTTHC thực hiện cơ chế một cửa
- CC bộ máy hành chính nhà nước
- Xây dựng và phát triển CQ điện tử, CP điện tử
- Văn bản trao đổi
- Quản lý nhà nước
- Chiến lược, QH, KH
- Đảng - Đoàn thể
- Lịch công tác
- Báo cáo tài chính
Đang truy cập: 2
Hôm nay: 638
Tổng lượt truy cập: 1.486.319
Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp: Cơ hội và thách thức
Bài 3:
Tiếp sức cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong chuyển đổi số
Chuyển đổi số đem lại nhiều lợi ích trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp (GDNN), tuy nhiên, phần lớn các cơ sở GDNN vẫn đang ở giai đoạn đầu bắt tay vào triển khai thực hiện nên gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Nhu cầu chuyển đổi số cao, trong khi nguồn lực đầu tư, khả năng tiếp cận và ứng dụng công nghệ số vào thực hiện nhiệm vụ quản lý, giảng dạy, học tập còn hạn chế. Vì thế, bên cạnh sự nỗ lực, quyết tâm của các cơ sở GDNN cần có sự “tiếp sức” nhiều hơn của các cấp, ngành và toàn xã hội.
Cần quan tâm, hỗ trợ kinh phí đầu tư máy tính, mạng Internet cho các cơ sở GDNN có cơ hội đẩy mạnh chuyển đổi số trong dạy học
*Bộn bề khó khăn
Trong thời gian bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, các cơ sở GDNN ở Quảng Trị đi vào hoạt động dạy và học online. Hoạt động này giúp cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên thay đổi về mặt tư duy và ứng dụng công nghệ trong dạy và học. Nhiều trường học đã chủ động triển khai thực hiện công nghệ số trong hoạt động quản lý, dạy và học, bước đầu đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trên thực tế, đa số các cơ sở GDNN vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn, thách thức lớn vì chuyển đổi số đòi hỏi rất nhiều về sự đầu tư kinh phí, trí tuệ, công sức và thời gian…
Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị Lê Văn Thông cho biết, trường là cơ sở đào tạo đa ngành duy nhất trên địa bàn tỉnh (đào tạo nông nghiệp, công nghiệp, kinh tế, dịch vụ), rất phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội, đặc biệt phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà và khu vực. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng trong quá trình chuyển đổi số, nhà trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đó là mức độ tiếp cận và áp dụng công nghệ số của giảng viên còn gặp hạn chế; học sinh, sinh viên nhà trường phần lớn khó khăn về kinh tế nên không có điều kiện để áp dụng, sử dụng các hoạt động liên quan công nghệ số; áp lực trong công tác tự chủ tài chính tạo ra sự khó khăn về mặt kinh phí cho việc đầu tư các cơ sở hạ tầng phục vụ công nghệ số…
Với việc thực hiện chuyển đổi số, đầu tư máy móc hiện đại, đã giúp cho học viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị tiếp thu nhanh từ học lý thuyết đến thực hành
Còn đối với Trường Trung cấp nghề GTVT Quảng Trị thì khó khăn trong thực hiện chuyển đổi số đó là nguồn kinh phí đầu tư cho máy móc, thiết bị dạy và học hiện đại là rất lớn, trong khi điều kiện về nguồn lực đầu tư còn hạn chế. Theo chương trình đào tạo lái xe ô tô mới của Bộ GTVT quy định mỗi học viên phải có tối thiểu 3 giờ tập luyện trên cabin điện tử (hay còn gọi là cabin tập lái 3D). Điều đáng nói giá một cabin này tầm 500 triệu đồng, bằng một chiếc xe 4 chỗ đời mới. Để nâng cao chất lượng đào tạo lái xe ô tô, nhà trường dự kiến sẽ đầu tư 2 cabin điện tử, ước tính đầu tư trên 1 tỷ đồng. Đây là khó khăn lớn đối với nhà trường.
Các Trung tâm GDNN-GDTT các huyện, thị xã thành phố hiện nay, việc triển khai áp dụng công nghệ số cũng gặp khó khăn về kinh phí đầu tư hạ tầng công nghệ, thiết bị, cập nhật, nâng cấp các phần mềm giảng dạy, phần mềm thiết kế các chuyên ngành phục vụ học tập. Đội ngũ cán bộ, giáo viên ở các cơ sở này còn yếu về công nghệ thông tin, không có các kỹ năng liên quan đến phát triển chương trình, ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chuyển đổi số dẫn đến khó khăn trong xây dựng bài giảng số, lớp học số, tài liệu chuyên ngành số, kho học liệu số. Một số giáo viên thụ động, không thay đổi tư duy để xây dựng phương pháp giảng dạy mới theo công nghệ số…
*Nỗ lực từ nhiều phía
Nắm rõ và thấu hiểu những khó khăn, thách thức lớn trong quá trình thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp trên toàn tỉnh, Sở LĐ, TB&XH đã xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình chuyển đổi số trong GDNN giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trình UBND tỉnh xem xét, phê quyệt. Chương trình đề cập đến mục tiêu như phát triển năng lực số cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GDNN; đổi mới và phát triển chương trình đào tạo; hạ tầng, nền tảng và học liệu số; quản lý số và quản trị số…
Chương trình xác định một số nhiệm vụ, giải pháp như: rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan và chuyên ngành GDNN để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; xây dựng văn bản quy định về cơ sở dữ liệu GDNN đảm bảo kết nối chia sẻ dữ liệu theo quy định của Chính phủ, Bộ TT&TT, Bộ LĐ, TB&XH; nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ cho người dạy, người học, cơ sở GDNN trong chuyển đổi số GDNN. Phát triển chương trình, nội dung đào tạo GDNN phù hợp với yêu cầu của chuyển đổi số trong nền kinh tế và hội nhập quốc tế: xác định kiến thức và kỹ năng số cơ bản và nâng cao đối với người lao động trên môi trường số; lồng ghép vào chương trình đào tạo, các môn học liên quan tới kỹ năng số, công nghệ thông tin nhằm cung cấp các kỹ năng số cơ bản, nâng cao cho người học; dự báo các năng lực và kỹ năng số cần có của ngành, nghề, đặc biệt là các ngành nghề phục vụ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư… cùng nhiều nội dung quan trọng khác. Một vấn đề quan trọng được Chương trình chuyển đổi số trong GDNN giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đề ra, đó là huy động nguồn lực cho quá trình chuyển đổi số GDNN, bao gồm ưu tiên nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, huy động nguồn lực đầu tư từ các tổ chức, doanh nghiệp, từng bước hình thành mô hình cơ sở GDNN trong doanh nghiệp. Tăng cường vận động sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế cho hoạt động chuyển đổi số GDNN. Huy động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cộng đồng trong và ngoài nước cùng tham gia đầu tư, tài trợ kinh phí để nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và thực hiện chuyển đổi số trong GDNN, nguồn thu hợp pháp của các cơ sở GDNN…
Học viên hào hứng với phần mềm hỗ trợ học lý thuyết xử lý các tình huống tham gia giao thông
Về phía các cơ sở GDNN cũng có những nỗ lực để vượt qua khó khăn. Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị Lê Văn Thông cho biết: Trong thời gian tới, nhà trường phát động phong trào sáng tạo, sáng kiến và phát huy mạnh ý tưởng sáng tạo trong hoạt động công nghệ số ở tất cả các lĩnh vực; tạo điều kiện để cán bộ, giáo viên tham gia vào các hoạt động học tập, nghiên cứu công nghệ số; tổ chức các hội thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên, trong đó, đặc biệt quan tâm các ý tưởng có áp dụng công nghệ số; từng bước đồng bộ hoá từng hoạt động công nghệ số, tiến tới áp dụng công nghệ số trên tất cả các hoạt động quản lý, tổ chức giảng dạy, hướng dẫn thực hành cho học sinh, sinh viên tham gia vận hành các dây chuyền hoạt động của các doanh nghiệp có áp dụng công nghệ số cao. “Đối với các ngành học có áp dụng công nghệ số, trước hết giảng viên cần tiếp cận sớm với công nghệ tại doanh nghiệp, sau đó hướng dẫn cho học sinh, sinh viên, hướng các em đến thực tập, thực hành tại các doanh nghiệp có dây chuyền sản xuất hiện đại; liên kết sâu và chặt chẽ với doanh nghiệp trong quá trình xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo. Phấn đấu đến năm 2030, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị đạt chuẩn trường cao đẳng chất lượng cao, trở thành trường học số và đào tạo nhân lực số”, ông Thông chia sẻ. Đối với Trường Trung cấp nghề GTVT Quảng Trị, nhận thức rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số, nên nhà trường luôn đặc biệt quan tâm hỗ trợ cán bộ, giáo viên thực hiện nhiều biện pháp quản lý, dạy học theo hướng chuyển đổi số. Nhà trường còn đưa ra giải pháp đầu tư mới nhiều phương tiện, dụng cụ thiết bị dạy học từ lý thuyết đến thực hành theo từng giai đoạn để trang bị cho người học về kiến thức lý thuyết, năng lực thực hành tương xứng với ngành nghề, trình độ đào tạo, có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm và tham gia giao thông an toàn.
Quá trình chuyển đổi số gắn liền với Cách mạng công nghiệp 4.0 và dẫn đến xu thế máy móc sẽ thay thế con người trong nhiều công việc hiện tại và ra đời nhiều công việc và ngành nghề mới. Chuyển đổi số đã mở ra nhiều cơ hội đồng thời cũng là thách thức mới đối với các cơ sở GDNN, cán bộ quản lý, giáo viên lẫn học sinh, sinh viên. Giám đốc Sở LĐ, TB&XH Lê Nguyên Hồng cho biết: “Tuy giai đoạn đầu còn gặp khá nhiều khó khăn nhưng các cơ sở GDNN đã có những nỗ lực đáng ghi nhận, đạt được tín hiệu tích cực trong tổ chức thực hiện. Sở LĐ, TB&XH luôn đồng hành, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện tốt nhất để khơi dậy nội lực trong các cơ sở GDNN. Sở vận động thêm sự đồng hành, trợ lực từ các cấp, ngành, đơn vị, doanh nghiệp liên quan để các cơ sở GDNN đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả chuyển đổi số, đáp ứng nhu cầu và xu hướng phát triển tất yếu của thời hiện đại, đưa chất lượng đào tạo nguồn nhân lực lên một tầm cao mới”.
Tính đến ngày 31/10/2022, công tác tuyển sinh, đào tạo giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh được 8.587 người, trong đó, trình độ cao đẳng 115 người, trung cấp 1.100 người, trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên 7.372 người. Năm 2023, kế hoạch tuyển sinh, đào tạo của tỉnh là 9.000 người, trong đó, cao đẳng 200 người, trung cấp 800 người, sơ cấp và đào tạo thường xuyên 8.000 người; phấn đấu tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 72,66%, tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 33%... |
Bài và ảnh: NGUYỄN MINH ĐỨC
- Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp: Cơ hội và thách thức (18/01/2023)
- Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp: Cơ hội và thách thức (18/01/2023)
- “Thể thao số” liên tục phát triển (12/01/2023)
- Tập huấn ứng dụng sàn thương mại điện tử và phần mềm IOC Quảng Trị cho đồng bào dân tộc thiểu số (26/12/2022)
- Tạp chí Cửa Việt chuyển mình cùng thời đại số (09/12/2022)
- Chuyển đổi số hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh (07/12/2022)
- Golf 3D, xu hướng thể thao mới tại Quảng Trị (05/12/2022)
- Ứng dụng công nghệ trong giáo dục lịch sử và quảng bá văn hoá (04/11/2022)
- Hướng dẫn Chuyển đổi số trong ngành du lịch - Chuyển đổi nhận thức và thống nhất hành động (27/10/2022)
- Ứng dụng VNeID cung cấp các tiện ích thay thế các giấy tờ truyền thống (25/10/2022)
Địa chỉ liên hệ
SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG QUẢNG TRỊ
Điện thoại: (0233) 3575155 - Fax: (0233) 3554711
Email: sotttt@quangtri.gov.vn
Địa chỉ: 51 Trần Hưng Đạo, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Tường, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị
Đơn vị vận hành: Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị (Ghi rõ nguồn “https://sotttt.quangtri.gov.vn/” khi phát hành lại thông tin từ trang web này)