Chi tiết tin - Sở Thông tin và Truyền thông

 
LƯỢT TRUY CẬP

Đang truy cập: 1

Hôm nay: 939

Tổng lượt truy cập: 1.436.282

Hiệu quả từ các chương trình, dự án, mô hình cây trồng trên địa bàn huyện Hải Lăng

Ngày cập nhật: 11/10/2023 07:25:25

Hải Lăng là huyện đồng bằng ven biển nằm ở phía Nam tỉnh Quảng Trị, là một huyện thuần nông có nhiều tiềm năng trong sản xuất nông nghiệp với tổng diện tích tự nhiên 42.736,61 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp - lâm nghiệp là 35.726,801 ha. Địa hình của huyện có thể chia làm hai khu vực chính: Khu vực đồng bằng, duyên hải ven biển phía Đông gồm 2 xã vùng biển và 8 xã, thị trấn (Hải Quy, Hải Hưng, Hải Ba, Hải Quế, Hải Dương, Hải Định, Hải Phong, thị trấn Diên Sanh) và khu vực gò đồi phân bố chủ yếu ở phía Tây Quốc lộ 1A (gồm 06 xã Hải Chánh, Hải Sơn, Hải Trường, Hải Lâm, Hải Phú, Hải Thượng), với lợi thế huyện Hải Lăng có tiềm năng để phát triển nhiều mô hình cây trồng.

Từng bước xây dựng thương hiệu “gạo Hải Lăng” - Ảnh: Internet

Trong những năm qua, huyện Hải Lăng đã và đang tích cực phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp và bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế góp phần cải thiện đời sống của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.   

Với mục tiêu chung tập trung nguồn lực thúc đẩy phát triển sản xuất một số cây trồng, từng bước chuyển từ phát triển sản xuất theo chiều rộng sang chiều sâu nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, huyện Hải Lăng đã có chính sách hỗ trợ giá giống cam, bưởi da xanh để mở rộng mô hình trồng cam vùng gò đồi. Đến nay,  có 8 xã thực hiện với tổng diện tích tập trung 88 ha; đã tìm kiếm đưa vào theo dõi, đánh giá chọn lọc một số giống cam mới (V2, cam bù, bưởi da xanh, bưởi tiến vua, bơ, chanh không hạt…) và một số cây trồng khác có triển vọng phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của thị trường để đưa vào sản xuất tại Hải Phú, Hải Thượng, Hải Lâm và Hải Sơn. Một số hộ tại vùng K4 đã áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, sử dụng tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Việc xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm gắn với đăng ký nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu tạo điều kiện thuận tiện trong tiêu thụ, nâng cao hiệu quả sản xuất (giá trị sản phẩm các vườn cây ăn quả có múi thời kỳ kinh doanh đạt 300-350 triệu đồng/ha/năm).

Việc xây dựng liên kết sản xuất tiêu thụ với các doanh nghiệp, công ty đã thực hiện năm 2022 với tổng diện tích 300,4 ha. Hợp tác xã (HTX) sản xuất kinh doanh dịch vụ Long Hưng và HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ Phước Thị là điểm sáng, đi đầu trong hoạt động sản xuất lúa hữu cơ trên địa bàn tỉnh. Các hợp tác xã đã ký hợp đồng sản xuất với Công ty QTOrganic với diện tích 35 ha được chứng nhận hữu cơ, sản lượng bình quân 330-350 tấn/năm. Khi liên kết sản xuất HTX sẽ được hỗ trợ 100 % giống lúa và phân bón hữu cơ, Công ty cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn quy trình sản xuất lúa hữu cơ, cam kết thu mua 100% sản lượng lúa tươi ngay tại ruộng với giá 6.000đ/kg giống lúa RVT và 5.200đ/kg giống lúa ST25. Người nông dân khi tham gia sản xuất liên kết với Công ty thông qua HTX vừa yên tâm sản xuất, vừa cho thu nhập ổn định và mang lại lợi nhuận cao hơn trước. Cái nhìn thấy được rõ nhất khi sản xuất lúa hữu cơ là đem lại giá trị bảo vệ sức khoẻ cho người sản xuất cũng như người tiêu dùng vì quy trình canh tác nói không với thuốc bảo vệ thực vật. Việc ứng dụng máy cấy, máy bay không người lái (DRONE) trong sản xuất lúa hữu cơ, Viet GAP từng bước được triển khai thực hiện. Hiện nay, huyện Hải Lăng đang vận động, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư khu phơi sấy tập trung, chế biến nông sản, kho bảo quản nhằm tăng cường xây dựng thương hiệu “gạo Hải Lăng”, “gạo hữu cơ”... gắn với thị trường tiêu thụ.

Cùng với chính sách của tỉnh, huyện cũng đã có chính sách hỗ trợ phát triển cây dược liệu trên địa bàn huyện gồm các loại cây như: chè vằng, cà gai leo, tràm gió… Toàn huyện hiện có gần 40 ha cây dược liệu, trong đó tập trung ở vùng gò đồi của các đơn vị như: Hải Chánh, Hải Sơn… Qua theo dõi thấy rằng các giống cây này phù hợp với địa bàn huyện nên cây phát triển tốt và cho hiệu quả khá cao.

Mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn được hỗ trợ thực hiện tại thôn Phú Hưng, xã Hải Phú với diện tích: 20 ha, giống Keo lai nuôi cấy mô dòng AH1và dòng AH7. Rừng keo sau 46 tháng tuổi, cây sinh trưởng phát triển tốt, cho năng suất 105 tấn/ha. Mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng cây keo lai nuôi cấy mô đã thể hiện ưu thế lai vượt trội, sinh trưởng phát triển nhanh, thích nghi cao đối với vùng gò đồi, chịu hạn, chịu gió, chịu đất nghèo dinh dưỡng... Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết số 162/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh Quảng Trị năm 2023, xã Hải Chánh đã vận động 02 hộ triển khai trồng được 4,5ha.

Huyện Hải Lăng đang hướng đến nền nông nghiệp bền vững, chính vì vậy, huyện tiếp tục chỉ đạo duy trì, nhân rộng các chương trình, dự án, mô hình cây trồng hiệu quả. Trong đó tập trung  sản xuất lúa hữu cơ, VietGAP, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; tiếp tục vận động người dân tham gia đầu tư trồng cây dược liệu và vận động người trồng rừng chuyển sang trồng rừng gỗ lớn, rừng chứng chỉ FSC… Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao trình độ thâm canh, đồng thời tiếp tục thực hiện các chính sách khuyến khích hỗ trợ nông dân  nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ để tạo ra sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm, đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường, nâng cao thu nhập, hướng đến làm giàu cho nông dân.

                                                                        HÙNG NAM

Các tin khác
 
 
 
LIÊN KẾT WEBSITE
 

Địa chỉ liên hệ
SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG QUẢNG TRỊ
Điện thoại: (0233) 3575155 - Fax: (0233) 3554711
Email: sotttt@quangtri.gov.vn
Địa chỉ: 51 Trần Hưng Đạo, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Tường, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị
Đơn vị vận hành: Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị (Ghi rõ nguồn “https://sotttt.quangtri.gov.vn/” khi phát hành lại thông tin từ trang web này)