Chi tiết tin - Sở Thông tin và Truyền thông

 
LƯỢT TRUY CẬP

Đang truy cập: 2

Hôm nay: 1052

Tổng lượt truy cập: 1.310.037

Những điểm mới của Nghị định số 119/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản

Ngày cập nhật: 25/03/2022 08:56:44

Ngày 07/10/2020, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 119/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản thay thế Nghị định số 159/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.

Nghị định số 119/2020/NĐ-CP bao gồm 05 chương và 44 điều, cụ thể: Chương I - Quy định chung; Chương II - Hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả; Chương III -  Hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động xuất bản, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả; Chương IV - Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính; Chương V - Điều khoản thi hành.

Nghị định được ban hành nhằm cập nhật, cụ thể hóa các văn bản pháp luật, quy phạm pháp luật mới ban hành như: Luật Báo chí năm 2016, Bộ Luật Hình sự năm 2017, Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/01/2016 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình, Nghị định số 08/2017/NĐ-CP ngày 08/02/2017 của Chính phủ quy định về lưu chiểu điện tử đối với loại hình báo nói, báo hình và báo điện tử độc lập với cơ quan báo chí, Nghị định số 195/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Xuất bản, Quyết định số 45/2015/QĐ-TTg ngày 24/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về cung ứng dịch vụ bưu chính công ích và dịch vụ công ích trong hoạt động phát hành báo chí.

* Những điểm mới của Nghị định

Nghị định số 119/2020/NĐ-CP quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn các hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí được quy định tại Luật Báo chí 2016, trong đó bổ sung một số hành vi mới như: Thông tin quy kết tội danh khi chưa có bản án của tòa án, thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em,... các quy định này không chỉ cụ thể hơn, mà còn tương thích với Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật; quyền hạn, nghĩa vụ của nhà báo, trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm.

Về cải chính, xin lỗi: Nghị định quy định cụ thể việc các cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử tổng hợp đã đăng, phát thông tin của cơ quan báo chí khác có nội dung phải cải chính, xin lỗi cũng phải thực hiện đăng lại cải chính, xin lỗi của cơ quan báo chí vi phạm. Đồng thời, quy định cụ thể vị trí cải chính đối với từng loại hình báo chí (trang hai đối với báo in, trang cuối đối với tạp chí in, chuyên mục riêng tại trang chủ đối với báo điện tử). Những quy định mới sẽ bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị báo chí thông tin sai sự thật.

Quy định về những vấn đề mới nảy sinh trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản, hoạt động in và bổ sung các chế tài, tăng mức phạt tiền để ngăn chặn, răn đe, đặc biệt là những vi phạm đối với các hành vi thông tin xa rời tôn chỉ mục đích ở một số cơ quan báo chí. Ngoài ra, Nghị định tách một số hành vi, quy định mức tiền phạt cho phù hợp với tính chất mức độ của hành vi vi phạm như không lưu trữ đầy đủ hồ sơ xuất bản và không lưu trữ hồ sơ xuất bản.

Về thẩm quyền xử phạt có những điểm mới như sau:

Nghị định mới đã bổ sung thẩm quyền, phân định thẩm quyền của các lực lượng Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Quản lý thị trường, Công an chưa được phân định rõ ràng, khó áp dụng, dễ bị chồng lấn, lạm quyền; Lực lượng thanh tra Ngoại giao mà Nghị định số 159/2013/NĐ-CP chưa quy định; Nghị định số 119/2020/NĐ-CP đặc biệt đã được điều chỉnh là tăng thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính cho Sở Thông tin và Truyền thông các địa phương.

Tại Điều 33 của Nghị định nêu rõ: Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của thanh tra, người được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành Thông tin và Truyền thông, Thanh tra chuyên ngành và cơ quan được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành Thông tin và Truyền thông có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản; Cụ thể, thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành Thông tin và Truyền thông đang thi hành công vụ có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 1 triệu đồng; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 1 triệu đồng; Chánh Thanh tra Sở Thông tin và truyền thông, Trưởng đoàn thanh tra Thông tin và truyền thông cấp Sở, Trưởng đoàn thanh tra của Cục Báo chí, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Cục Xuất bản, In và Phát hành có thẩm quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 100 triệu đồng; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 100 triệu đồng…

Như vậy, kể từ ngày Nghị định số 119/2020/NĐ-CP có hiệu lực, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông và Trưởng đoàn thanh tra Thông tin và truyền thông cấp Sở không còn bị giới hạn trong phạm vi địa phương và theo ủy quyền như quy định tại Điểm e Khoản 2 Điều 31 Nghị định 159/2013/NĐ-CP (“Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản đối với các tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân cùng cấp; thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ quan báo chí, nhà xuất bản của trung ương và địa phương khác hoạt động tại địa phương mình khi được ủy quyền”).

* Về mức xử phạt hành chính

 Mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm cụ thể có điều chỉnh tăng theo quy định chung. Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản lên tới 200 triệu đồng đối với tổ chức và 100 triệu đồng đối với cá nhân.

Về lĩnh vực báo chí:

Quy định mới bổ sung một số hành vi vi phạm bị xử phạt hành chính trong lĩnh vực báo chí, theo đó, người đứng đầu cơ quan báo chí sẽ bị xử phạt nếu để xảy ra những việc như cử hoặc giao quyền cho cấp dưới cử nhà báo, phóng viên hoạt động báo chí không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí; những nhà báo hoạt động báo chí không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí của cơ quan báo chí đang công tác cũng sẽ bị xử phạt hành chính (Điểm đ, Khoản 1, Điều 6 NĐ số 119/2020).

Theo đó sẽ thực hiện phạt từ 10 đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Mạo danh nhà báo, phóng viên để hoạt động báo chí; lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên can thiệp, cản trở hoạt động đúng pháp luật của tổ chức, cá nhân; sử dụng thẻ nhà báo đã bị sửa chữa, tẩy xóa để hoạt động báo chí.

Đối với hành vi lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên để trục lợi sẽ bị phạt từ 20 đến 40 triệu đồng. Các hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên sẽ bị phạt từ 10 đến 20 triệu đồng. Phạt từ 20 đến 30 triệu đồng đối với hành vi thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên (Khoản 2, Điều 6 NĐ số 119/2020).

Đáng chú ý, đối với các hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp; hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên sẽ bị phạt từ 30 đến 40 triệu đồng (Khoản 3, Điều 7 NĐ số 119/2020); riêng hành vi dùng lời nói, hành động đe dọa tính mạng nhà báo, phóng viên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt từ 40 đến 60 triệu đồng (Khoản 4, Điều 7 NĐ số 119/2020).

Về hành vi vi phạm về cải chính trên báo chí (Điều 10 NĐ số 119/2020):

Cụ thể, phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không cải chính, xin lỗi theo quy định; không đăng, phát nội dung kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về nội dung sai sự thật, xuyên tạc, vu khống xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân đã đăng, phát trên báo chí.

Cũng về mức phạt đối với vi phạm quy định về cải chính trên báo chí, Nghị định nêu rõ phạt cảnh cáo đối với hành vi thực hiện cải chính, xin lỗi không đúng quy định về vị trí, kiểu chữ, cỡ chữ.

Phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không thông báo việc cải chính, xin lỗi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; đăng, phát thông tin cải chính, xin lỗi mà không thể hiện nội dung thông tin cải chính, xin lỗi hoặc tên tác phẩm báo chí, tên chuyên mục, số báo, ngày, tháng, năm đã đăng, phát phải cải chính.

Phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không thực hiện việc gỡ bỏ thông tin sai sự thật; Không thông báo cho các cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử tổng hợp có thỏa thuận việc sử dụng tin bài của báo mình để thực hiện đăng lại lời cải chính, xin lỗi; Tạp chí xuất bản trên 30 ngày một kỳ khi thông tin sai sự thật mà không có văn bản trả lời ngay cho cơ quan tổ chức, cá nhân; Không xây dựng chuyên mục riêng tại trang chủ của báo điện tử, tạp chí điện tử để thực hiện cải chính, xin lỗi; Đăng, phát thông tin cải chính, xin lỗi mà không thể hiện đầy đủ các nội dung đã thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân đã đăng, phát trong tác phẩm báo chí và nội dung thông tin được cải chính; Cải chính, xin lỗi không đúng thời điểm quy định.

Nghị định số 119/2020/NĐ-CP đã có những quy định mới, sâu sát hơn trên lĩnh vực báo chí xuất bản, đặc biệt quy định bảo vệ nhà báo, cơ quan báo chí cũng như xử phạt các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động báo chí, phân quyền cho địa phương về xử phạt vi phạm hành chính. Nghị định số 119/2020/NĐ-CP được thực hiện nghiêm túc sẽ góp phần làm thay đổi nhận thức, tạo cơ sở pháp lý và điều kiện cho hoạt động báo chí, xuất bản tiếp tục phát triển.

Nghị định số 119/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/12/2020./.   

                                                     Hữu Dũng

Các tin khác
 
 
 
LIÊN KẾT WEBSITE
 

Địa chỉ liên hệ
SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG QUẢNG TRỊ
Điện thoại: (0233) 3554715 - Fax: (0233) 3554711
Email: sotttt@quangtri.gov.vn
Địa chỉ: 51 Trần Hưng Đạo, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị