Chi tiết tin - Sở Thông tin và Truyền thông

 
LƯỢT TRUY CẬP

Đang truy cập: 6

Hôm nay: 1909

Tổng lượt truy cập: 1.485.322

Tổ chức chiếu phim “Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân” và giao lưu với các nhân chứng của Đoàn làm phim, nhân vật của phim năm 1967

Ngày cập nhật: 20/04/2023 15:46:27

Ngày 30/11/2022, tại Trường THPT Vĩnh Linh, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND huyện Vĩnh Linh tổ chức buổi chiếu phim “Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân” của đạo diễn nổi tiếng người Hà Lan Joris Ivens và giao lưu với các nhân chứng của đoàn làm phim, nhân vật của phim năm 1967. Tham dự buổi chiếu phim và giao lưu có các đồng chí lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, Viện Phim Việt Nam, lãnh đạo huyện Vĩnh Linh, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn và giáo viên, học sinh Trường THPT Vĩnh Linh.Ngày 30/11/2022, tại Trường THPT Vĩnh Linh, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND huyện Vĩnh Linh tổ chức buổi chiếu phim “Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân” của đạo diễn nổi tiếng người Hà Lan Joris Ivens và giao lưu với các nhân chứng của đoàn làm phim, nhân vật của phim năm 1967. Tham dự buổi chiếu phim và giao lưu có các đồng chí lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, Viện Phim Việt Nam, lãnh đạo huyện Vĩnh Linh, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn và giáo viên, học sinh Trường THPT Vĩnh Linh.

Giao lưu với nhân chứng Đoàn làm phim và nhân vật của phim năm 1967 (Từ trái sang phải: ông Phạm Công Đức, anh Viên Hồng Quang và bà Nguyễn Thị Xuân Phượng)

Phát biểu khai mạc buổi chiếu phim và giao lưu, đồng chí Nguyễn Hoàn, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: “Trong số những bộ phim tài liệu được sản xuất trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, bộ phim “Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân” đã gây chấn động dư luận phương Tây khi công chiếu vào thập kỷ 70 của thế kỷ XX. Đây là 1 trong 4 phim tài liệu của đạo diễn nổi tiếng người Hà Lan Joris Ivens làm về Việt Nam. Phim kể về cuộc sống và đấu tranh bảo vệ quê hương của nhân dân Vĩnh Linh những năm 1967 - 1968 rất khốc liệt nhưng cũng rất kiên cường”.

Tại buổi chiếu phim, đồng chí Nguyễn Thị Thúy Hà, Phó Viện trưởng Viện Phim Việt Nam cho biết: “Năm 2017, Viện Phim Joris Ivens Hà Lan đã tặng Viện Phim Việt Nam 4 bộ phim, 2.000 trang tư liệu giấy, 150 ảnh và áp phích được ghi lại trong suốt thời gian đạo diễn Joris Ivens làm phim ở Việt Nam. Trong suốt 5 năm qua, Viện Phim Việt Nam đã tổ chức các chương trình chiếu phim, hội thảo, quảng bá tư liệu của nhà làm phim tới các tầng lớp nhân dân. Vào tháng 7/2022, hội thảo “Quảng Trị - Khát vọng hòa bình” và triển lãm “Quảng Trị - Điểm đến của ký ức” đã được Viện Phim Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Ngoại vụ Quảng Trị tổ chức là một sự kiện có ý nghĩa thiết thực trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của tỉnh trong năm 2022, kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022) và hướng đến Lễ hội Vì Hòa bình.

Tại chương trình, các khách mời, các giáo viên, học sinh Trường THPT Vĩnh Linh đã xem bộ phim tài liệu “Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân” được phục chế từ phim đen trắng sang phim màu và giao lưu với bà Nguyễn Thị Xuân Phượng, phiên dịch cho đoàn làm phim năm 1967, người cộng sự của đạo diễn Joris Ivens; ông Phạm Công Đức, nhân vật “em bé 9 tuổi cầm súng” trong phim; anh Viên Hồng Quang, người phục chế phim “Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân” từ phim đen trắng sang phim màu.

Khi được hỏi nếu sống được 2 cuộc đời thì bà có lựa chọn vào chiến trường Vĩnh Linh nữa không? Bà Nguyễn Thị Xuân Phượng đã trả lời: Nếu được sống 2 cuộc đời bà vẫn lựa chọn con đường vất vả, gian khổ nhưng hạnh phúc như bà đã chọn. Với bà, mảnh đất Vĩnh Linh đã làm thay đổi cuộc đời bà. Khi tham gia đoàn phim, lúc đó bà 37 tuổi, chính vợ chồng đạo diễn Joris Ivens và mảnh đất Vĩnh Linh đã thôi thúc bà quyết định rẽ sang con đường làm phóng viên và đạo diễn phim tài liệu chiến trường. Những hình ảnh trong phim khơi gợi lại ký ức những ngày cùng đoàn làm phim quay những cảnh phim “Vĩ tuyến 17-Chiến tranh nhân dân” trong bão đạn; là những kỷ niệm khi đoàn làm phim quay cảnh cột cờ Vĩnh Linh; là hình ảnh em bé 9 tuổi Phạm Công Đức cầm súng. Bằng trí thông minh của mình, em đã giúp bộ đội phá được một sân bay trực thăng. Thấy lính Mỹ chuẩn bị bãi đáp cho sân bay trực thăng, em nghĩ ra trò chơi với hai cây gậy. Em dùng gậy đo khoảng cách từ con đường đến bãi đáp trực thăng là 247 m, chuyển cho bộ đội biết con số này để nã cối vào máy bay trực thăng.

Sau 40 năm, vào năm 2007, bà Nguyễn Thị Xuân Phượng đã quay trở lại Vĩnh Linh, Quảng Trị với mong muốn tìm lại những nhân vật trong phim và cũng từ chuyến đi này bà đã tìm được “em bé 9 tuổi cầm súng” Phạm Công Đức ngày nào. Bà chia sẻ thêm: Một đêm trong địa đạo bà đỡ đẻ cho sản phụ Vĩnh Linh ngay trong hầm địa đạo. Sau khi giúp sản phụ vượt cạn thành công, bà cùng đoàn làm phim không giấu được xúc động khi cha đứa bé vì mừng vui đến khóc. Hai ngày sau, người cha đem biếu đoàn mấy củ khoai mì và xin bà đặt tên cho con trai mình. Bà đã lấy tên mình là Nguyễn Xuân Phượng để đặt tên cho đứa trẻ. Cho đến nay, người phụ nữ 93 tuổi với mái tóc bạc trắng xóa vẫn luôn đi tìm kiếm thông tin, luôn đau đáu mong tìm được em bé “Xuân Phượng” ngày nào.

Buổi giao lưu còn gặp gỡ, chia sẻ với chàng thanh niên 27 tuổi Viên Hồng Quang, người dành tâm huyết phục chế bộ phim từ phim đen trắng sang phim màu. Sau gần 1 năm thực hiện, bộ phim “Vĩ tuyến 17-Chiến tranh nhân dân” với bản màu đã hoàn thành vào tháng 9/2022. Đây là lần đầu tiên, bản màu này được công chiếu.

Với những chia sẻ đầy xúc động của nhân chứng và nhân vật của đoàn làm phim, em Lê Hoài Nhật Linh, lớp 10A1, Trường THPT Vĩnh Linh bày tỏ: “Hôm nay, em thật may mắn khi được xem trực tiếp bộ phim tài liệu được quay trên quê hương Vĩnh Linh. Sau khi xem xong bộ phim, em càng biết ơn thế hệ ông cha đã hy sinh rất nhiều để chúng em được sống hạnh phúc trong nền độc lập, tự do. Bộ phim không chỉ có giá trị truyền tải lịch sử mà còn nhắc nhở, truyền cảm hứng cho chúng em nỗ lực vượt qua khó khăn, vươn lên trong học tập, xứng đáng là con ngoan, trò giỏi, góp sức xây dựng quê hương”.

Một số hình ảnh tại buổi chiếu phim và giao lưu

Toàn cảnh buổi chiếu phim

 

Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND huyện Vĩnh Linh tặng hoa cho đại biểu và khách mời giao lưu

 

Em Lê Hoài Nhật Linh, học sinh lớp 10A1, Trường THPT Vĩnh Linh chia sẻ tại buổi giao lưu

 

Description: https://f25-zpc.zdn.vn/1413623242519903471/3ddf5edc25fefca0a5ef.jpg

Chụp ảnh lưu niệm với nhân chứng Đoàn làm phim, nhân vật của phim năm 1967

                                       

  Tin: NHƯ QUỲNH - Ảnh: P. VIÊN

 

More
 
 
 
LIÊN KẾT WEBSITE
 

Địa chỉ liên hệ
SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG QUẢNG TRỊ
Điện thoại: (0233) 3575155 - Fax: (0233) 3554711
Email: sotttt@quangtri.gov.vn
Địa chỉ: 51 Trần Hưng Đạo, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Tường, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị
Đơn vị vận hành: Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị (Ghi rõ nguồn “https://sotttt.quangtri.gov.vn/” khi phát hành lại thông tin từ trang web này)