Chi tiết tin - Sở Thông tin và Truyền thông

 
LƯỢT TRUY CẬP

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 395

Tổng lượt truy cập: 1.436.740

Thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số

Ngày cập nhật: 29/03/2022 10:02:23

Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt  “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sứ mệnh, sự cần thiết, tính cấp bách của chuyển đổi số trong xã hội và hành động đồng bộ ở các cấp với sự tham gia của toàn dân là điều cần thiết để thực hiện thắng lợi Chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Ảnh: Internet

Chuyển đổi số tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội, góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. Chuyển đổi số giáo dục sẽ đổi mới cách thức giảng dạy truyền thống hướng tới phổ cập hoá và cá nhân hoá dịch vụ học tập suốt đời tới từng người học. Chuyển đổi số y tế sẽ cho phép người dân, thông qua các nền tảng số tiếp cận với dịch vụ y tế tốt nhất 24/7 từ những bác sĩ giỏi nhất, giải quyết vấn đề giảm tải cho các cơ sở y tế. Còn có rất nhiều ví dụ khác về các ngành, lĩnh vực có tiềm năng chuyển đổi số. Chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là về công nghệ. Thể chế cần đi trước một bước và được điều chỉnh linh hoạt để chấp nhận những cái mới: công nghệ mới, sản phẩm mới, dịch vụ mới, mô hình mới. Chỉ có đổi mới sáng tạo, Việt Nam mới thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Ở cấp độ quốc gia, chuyển đổi số là chuyển đổi chính phủ số, kinh tế số và xã hội số quốc gia. Ở cấp độ địa phương, chuyển đổi số là chuyển đổi sang chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn của địa phương đó. Địa phương chuyển đổi số thành công sẽ đóng góp vào thành công chung của chuyển đổi số quốc gia. Do vậy, chuyển đổi số là nhiệm vụ cần sự vào cuộc quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, triển khai xuyên suốt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.

Chuyển đổi số còn là cuộc cách mạng của toàn dân. Chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi mỗi một người dân tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại. Chuyển đổi số sẽ phổ cập và cá nhân hoá các dịch vụ (như dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế, …) tới từng người dân để phục vụ người dân tốt hơn. Chuyển đổi số tạo ra cơ hội cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo tiếp cận dịch vụ trực tuyến một cách công bằng, bình đẳng và nhân văn rộng khắp “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Việc tổ chức phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả phấn đấu đến năm 2025 thực hiện phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số theo các mục tiêu cơ bản của Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sẽ góp phần đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan quản lý nhà nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân. Yêu cầu đặt ra là tổ chức thực hiện phong trào thi đua phải trở thành nhiệm vụ trọng tâm trong các phong trào thi đua của các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cụm, khối thi đua giai đoạn 2021-2025. Phong trào thi đua phải được triển khai sâu rộng, đồng bộ, xuyên suốt từ Trung ương đến cơ sở, với nội dung, hình thức phong phú, thiết thực và đạt được mục tiêu kép “vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu”. Đồng thời, phát hiện, bồi dưỡng, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các sáng kiến, kinh nghiệm hay trong phong trào chuyển đổi số quốc gia.

Thi đua phấn đấu đạt, vượt và về đích sớm các mục tiêu cơ bản và thực hiện toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp trong Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trước hết cần tập trung nâng cao nhận thức về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số gắn tuyên truyền các mục tiêu, nhiệm vụ của chuyển đổi số với các nghị quyết, chiến lược, chương trình hành động, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của các cấp, các ngành. Cụ thể là tích cực phổ biến, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về chủ trương, chính sách tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 1726/QĐ- BTTTT ngày 12/10/2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt Đề án ‘Xác định Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và của quốc gia”. Chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xây dựng lộ trình thực hiện chuyển đổi số quốc gia phù hợp với mô hình hoạt động của mình.

Mặt khác xây dựng thể chế, rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi số quốc gia; xây dựng cơ chế khuyến khích các hoạt động nghiên cứu, áp dụng công nghệ mới, sản phẩm mới, dịch vụ mới, mô hình mới. Ưu tiên chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền số, Chính phủ điện tử, hướng đến Chính phủ số; trong đó trọng tâm là phát triển hạ tầng số, tạo lập dữ liệu mở, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, cải thiện chỉ số xếp hạng quốc gia về Chính phủ điện tử.

Bên cạnh đó, phát triển doanh nghiệp công nghệ số, chuyển dịch từ lắp ráp, gia công về công nghệ thông tin sang làm sản phẩm công nghệ số, công nghệ 4.0, phát triển nội dung số, công nghiệp sáng tạo, kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử và sản xuất thông minh. Thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

Tập trung chuyển đổi số xã hội, chuyển đổi kỹ năng, cung cấp các khóa học đại trà trực tuyến mở; chuẩn bị nguồn nhân lực cho chuyển đổi số để phát triển xã hội số. Đảm bảo an toàn, an ninh mạng; xây dựng và triển khai hệ thống giám sát, cảnh báo sớm nguy cơ, điều phối ứng cứu sự cố mất an toàn, an ninh mạng. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số; hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ lớn trên thế giới để nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, tiên phong áp dụng công nghệ mới, mô hình mới vào Việt Nam…

Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, quyết tâm cao trong hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về yêu cầu chuyển đổi số quốc gia và sự đồng thuận của toàn xã hội, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thông chính trị trong triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua, mỗi địa phương cần lồng ghép nội dung về chuyển đổi số gắn kết với ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính phủ số, chính quyền số các cấp, thử nghiệm phát triển dịch vụ đô thị thông minh… Các doanh nghiệp viễn thông, các doanh nghiệp công nghệ số, các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số cần chủ động thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động của doanh nghiệp, phát triển hạ tầng số, nền tảng số, đảm bảo an toàn, an ninh mạng, nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh. Nếu nắm bắt được cơ hội này, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng đứng cùng hàng với các nước phát triển trên thế giới ở một số lĩnh vực nào đó, phát triển và hội nhập toàn diện với thế giới. Bởi vậy, việc nâng cao nhận thức, chuyển đổi nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, mỗi người dân, doanh nghiệp về chuyển đổi số là hết sức quan trọng. Sự xác lập, nhận thức rõ tầm quan trọng chuyển đổi số sẽ là tiền đề căn bản để xây dựng các giải pháp, khởi phát những đổi mới sáng tạo, góp phần thực hiện hiệu quả quá trình chuyển đổi số trong tương lai.

Việc cần làm ngay lúc này là từng bộ, ngành, địa phương, từng doanh nghiệp và mỗi người dân phải chung tay hành động để đưa chủ trương này vào cuộc sống, bởi cuộc đua đến nền kinh tế số, xã hội số, đến thịnh vượng là cơ hội công bằng cho tất cả, cho những quốc gia, trong đó có Việt Nam đang quyết tâm vươn lên với khát vọng xây dựng một đất nước hùng cường.

THÙY LOAN

More
 
 
 
LIÊN KẾT WEBSITE
 

Địa chỉ liên hệ
SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG QUẢNG TRỊ
Điện thoại: (0233) 3575155 - Fax: (0233) 3554711
Email: sotttt@quangtri.gov.vn
Địa chỉ: 51 Trần Hưng Đạo, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Tường, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị
Đơn vị vận hành: Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị (Ghi rõ nguồn “https://sotttt.quangtri.gov.vn/” khi phát hành lại thông tin từ trang web này)