Chi tiết tin - Sở Thông tin và Truyền thông
- Home
- Tổng quan
- Tin tức - Sự kiện
- Thủ tục hành chính
- Cải cách hành chính
- Tuyền truyền CCHC
- Công tác chỉ đạo điều hành
- Cải cách chế độ công vụ
- Cải cách tài sản công
- Áp dụng ISO trong hoạt động
- Chấm điểm CCHC, hoàn thành nhiệm vụ
- Hệ thống báo cáo
- CCTC theo dõi thi hành pháp luật.
- CCTTHC thực hiện cơ chế một cửa
- CC bộ máy hành chính nhà nước
- Xây dựng và phát triển CQ điện tử, CP điện tử
- Văn bản trao đổi
- Quản lý nhà nước
- Chiến lược, QH, KH
- Đảng - Đoàn thể
- Lịch công tác
- Báo cáo tài chính
Đang truy cập: 1
Hôm nay: 433
Tổng lượt truy cập: 1.464.482
Chuyển đổi số phải là chuyển đổi, rồi mới đến số
Khi nói về khái niệm “Chuyển đổi số”, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến “công nghệ”. Nhưng thực ra, chuyển đổi số phải xoay quanh một vấn đề cốt lõi là “con người”: Chuyển đổi số là bởi con người, cho con người và vì con người. Trong khuôn khổ của bài này, tôi xin tập trung vào những câu chuyện gần gũi nhất liên quan đến ba ý trên: Bởi con người - tức là nhân lực làm chuyển đổi số, cho con người - tức là làm sao để người dân, tất cả chúng ta đây ứng dụng chuyển đổi số, và vì con người - chính là mục tiêu của chuyển đổi số. Đây là những chia sẻ dựa trên kinh nghiệm làm việc của tôi tại Singapore, quốc gia đi đầu châu Á và thế giới về chuyển đổi số, đối chiếu với tình hình thực tiễn và các Nghị quyết Chuyển đổi số của Việt Nam và tỉnh Quảng Trị.
Nguyễn Thị Thuỳ Trang (tác giả bài viết), Quản lý điều hành mảng tư vấn công nghệ và chuyển đổi số KPMG tại Singapore
Câu chuyện thứ nhất, là người lãnh đạo chuyển đổi số. Ở bất kỳ quốc gia nào, chuyển đổi số phải là từ trên xuống. Có ba điều tôi đánh giá cao nhất về quan điểm lãnh đạo ở Singapore. Thứ nhất, nhân tài được đào tạo để làm lãnh đạo hoặc giúp lãnh đạo - họ chọn các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về công nghệ, có tầm nhìn để lãnh đạo các bộ phận, lập ra các nhóm công tác chuyên sâu về quốc gia thông minh và chuyển đổi số. Thứ hai, lãnh đạo phải quyết liệt, đi đầu làm gương cho doanh nghiệp - mỗi cơ quan chính phủ của Singapore đều có lãnh đạo công nghệ, ban công nghệ riêng, phụ trách chính phủ số cho chính cơ quan của mình. Thứ ba, mọi cơ quan đều tham gia lãnh đạo chuyển đổi số cho lĩnh vực mà họ đảm nhận. Nếu đối chiếu những điều này vào tỉnh ta thì sẽ là thế này:
Thứ nhất, có chương trình đãi ngộ nhân tài công nghệ, yêu cầu Trung ương giúp chọn lọc, điều phối chuyên gia từ các cơ quan ban ngành, trường đại học, doanh nghiệp, các hiệp hội trí thức trẻ đến công tác ngắn hạn hoặc dài hạn để tham gia quản lý hoặc tham mưu cho các lãnh đạo tỉnh.
Để tận dụng nguồn lực hiện tại, nên có một chương trình tìm kiếm những chuyên viên trẻ tài năng, có tâm với nghề, mong muốn làm chuyển đổi số từ tất cả các đơn vị, tạo điều kiện để họ được tập huấn, được mắt thấy tai nghe, đóng góp ý kiến và phụ trách xây dựng ý tưởng của mình.
Nên có một nguồn kinh phí để hiện thức hóa ý tưởng ở quy mô nhỏ, đánh giá tính khả thi trước khi làm ở quy mô lớn. Ví dụ, khi tỉnh Vĩnh Phúc lần đầu triển khai chữ ký số cho phiếu tiếp nhận thủ tục, họ làm thử với 3 iPad cho người dân ký vào. Thấy tiện lợi quá, lãnh đạo đơn vị đã cấp kinh phí cho hàng chục iPad, trở thành mô hình chữ ký số cho các tỉnh khác.
Và chuyển đổi số không phải chỉ là trách nhiệm của Sở Thông tin và Truyền thông. Tất cả các sở phải vào cuộc, có đơn vị phụ trách chuyển đổi số ở lĩnh vực của họ để tham gia lãnh đạo dự án về mặt quy trình, có nguồn kinh phí, có chỉ tiêu cụ thể, có phần thưởng ghi nhận. Sở Thông tin và Truyền thông sẽ cử đặc phái viên làm việc dài hạn tại các sở khác để định hướng, quản lý dự án về mặt công nghệ và đảm bảo tính đồng bộ.
Câu chuyện thứ hai, tôi muốn nói đến là người làm công nghệ. Chúng ta không thiếu nhân tài, nhưng đầu tư và sử dụng nhân tài lại là một câu chuyện dài hơi và cần tầm nhìn dài hạn.
Trước tiên là đầu tư vào giáo dục và hướng nghiệp CNTT. Ngoài việc tích hợp CNTT trong dạy và học, cần xây dựng trung tâm đào tạo CNTT chuyên sâu dành cho nhiều lứa tuổi khác nhau. Trung tâm nên hợp tác với các trường đại học hoặc các trung tâm uy tín trong và ngoài nước để hướng đến mục tiêu phát triển nhân tài, thay vì mang hình ảnh truyền thống của một “trung tâm dạy nghề”, sẽ khó thu hút người giỏi. Tỉnh có thể hợp tác với các bạn trẻ hay doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục công nghệ, cấp vốn cho họ mở rộng chi nhánh tại Quảng Trị, hoặc xây dựng cơ sở mới. Tỉnh Đoàn có thể phối hợp với các trường tổ chức các trại hè hướng nghiệp, hội thảo trực tuyến cho học sinh, phụ huynh và thanh niên trên địa bàn với những người làm công nghệ, chương trình kết nối mentor (người tư vấn) với các bạn trẻ Quảng Trị muốn làm việc trong ngành công nghệ để định hướng nghề nghiệp, truyền cảm hứng và giúp đỡ các bạn.
Hợp tác với các công ty tư vấn và triển khai là việc không thể thiếu. Tuy nhiên, tôi xin lưu ý vấn đề quản trị rủi ro, “không để trứng vào một giỏ”, hoặc VNPT, hoặc FPT, mà nên xây dựng liên doanh với các công ty làm tốt nhất trong lĩnh vực của mình, ví dụ, làm việc với công ty A là đơn vị tư vấn độc lập và giám sát chất lượng dựa trên yêu cầu dự án và am hiểu quy định pháp luật, làm việc với công ty B trong việc xây dựng hệ thống phần mềm, và tận dụng mạng lưới rộng rãi của công ty C trong việc vận hành bảo trì. Ngoài ra, nên mở rộng việc hợp tác theo những hướng mới, chẳng hạn công ty cung cấp nhân lực làm việc cho sở hoặc doanh nghiệp theo hợp đồng thời hạn, hoặc cán bộ tỉnh được đào tạo, tập huấn tại dự án thực tế của công ty đối tác cho một địa phương khác để học hỏi kinh nghiệm thực chiến.
Nghĩ một cách khác đi, không nhất thiết là nhân tài đang sống ở Quảng Trị mới có thể tham gia chuyển đổi số ở Quảng Trị. Tỉnh có thể duy trì một hội đồng tham mưu và mạng lưới cộng tác viên từ các chuyên gia, bạn trẻ trong và ngoài tỉnh để đóng góp ý kiến và xây dựng quy trình cho một số lĩnh vực mới, ví dụ du lịch, thương mại điện tử, truyền thông.
Câu chuyện thứ ba, là về người ứng dụng công nghệ. Nói cách khác, là làm sao để khuyến khích doanh nghiệp và người dân ứng dụng chuyển đổi số. Muốn làm điều này, trước tiên, cơ quan chuyên trách phải có cách nâng cao nhận thức phù hợp với từng đối tượng lứa tuổi và ngành nghề. Ví dụ, xây dựng các hình ảnh bắt mắt và video truyền thông trên mạng xã hội, xây dựng các cộng đồng số Zalo để chia sẻ thông tin, và truyền thông đến học sinh, các bạn trẻ, những người nhanh nhạy về công nghệ sẽ giúp bố mẹ, người thân của mình sử dụng dịch vụ trực tuyến. Đối với các doanh nghiệp của tỉnh, phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc hỗ trợ về tư vấn, triển khai ứng dụng chuyển đổi số là chưa đủ, nên có các hoạt động đào tạo thay đổi nhận thức của chủ doanh nghiệp, chuyển đổi số không phải là chi phí mất đi mà là một khoản đầu tư để tăng năng suất, nâng cao giá trị thương hiệu, bắt đầu từ những quy trình đơn giản nhất. Nên có hoạt động tôn vinh, chia sẻ kinh nghiệm cho các doanh nghiệp chuyển đổi số trong các lĩnh vực khác nhau để làm tấm gương và thúc đẩy làn sóng chuyển đổi số ở nhiều doanh nghiệp.
Liên quan đến vấn đề này, tôi cũng muốn nhắc đến nhóm người yếu thế mà chúng ta dễ bỏ rơi trong công cuộc chuyển đổi số, những người không có điều kiện tiếp cận điện thoại di động, máy tính, hay Internet. Hãy quan tâm đến họ nhiều hơn và nên huy động sự giúp đỡ từ cộng đồng, ví dụ như đẩy mạnh các chương trình gây quỹ, quyên góp điện thoại, máy tính cũ cho những gia đình khó khăn.
Câu chuyện cuối cùng, nhưng quan trọng không kém, chuyển đổi số là vì con người, phải được xây dựng dựa trên mong muốn, trải nghiệm của người dùng, người dân. Nếu như chúng ta coi đây là tôn chỉ hành động, có thể sẽ không xảy ra vấn đề muôn vàn ứng dụng khai báo y tế khiến người dân bối rối. Xây dựng quy trình dịch vụ số phải luôn gắn liền với nghiên cứu trải nghiệm người dùng, khảo sát người dùng trước khi triển khai, cho người dùng cơ hội dùng thử và lấy ý kiến người dùng trong quá trình sử dụng. Đây cũng là vấn đề các sở, ban, ngành cần lưu ý khi đánh giá “sự cần thiết đầu tư”: Nếu là quy trình nội bộ thì liệu cán bộ nhân viên có cần hay không, nếu là dịch vụ công thì ứng dụng nào là cấp bách và có lợi nhất đối với người dân, cái gì ưu tiên làm trước. Nếu việc kế hoạch và quyết định gặp nhiều trở ngại, chúng ta có thể làm việc cùng đơn vị tư vấn độc lập, để tránh đầu tư tràn lan gây lãng phí.
Tóm lại, chuyển đổi số là một cách mạng về tư duy nhận thức xoay quanh con người, từ lãnh đạo đến người làm công nghệ, người ứng dụng công nghệ và lấy trải nghiệm người dùng là trung tâm. Tôi hi vọng mọi người sẽ thay đổi cách nhìn nhận về vấn đề này, để có các hành động thiết thực giải quyết vấn đề nổi cộm nhất hiện nay, vấn đề con người và nguồn nhân lực. Chuyển đổi số phải là chuyển đổi, rồi mới đến số.
NGUYỄN THỊ THUỲ TRANG
- Sở Thông tin và Truyền thông có thêm chức năng, nhiệm vụ mới về Chuyển đổi số (12/09/2022)
- Xây dựng y tế thông minh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (12/09/2022)
- Sở Thông tin và Truyền thông làm việc với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội về xây dựng danh mục dữ liệu chuyên ngành tích hợp lên IOC tỉnh (12/09/2022)
- Đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số trên quê hương Quảng Trị (14/09/2022)
- Một số xu hướng về công nghệ y tế tại Việt Nam (12/09/2022)
- Từ nay đến 30/9, mỗi Tòa án nhân dân phải tổ chức ít nhất 3 phiên tòa trực tuyến (12/09/2022)
- UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị (12/09/2022)
- Tập huấn An toàn, bảo mật thông tin năm 2022 (06/09/2022)
- Tỉnh uỷ Quảng Trị tổ chức hội nghị “Nâng cao nhận thức về chuyển đổi số” (25/08/2022)
- Triển khai Nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số tại Quảng Trị (25/08/2022)
Địa chỉ liên hệ
SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG QUẢNG TRỊ
Điện thoại: (0233) 3575155 - Fax: (0233) 3554711
Email: sotttt@quangtri.gov.vn
Địa chỉ: 51 Trần Hưng Đạo, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Tường, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị
Đơn vị vận hành: Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị (Ghi rõ nguồn “https://sotttt.quangtri.gov.vn/” khi phát hành lại thông tin từ trang web này)