Chi tiết tin - Sở Thông tin và Truyền thông

 
LƯỢT TRUY CẬP

Đang truy cập: 4

Hôm nay: 56

Tổng lượt truy cập: 1.467.059

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: "Báo chí là một phương tiện truyền thông, còn công tác truyền thông là việc của chính quyền các cấp"

Ngày cập nhật: 12/12/2022 15:46:54

(Mic.gov.vn) - Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về truyền thông chính sách, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, báo chí là một phương tiện truyền thông, còn công tác truyền thông là việc của chính quyền các cấp. Công tác truyền thông bao gồm việc đưa thông tin gì ra cho báo chí, sử dụng phương tiện truyền thông nào, tức là lập kế hoạch truyền thông và bố trí ngân sách cho truyền thông.

Cổng TTĐT Bộ Thông tin và Truyền thông trân giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội nghị nêu trên.

Báo chí thì phải phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội

Báo chí cách mạng thì cách mạng ở chỗ tiên phong, đi đầu. 97 năm qua đã như vậy và sẽ tiếp tục như vậy.

Báo chí thì phải phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội nước ta, không biến dòng phụ thành dòng chính. Dòng chính của chúng ta đang là tốt, bởi vậy phải lan tỏa cái tốt, tạo ra đồng thuận xã hội, tạo niềm tin xã hội vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước, niềm tin vào chế độ. Niềm tin xã hội là một sức mạnh, làm mất niềm tin xã hội là làm xói mòn sức mạnh quốc gia.

Báo chí cũng phải nói cái xấu, phê bình cái xấu trong xã hội. Tỷ lệ tin bài loại này dưới 10% thì không làm xói mòn niềm tin nhưng đủ sức cảnh báo, đấu tranh với cái xấu. Tỷ lệ này mà trên 30% thì cái xấu sẽ được cảm nhận là cái chính trong xã hội.

Báo chí thì không chỉ đưa tin, mà còn là các bài phân tích, đề xuất các giải pháp, có người gọi là báo chí giải pháp. Tạo ra các không gian cho người dân, chuyên gia tham gia tranh luận, tìm kiếm giải pháp, chính sách để phát triển đất nước. Đây sẽ là đóng góp mới của báo chí.

Tỷ lệ các bài về tuyên truyền chính sách chưa cao. Tin tức về giải trí đang là cao nhất. Nếu người dân không biết, không hiểu chính sách của Đảng và Chính phủ thì người dân không làm, hoặc làm nhưng không đúng.

Chính sách mà không được giải thích, không đến được mọi người dân thì làm sao mà chính sách thành công được. Rồi còn truyền thông pháp luật, truyền thông vì các lợi ích công cộng, truyền thông ứng phó, thích nghi với các tình huống khẩn cấp, truyền thông dịch vụ công của chính phủ, truyền thông hình ảnh quốc gia, bộ ngành, địa phương... Còn nhiều truyền thông mà chúng ta chưa làm. Báo chí cũng phải nhận lỗi việc này.

Đại hội XIII của Đảng lần đầu tiên nói đến khát vọng Việt Nam. Khát vọng hùng cường thịnh vượng, trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào giữa thế kỷ XXI. Báo chí hãy nhận lấy một sứ mệnh mới, đó là khơi dậy khát vọng phát triển Việt Nam, biến khát vọng này thành sức mạnh tinh thần để xây dựng đất nước.

Báo chí là một phương tiện truyền thông, còn công tác truyền thông là việc của chính quyền các cấp

Công tác truyền thông bao gồm việc đưa thông tin gì ra cho báo chí, sử dụng phương tiện truyền thông nào, tức là lập kế hoạch truyền thông và bố trí ngân sách cho truyền thông.

Từ trước đến nay vẫn có sự nhầm lẫn là báo chí làm công tác truyền thông và vì thế chính quyền các cấp không làm công việc này. Do vậy mà hay xảy ra khủng hoảng truyền thông của các cấp chính quyền. Báo chí khi làm tuyên truyền thì thiếu thông tin từ chính quyền, cũng thiếu cả việc đặt hàng từ chính quyền. Tức là, báo chí thiếu cả thông tin và ngân sách để làm tuyên truyền.

Báo chí cách mạng thì cách mạng phải nuôi

Các báo đài chưa tự chủ tài chính thì được chính quyền các cấp bố trí ngân sách. Nhưng những báo đài lớn, có ảnh hưởng lớn tới xã hội, đang tự chủ tài chính thì lại không có tiền thường xuyên từ ngân sách, cũng không có đặt hàng từ ngân sách. Các báo đài này đang dựa trên thị trường gần như 100% và dễ có xu thế trở thành báo chí thị trường.

Nếu gộp lại cả báo đài tự chủ và chưa tự chủ tài chính thì ngân sách nhà nước chỉ chiếm 23% tổng thu của báo đài, 77% còn lại là do báo đài thu từ dịch vụ. Tức là, cái dạ dày của báo chí đang được thị trường nuôi tới 77%.

Vấn đề hiện nay là phần thu dịch vụ của báo chí, nhất là từ quảng cáo ngày càng bị mất vào tay các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới. 80% quảng cáo trực tuyến đã mất vào tay các nền tảng này. Báo chí của chúng ta chỉ còn 20%. Nếu xét toàn bộ thị trường quảng cáo trên các loại phương tiện truyền thông thì báo chí của chúng ta chỉ còn 40%. Nguồn thu đang bị suy giảm mạnh (hàng chục ngàn tỷ đồng), báo chí đang rất khó khăn, vì thế mà cần hơn nữa đặt hàng từ nhà nước.

Trước đây, chúng ta quan niệm làm báo thì chỉ cần cây bút, tờ giấy, do vậy không cần đầu tư nhiều cho các cơ quan báo chí, có chăng thì cho cái nhà. Đến nay, điều này không còn đúng nữa, không có công nghệ là không thể làm báo. Làm truyền hình thì còn cần đầu tư công nghệ nhiều hơn nữa. Mạng xã hội, nền tảng số đang lấn sân báo chí chính là do họ mạnh về công nghệ. Tụt hậu về công nghệ là không thể giữ được người đọc, là mất báo chí cách mạng. Bởi vậy, các cơ quan chủ quản báo chí phải quan tâm đầu tư đổi mới công nghệ cho các cơ quan báo chí.

Chiến lược Chuyển đổi số báo chí mà Thủ tướng Chính phủ sắp phê duyệt là để hiện thực hoá Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về báo chí hiện đại, chuyên nghiệp và nhân văn.

Công nghệ số ảnh hưởng đầu tiên và mạnh mẽ nhất là tới lĩnh vực truyền thông, nó phá huỷ mô hình truyền thông truyền thống. Báo chí muốn tồn tại được thì phải chuyển đổi số, phải trở thành một tổ chức công nghệ. Công nghệ phải chiếm tới 30% hoạt động của một cơ quan báo chí. Đã đến lúc phải đầu tư mạnh mẽ công nghệ cho các báo đài để giữ vững trận địa. Hiện nay, mỗi năm đầu tư cho báo chí là chưa đến 0,2% tổng chi đầu tư của ngân sách, là mức rất thấp, khoảng trên 1.000 tỷ đồng.

Công tác truyền thông là một việc, một chức năng của chính quyền các cấp. Không những vậy, trong thời đại truyền thông xã hội, khi ai cũng có thể là tờ báo, là đài truyền hình thì công tác truyền thông là một việc, một chức năng rất quan trọng của chính quyền. Chính quyền các cấp phải có bộ phận chuyên trách làm công tác truyền thông. Bộ phận này có thể đứng riêng, có thể đưa về một Vụ, một Sở. Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tại các địa phương là làm quản lý nhà nước về báo chí, chứ không phải làm công tác truyền thông. Tỉnh muốn giao chức năng này về Sở TT&TT thì phải bổ sung chức năng, nhân lực, vật lực để làm. Người phụ trách công tác truyền thông của các bộ ngành, địa phương ít nhất cũng phải cấp Phó Vụ trưởng, Phó giám đốc Sở thì mới có thể hoàn thành nhiệm vụ.

Vì công tác truyền thông là một chức năng của chính quyền các cấp, vậy nên truyền thông phải là một mục trong chi phí. Chính quyền các cấp phải có ngân sách dành riêng cho truyền thông, cả chi thường xuyên và chi đầu tư.

Tăng ngân sách cho truyền thông, cả chi thường xuyên và đầu tư trong lúc này là rất cần thiết để báo chí cách mạng nâng cao năng lực cạnh tranh, cả về hạ tầng công nghệ và nhân lực, sẽ giúp báo chí hoàn thành được nhiệm vụ tạo nên đồng thuận xã hội, niềm tin và khát vọng Việt Nam. Đầu tư cho báo chí, truyền thông sẽ là đầu tư hiệu quả nhất. Vì nó tạo ra sức mạnh của nhận thức, sức mạnh của tinh thần.

Nguyễn Mạnh Hùng

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

BBT

More
 
 
 
LIÊN KẾT WEBSITE
 

Địa chỉ liên hệ
SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG QUẢNG TRỊ
Điện thoại: (0233) 3575155 - Fax: (0233) 3554711
Email: sotttt@quangtri.gov.vn
Địa chỉ: 51 Trần Hưng Đạo, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Tường, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị
Đơn vị vận hành: Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị (Ghi rõ nguồn “https://sotttt.quangtri.gov.vn/” khi phát hành lại thông tin từ trang web này)