Chi tiết tin - Sở Thông tin và Truyền thông

 
LƯỢT TRUY CẬP

Đang truy cập: 2

Hôm nay: 592

Tổng lượt truy cập: 1.434.663

Tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Trị

Ngày cập nhật: 21/11/2022 09:18:41

Đề án “Tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025” nhằm trang bị kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số để hoàn thành Chương trình giáo dục Mầm non và Chương trình giáo dục Tiểu học, tạo tiền đề để các em học tập, lĩnh hội chương trình giáo dục một cách tốt nhất.

Tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng núi - Ảnh: Internet

Theo Báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, Giai đoạn 1 thực hiện Đề án “Tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025” theo Kế hoạch số 5171/KH-UBND ngày 05/12/2016 của UBND tỉnh, toàn ngành đã chú trọng việc tăng cường tiếng Việt thông qua việc tăng thời lượng dạy học; tổ chức nhiều sân chơi, khuyến khích học sinh tham gia các hoạt động tập thể và ưu tiên cho lớp 1; chất lượng dạy học, chất lượng giáo dục các đơn vị trường vùng khó, vùng có học sinh dân tộc thiểu số ngày càng thu hẹp khoảng cách với giáo dục vùng đồng bằng. Nhiều học sinh dân tộc thiểu số có kỹ năng, năng lực, được khẳng định thông qua các hoạt động, ngày hội giao lưu tiếng Việt cấp trường, cấp cụm, cấp huyện, cấp tỉnh. 100% các trường tổ chức làm đồ dùng dạy học; khuyến khích các giáo viên làm đồ dùng dạy học bằng các nguyên vật liệu sẵn có ở địa phương, trang trí không gian lớp học theo chủ đề, chủ điểm, trưng bày sản phẩm của trẻ, của HS trong lớp học như tranh ảnh, bức tường từ vựng, ... Tính đến năm 2020, sau 04 năm thực hiện Đề án, các huyện, thị xã, thành phố đã duy trì vững chắc kết quả đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, 100% trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non và học 2 buổi/ngày. Công tác phổ cập giáo dục tiểu học đã có bước tiến mới, năm 2018 và năm 2019, tỉnh Quảng Trị đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,9%; học sinh 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt tỷ lệ 99,66%; 100% học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số được đến trường, 100% học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày hoặc 7 buổi/tuần; 99% học sinh dân tộc thiểu số hoàn thành chương trình lớp học.

Môi trường sư phạm vùng núi được cải thiện rõ nét; hệ thống trường, lớp, cơ sở vật chất điểm trường chính, đặc biệt là các điểm trường lẻ ngày càng được quan tâm đầu tư đầy đủ, khang trang và đạt chuẩn. Một số địa phương như huyện Đakrông đã quan tâm công tác xây dựng hoạt động tại các điểm trường lẻ, chọn đây là hoạt động điểm nhấn của ngành với các tiêu chí đánh giá hoạt động rõ ràng, cụ thể. Chính điều này đã tạo động lực giúp cán bộ quản lý và giáo viên tích cực đổi mới phương pháp dạy học, thay đổi cảnh quan môi trường sư phạm, học sinh được tăng cường tiếng Việt nhiều hơn, tạo nên sự khởi sắc cho các đơn vị trường học có học sinh dân tộc thiểu số.

Từ những kết quả đạt được của Đề án giai đoạn 1, UBND tỉnh đã ban hành Đề án “Tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025” trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2. Đề án giai đoạn 2 hướng đến mục tiêu cao hơn trong công tác tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số, với mục tiêu cụ thể đến năm 2025 huy động được 99,9% học sinh người dân tộc thiểu số trong độ tuổi tiểu học được đến trường; 100% học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số được tăng cường tiếng Việt trước khi vào lớp 1; 100% học sinh người dân tộc thiểu số được tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi và đạt được các mức yêu cầu cần đạt của môn học theo từng lớp học; 100% học sinh được đọc sách, truyện và có thói quen đọc sách ngay từ nhỏ để phục vụ cho công tác học tập và tự học tập suốt đời.

Để góp phần đưa Đề án giai đoạn 2 mang lại hiệu quả, các cấp và các ngành cần cân đối, bố trí, lồng ghép các nguồn lực để thực hiện Đề án theo hướng tranh thủ các nguồn kinh phí, sử dụng tối ưu kinh phí tự chủ, tận dụng các điều kiện hiện có của địa phương. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường đầu tư, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi, tài liệu học liệu về tăng cường tiếng Việt. Mua sắm, cung cấp bộ tài liệu tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non và học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn và các tài liệu khác có liên quan cho tất cả cán bộ quản lý, giáo viên đang giảng dạy ở vùng dân tộc thiểu số. Đồng thời, chú trọng công tác bồi dưỡng đội ngũ, tăng cường tập huấn thực hành, bồi dưỡng phương pháp và kỹ năng tổ chức các hoạt động tăng cường tiếng Việt cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, đảm bảo đến năm 2025, 100% cán bộ quản lý, giáo viên các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học vùng có trẻ em mầm non và học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số được bồi dưỡng kỹ năng công tác quản lí, phương pháp, kỹ năng tổ chức các hoạt động tăng cường tiếng Việt; bồi dưỡng và tự bồi dưỡng tiếng Bru - Vân Kiều phục vụ công tác quản lý và dạy học.

                                                                                      VĨNH LONG

More
 
 
 
LIÊN KẾT WEBSITE
 

Địa chỉ liên hệ
SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG QUẢNG TRỊ
Điện thoại: (0233) 3575155 - Fax: (0233) 3554711
Email: sotttt@quangtri.gov.vn
Địa chỉ: 51 Trần Hưng Đạo, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Tường, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị
Đơn vị vận hành: Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị (Ghi rõ nguồn “https://sotttt.quangtri.gov.vn/” khi phát hành lại thông tin từ trang web này)