Chi tiết tin - Sở Thông tin và Truyền thông

 
LƯỢT TRUY CẬP

Đang truy cập: 13

Hôm nay: 1080

Tổng lượt truy cập: 1.459.907

Nỗ lực gìn giữ các làn điệu dân ca

Ngày cập nhật: 21/10/2024 14:27:34

Dân ca được coi là một trong những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Vân Kiều -Pa Kô, huyện Hướng Hóa. Trải qua thời gian, việc tiếp cận với nhiều nền văn hóa vùng miền những làn điệu dân ca ngày càng ít được thực hành và phổ biến, cùng với đó việc bảo tồn văn hóa ở địa phương gặp nhiều khó khăn và có phần mai một.

Anh Mang đang hát giao lưu trong dịp lễ hội Mừng lúa mới

Trăn trở với tình hình đó, anh Hồ Văn Mang ở khóm 6, thị trấn Khe Sanh đã tích cực nghiên cứu, luyện tập, đồng thời tìm hiểu các phương pháp truyền dạy với quyết tâm gìn giữ những làn điệu dân ca của dân tộc mình. Anh Mang bắt đầu học hát từ thời trai trẻ, khi mới bắt đầu học, anh tập sáng tác lời, sau đó học cách lấy giọng để hát, phát âm, giai điệu, đồng thời học hỏi thêm từ các nghệ nhân, các già làng lớn tuổi trong bản, từ đó anh tự tìm tòi, học hỏi và sáng tác thêm những bài dân ca của riêng mình. Anh tranh thủ mọi thời gian, hoàn cảnh để tập hát, khi lên nương rẫy, trong sinh hoạt gia đình hay vào những dịp trọng đại của bản làng như cúng lúa mới, đám cưới, ma chay… Là người có vốn kinh nghiệm sống, am hiểu sâu sắc về phong tục tập quán địa phương, đồng thời thành thạo một số nhạc cụ Vân Kiều như: Khèn bè, cồng chiêng, đàn môi…, anh Mang cũng hát thành thạo được các làn điệu như Tà Oải, Óat, Xa nớt,… từ đó anh có thể sáng tác các bài hát mang đậm tính nhân văn, biểu đạt tình cảm trong từng câu hát.

Trên địa bàn huyện Hướng Hóa, anh Hồ Văn Mang là một trong ít những nghệ nhân có vốn am hiểu sâu, thực hành thành thạo và đặc biệt là có thể sáng tác những bài hát dân ca phục vụ cho việc truyền dạy. Hát và sáng tác dân ca Vân Kiều đòi hỏi kỹ năng và vốn kinh nghiệm sống. Để có thể hát và chơi các loại nhạc cụ như ngày hôm nay, anh Mang phải trải qua quá trình dày công nghiên cứu và rèn luyện. Anh Mang cho biết: “Dân ca Vân Kiều có những đặc trưng riêng, mang những thanh âm của núi rừng, là tâm sự của những người con bản làng mà không nơi nào có được, chính vì thế, mong muốn của tôi muốn bảo tồn, truyền dạy những giai điệu, âm sắc đặc trưng đó đến với con cháu sau này, để văn hóa của chúng ta không bao giờ bị mai một”.

Anh Mang cho biết thêm, ngoài thời gian nương rẫy hàng ngày, cứ vào đến cuối tuần thứ bảy và chủ nhật, anh sẽ chủ động tập trung con em trong bản tại nhà văn hóa khóm để tập luyện, ca hát, để từ đó, trẻ em trong thôn bản quen dần với các làn điệu dân ca. Anh lấy việc giao lưu, ca hát làm niềm vui trong cuộc sống, giải trí sau giờ lao động, anh vừa dạy, vừa tự rèn luyện, vừa nghiên cứu học hỏi thêm, lấy cảm hứng để sáng tác, từ đó khả năng biểu diễn các loại nhạc cụ cũng như hát các làn điệu dân ca của anh ngày càng thành thạo hơn.

Để các giai điệu Vân Kiều được đi sâu và xa hơn, anh Hồ Văn Mang tìm cách kết nối những người có cùng đam mê sáng tác và ca hát trên địa bàn huyện và các huyện lân cận, chia sẻ về cách hát, sáng tác, chơi nhạc cụ cũng như niềm đam mê với dân ca, để  tình yêu, nét đẹp văn hóa dân tộc được nhiều người biết đến, từ đó nâng cao ý thức của người dân ở địa phương đối với việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị đặc sắc của văn hóa dân tộc Vân Kiều nói riêng, truyền thống văn hóa, sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung.

Ông Nguyễn Thanh Châu, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Khe Sanh cho biết: “Anh Hồ Văn Mang và các thành viên trong Câu lạc bộ Cồng chiêng hoạt động rất tích cực và sáng tạo. Đảng ủy và chính quyền thị trấn luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để khôi phục bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa các dân tộc, đặc biệt là loại hình dân ca với mong muốn lan tỏa giá trị văn hóa của đồng bào các DTTS tới cộng đồng”.

Hiện nay, anh Mang là một trong những thành viên của Câu lạc bộ Cồng chiêng Khe Sanh tham gia hoạt động sôi nổi trong các phong trào văn hóa, văn nghệ tại địa phương. Nhờ sự am hiểu, khả năng sáng tạo và kỹ năng thực hành hát dân ca, anh được mời tham gia biểu diễn tại nhiều sự kiện văn hóa cấp huyện, cấp tỉnh và khu vực miền Trung, mà gần đây nhất là sự kiện Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung được tổ chức tại Bình Định. Những nỗ lực của anh Hồ Văn Mang và những người con nơi miền biên giới nhằm góp phần bảo tồn những làn điệu dân ca, nét đặc trưng của văn hóa địa phương.

                           Bài và ảnh: TUỆ MỸ

More
 
 
 
LIÊN KẾT WEBSITE
 

Địa chỉ liên hệ
SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG QUẢNG TRỊ
Điện thoại: (0233) 3575155 - Fax: (0233) 3554711
Email: sotttt@quangtri.gov.vn
Địa chỉ: 51 Trần Hưng Đạo, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Tường, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị
Đơn vị vận hành: Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị (Ghi rõ nguồn “https://sotttt.quangtri.gov.vn/” khi phát hành lại thông tin từ trang web này)