Chi tiết tin - Sở Thông tin và Truyền thông

 
LƯỢT TRUY CẬP

Đang truy cập: 4

Hôm nay: 1516

Tổng lượt truy cập: 1.461.426

Giữ gìn nét đẹp của hò giã gạo

Ngày cập nhật: 11/10/2023 03:29:32

Hò giã gạo là loại hình nghệ thuật dân gian đầu tiên của tỉnh Quảng Trị được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL) đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Hò giã gạo tại Quảng Trị phát triển thành hình thức nghệ thuật giải trí tập thể, kết nối các cư dân nông nghiệp với nhau - Ảnh: Internet

Quảng Trị là nơi hình thành, lưu giữ và đang thực hành rất nhiều điệu hò. Việc giữ gìn và lưu truyền các điệu hò không chỉ có ý nghĩa bảo tồn bản sắc văn hóa mà còn có giá trị giáo dục về lịch sử, nguồn cội, ứng xử trong gia đình, ngoài xã hội. Quảng Trị đất đai khô cằn sỏi đá, nắng rát gió Lào, nhưng con người và dân ca, hò thì lại mượt mà, tha thiết, rung động lòng người.

Dựa trên các tiêu chí nhận diện cơ bản và tên gọi phổ biến, ở Quảng Trị có những điệu hò sau: hò giã gạo, hò ru con, hò đưa linh, hò nện, hò chèo đò, hò tập chèo, hò kéo buồm, hò đẩy nôốc, hò mái nhì, hò mái ba, hò mái đẩy, hò mái duỗi, hò mái ô, hò đập bắp, hò đạp nước, hò đập đất, hò đẵn gỗ, hò kéo gỗ, hò bài thai, bài chòi, hò cấy lúa, hò xay lúa, hò quết vôi, hò ru em, hò hô dậy, hò hụi, hò khoan, hò lơ…

Là một loại hình văn hóa phi vật thể ra đời khá sớm, hò hiện diện ở hầu khắp các làng quê ở tỉnh Quảng Trị như: làng Đại An Khê (xã Hải Thượng), làng Diên Sanh (xã Hải Thọ) huyện Hải Lăng; làng An Lưu (xã Triệu Sơn), làng Gia Độ (xã Triệu Độ), làng Ngô Xá Tây (xã Triệu Trung) huyện Triệu Phong; làng Mai Xá (xã Gio Mai), làng Hà Trung (xã Gio Châu), làng Hà Thượng (thị trấn Gio Linh) huyện Gio Linh; làng Tùng Luật (xã Vĩnh Giang), làng Lâm Cao (xã Vĩnh Lâm) huyện Vĩnh Linh, thôn Như Lệ (xã Hải Lệ) thị xã Quảng Trị... Chính sự kết tinh giữa tinh thần vươn lên và cảm xúc qua những bài hò lao động, được diễn đạt bằng giai điệu mượt mà, trau chuốt giàu sức biểu đạt, ẩn dụ đã làm nên những giá trị độc đáo của điệu hò Quảng Trị.

Với Quảng Trị, hò giã gạo không đơn thuần là một hình thức ca hát tập thể gắn với môi trường đặc thù của cư dân nông nghiệp nhằm thúc đẩy quá trình lao động, mà phát triển thành một hình thức nghệ thuật giải trí tập thể, nối kết giữa các thành viên trong một làng và liên làng. Đồng thời, từ đặc thù của một vùng đất giới tuyến, hò giã gạo còn có chức năng là một vũ khí tinh thần trong cuộc chiến bảo vệ quê hương của người dân Quảng Trị. Hò giã gạo còn là cội nguồn cho sự ra đời của nhiều giai thoại thú vị trong kho tàng văn học dân gian, gắn với trí tuệ, tình cảm, tính cách đặc thù của người dân Quảng Trị, vốn chất phác, hóm hỉnh.

Hiện nay, hò giã gạo vẫn tiếp tục đời sống của mình theo cách riêng trước những thay đổi của điều kiện văn hóa, kinh tế, xã hội. Trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay, việc giữ gìn và lưu truyền các điệu hò không chỉ có ý nghĩa bảo tồn bản sắc văn hóa mà còn có giá trị giáo dục về lịch sử, nguồn cội, ứng xử trong gia đình, ngoài xã hội và cả giá trị khai thác, phát triển du lịch.

Sau khi được Bộ VH, TT&DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, hò giã gạo không còn thuần túy là một phương thức diễn xướng dân gian của người Quảng Trị mà đã trở thành một điểm nhấn văn hóa đặc trưng của tỉnh. Vì thế, nhiệm vụ bảo tồn và phát triển di sản văn hóa phi vật thể này trong cộng đồng được đặt lên hàng đầu.

Để bảo tồn, phát huy một cách hiệu quả các làn điệu dân ca nói chung, hò giã gạo nói riêng, bên cạnh tiếp tục phát huy các giá trị hiện có, từ ý kiến phỏng vấn trong cộng đồng, một số giải pháp được đề xuất là: tìm một không gian diễn xướng mới, phù hợp để hò giã gạo có thể phát huy, lồng ghép với các làn điệu dân ca khác trong các chương trình của lễ hội truyền thống lẫn các festival hiện đại. Chú trọng hơn đến việc sử dụng hò giã gạo làm chất liệu cho các sáng tác âm nhạc, điện ảnh và chương trình nghệ thuật hiện đại…

Đặc biệt, sự tiếp cận của người dân với công nghệ số hiện nay cũng là cơ hội để đưa hò giã gạo Quảng Trị lên các kênh youtube, facebook, zalo, viber… nhằm quảng bá, lan tỏa rộng rãi. Thông qua việc quảng bá đó để khơi dậy sức sống vốn có của hò giã gạo - là di sản văn hóa phi vật thể giàu bản sắc của địa phương, tiếp tục là tài sản chung của mảnh đất, con người Quảng Trị.

                                                                     LỆ THỦY

Các tin khác
 
 
 
LIÊN KẾT WEBSITE
 

Địa chỉ liên hệ
SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG QUẢNG TRỊ
Điện thoại: (0233) 3575155 - Fax: (0233) 3554711
Email: sotttt@quangtri.gov.vn
Địa chỉ: 51 Trần Hưng Đạo, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Tường, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị
Đơn vị vận hành: Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị (Ghi rõ nguồn “https://sotttt.quangtri.gov.vn/” khi phát hành lại thông tin từ trang web này)