Chi tiết tin - Sở Thông tin và Truyền thông

 
LƯỢT TRUY CẬP

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 9

Tổng lượt truy cập: 1.448.188

Chung tay phòng, chống mua bán người vùng biên giới, dân tộc thiểu số

Ngày cập nhật: 23/10/2024 09:40:18

Mua bán người là một vấn nạn toàn cầu, đặc biệt nghiêm trọng ở các khu vực biên giới và cộng đồng dân tộc thiểu số. Tội phạm mua bán người là một trong những loại tội phạm xâm hại nghiêm trọng nhất đến quyền con người, nó không chỉ hủy hoại cuộc sống của nạn nhân mà còn tác động tích cực đến sự phát triển về kinh tế, văn hóa, trật tự, an toàn xã hội của mỗi quốc gia.

Toàn xã hội chung tay phòng, chống mua bán người

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn kiên định trong việc ghi nhận, bảo vệ và đảm bảo các quyền con người, đặc biệt là quyền lợi của phụ nữ và trẻ em. Trong suốt các giai đoạn của chương trình phòng, chống mua bán người đều huy động sự tham gia và vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, các ban, bộ, ngành và cộng đồng dân cư. Đồng thời, nhà nước cũng đã dành một nguồn lực đáng kể cho việc thực hiện các chương trình này hàng năm, nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác phòng ngừa và đấu tranh chống lại tình trạng mua bán người.

Công tác phòng, chống mua bán người được Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ triển khai quyết liệt. Ngày 30/7 hằng năm được Liên hiệp quốc lựa chọn là “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người”. Từ năm 2016, Việt Nam đã lấy ngày 30/7 là ngày “Toàn dân phòng, chống mua bán người” nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi loại tội phạm này.

Theo số liệu của Ban Chỉ đạo 138/CP, trong 10 năm (từ năm 2014 đến năm 2023), cả nước phát hiện, điều tra khoảng trên 2.400 vụ mua bán  người/3.800 đối tượng, 5.700 nạn nhân. 10 năm qua, tình hình tội phạm mua bán người có xu hướng giảm đáng kể về số lượng vụ mua bán người, số đối tượng và số nạn nhân qua các năm. Tỷ lệ trung bình của tội phạm mua bán người vào khoảng 240 vụ/380 đối tượng/570 nạn nhân/1 năm.

Ngày 09/02/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 193/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Trong đó đặt ra: Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn dân; xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong phòng, chống mua bán người; huy động nguồn lực trong nước, sự ủng hộ, hỗ trợ của các nước, tổ chức quốc tế và các tổ chức có liên quan. Theo đó, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn theo quy định của pháp luật chủ động tham mưu, xây dựng, ban hành kế hoạch, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình, cụ thể như: Bộ Công an là cơ quan thường trực giúp Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ tổ chức kiểm tra, đôn đốc, định kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình. Bộ Quốc phòng chủ trì thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người tại địa bàn biên giới, cửa khẩu, biển, hải đảo và các khu vực thuộc trách nhiệm quản lý. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân; củng cố, phát triển, cải thiện chất lượng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán thuộc trách nhiệm quản lý. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền phòng, chống mua bán người trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội và hệ thống thông tin cơ sở. Bộ Ngoại giao chủ trì, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xây dựng chủ trương, chính sách về các vấn đề di cư quốc tế.

Có thể thấy, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong phòng, chống mua bán người là yếu tố quyết định trong cuộc chiến chống lại vấn nạn này. Chỉ khi mọi cấp từ Trung ương, địa phương đến các tổ chức xã hội cùng chung tay, chúng ta mới có thể tạo ra một môi trường an toàn và bảo vệ quyền lợi cho mọi người dân. Sự đồng lòng và nỗ lực liên tục sẽ giúp giảm thiểu tình trạng mua bán người, góp phần xây dựng một xã hội công bằng và văn minh.

Nỗ lực của Việt Nam trong phòng, chống mua bán người

Nước ta là một trong những quốc gia sớm ký kết, tham gia các công ước, nghị định thư của Liên hợp quốc; thỏa thuận, tuyên  bố, bản ghi nhớ của ASEAN, các nước trong khu vực; Hiệp định, thỏa thuận hợp tác với các nước có liên quan về phòng, chống mua bán người. Chính sự tham gia vào các điều ước này đòi hỏi chúng ta không chỉ nâng cao nhận thức và hợp tác quốc tế mà còn phải mạnh mẽ thực thi luật pháp quốc gia, điều chỉnh chúng để phù hợp với các tiêu chuẩn của quốc tế.

Ngày 29/3/2011, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật Phòng, chống mua bán người. Ngày 29/11/2011, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định số 2549/2011/QĐ-CTN về việc phê chuẩn Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; Quyết định số 2550/2011/QĐ-CTN về việc gia nhập Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội phạm buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Ngày 18/4/2013, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định số 605/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Ngày 13/12/2016, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định số 2674/QĐ-CTN về việc phê chuẩn Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Việt Nam đã tiến hành  nhiều thay đổi quan trọng trong khung pháp lý của mình, đồng thời tăng cường sự hợp tác song phương, đa phương trong phòng, chống tội phạm mua bán người. Các bước này không chỉ thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc thực thi các điều ước quốc tế mà còn phản ánh sự nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc xây dựng một hệ thống pháp luật mạnh mẽ để bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất. Việt Nam đã sửa đổi Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) và ban hành các văn bản pháp luật có liên quan để bổ sung quy định về tội mua bán người theo hướng phù hợp hơn với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Có thể nói, trong cuộc chiến chống lại tội phạm mua bán người, Việt Nam đã chứng minh nỗ lực của mình bằng những cam kết mạnh mẽ thông qua việc áp dụng điều ước quốc tế, tăng cường hợp tác quốc tế, các hoạt động nâng cao nhận thức của người dân về tội phạm mua bán người.

Ở tỉnh ta, mặc dù hoạt động của tội phạm mua bán người không có những diễn biến phức tạp như nhiều địa phương khác, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp, lợi dụng những sơ hở trong công tác quản lý nhà  nước, sự nhẹ dạ cả tin và nhu cầu mong muốn tìm việc làm chính đáng của người dân nên các đối tượng đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm dụ dỗ, lôi kéo, lừa đảo công dân Việt  Nam xuất cảnh sang Lào. Phương thức chủ yếu của bọn chúng là lợi dụng mạng xã hội, dùng bẫy “việc nhẹ, lương cao” lôi kéo các nạn nhân từ nhiều tỉnh, thành khác đến khu vực biên giới thuộc địa phận tỉnh Quảng Trị, đưa nạn nhân xuất cảnh sang Lào. Tại đây, các đối tượng thu giữ giấy tờ, hộ chiếu của các nạn nhân sau đó đưa vào khu vực “Tam giác vàng” (thuộc tỉnh Bokeo, Lào) để cưỡng bức lao động, cưỡng bức tình dục hoặc huấn luyện các phương thức, thủ đoạn để vận hành các đường dây lừa đảo công nghệ cao. Một số nạn nhân bị các đối tượng đưa sang Thái Lan, Myanmar để bán nội tạng.

Phòng, chống mua bán người là một nhiệm vụ cấp bách và cần sự chung tay của toàn xã hội. Chỉ khi nâng cao nhận thức, cải thiện đời sống và củng cố hệ thống pháp luật, chúng ta mới có thể tạo ra một môi trường an toàn cho người dân, đặc biệt là các cộng đồng dân tộc thiểu số ở vùng biên giới. Sự đồng lòng và quyết tâm của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng sẽ là nền tảng vững chắc trong cuộc chiến này.

              Bài và ảnh: NHƯ QUỲNH

Các tin khác
 
 
 
LIÊN KẾT WEBSITE
 

Địa chỉ liên hệ
SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG QUẢNG TRỊ
Điện thoại: (0233) 3575155 - Fax: (0233) 3554711
Email: sotttt@quangtri.gov.vn
Địa chỉ: 51 Trần Hưng Đạo, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Tường, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị
Đơn vị vận hành: Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị (Ghi rõ nguồn “https://sotttt.quangtri.gov.vn/” khi phát hành lại thông tin từ trang web này)