Chi tiết tin - Sở Thông tin và Truyền thông

 
LƯỢT TRUY CẬP

Đang truy cập: 2

Hôm nay: 142

Tổng lượt truy cập: 1.466.276

Ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Trị: Tuyên truyền nâng cao nhận thức về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số giai đoạn 2021 -2025, định hướng đến năm 2030

Ngày cập nhật: 29/03/2022 09:45:05

Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 749/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, giáo dục là lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số thứ 2 sau lĩnh vực y tế, điều đó cho thấy chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục đóng vai trò hết sức quan trọng không chỉ đối với ngành mà còn tác động rất lớn đối với đất nước.

Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục và đào tạo đối với công tác chuyển đổi số,  xây dựng hệ thống giáo dục thông minh, cải thiện chất lượng dịch vụ hành chính công, sự nghiệp công; giảm thiểu phiền hà, giảm tối đa thời gian, tiết kiệm chi phí của người dân và doanh nghiệp khi giải quyết thủ tục hành chính góp phần xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, ngày 09/9/2021, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Quảng Trị đã ban hành Kế hoạch số 1876/KH-SGDĐT về tuyên truyền nâng cao nhận thức về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số giai đoạn 2021 -2025, định hướng đến năm 2030 của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Trị.

Giáo viên và học sinh Trường THCS Hiếu Giang (thành phố Đông Hà) trong buổi Đại hội Chi đội trực tuyến

Mục đích của Kế hoạch nhằm tuyên truyền, quán triệt, triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Sở GD-ĐT về công tác chuyển đổi số; tăng cường sự chủ động của các cơ quan, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh (sau đây gọi là các đơn vị) và toàn xã hội trong việc thực hiện và phối hợp thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các đơn vị và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành GD-ĐT đối với công tác chuyển đổi số, xây dựng hệ thống giáo dục thông minh, cải thiện chất lượng dịch vụ hành chính công, sự nghiệp công, giảm thiểu phiền hà, giảm tối đa thời gian, tiết kiệm chi phí của người dân và doanh nghiệp khi giải quyết thủ tục hành chính, góp phần xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Kế hoạch số 1876/KH-SGDĐT tập trung triển khai các nội dung sau:

Một là, chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là yêu cầu tất yếu khách quan, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của ngành GD-ĐT. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc ngành GD-ĐT phải là lực lượng đi đầu trong triển khai thực hiện, đồng thời giới thiệu đến các tổ chức, cha mẹ học sinh và doanh nghiệp cùng tham gia công cuộc chuyển đổi số ngành GD-ĐT nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Hai là, nâng cao hiệu quả sử dụng các phần mềm thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý, sử dụng của ngành GD-ĐT; phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT); phát triển hạ tầng cơ sở vật chất CNTT.

Ba là, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) toàn ngành GD-ĐT kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu từ Trung ương đến địa phương, cơ sở giáo dục và đồng bộ với các CSDL tỉnh, quốc gia, CSDL chuyên ngành khác góp phần hình thành CSDL mở quốc gia; đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân.

Bốn là, chủ trương thực hiện số hóa triệt để, sử dụng văn bản, sổ điểm điện tử... thay thế văn bản, tài liệu giấy; hoạt động chỉ đạo, điều hành, giao dịch, hội nghị, họp, tập huấn được thực hiện chủ yếu trên môi trường mạng.

Năm là, phát triển hình thức dạy -học trực tuyến qua mạng và công tác quản lý các khóa học trực tuyến đảm bảo chất lượng; thúc đẩy phát triển học liệu số phục vụ dạy -học, kiểm tra, đánh giá, tham khảo, nghiên cứu khoa học ở tất cả các cấp học, ngành học, môn học gắn với việc thẩm định nội dung, kết nối, chia sẻ học liệu giữa các cơ sở giáo dục đặc biệt là ngân hàng đề kiểm tra; hình thành kho học liệu số, học liệu mở dùng chung toàn ngành, đáp ứng nhu cầu tự học, học tập suốt đời, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền; tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học trên cơ sở áp dụng công nghệ số, khuyến khích và hỗ trợ áp dụng các mô hình GD-ĐT mới dựa trên các nền tảng số.

Sáu là, triển khai hệ thống học tập trực tuyến phục vụ công tác bồi dưỡng giáo viên; chú trọng tuyên truyền để đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo tăng cường tự học, tự bồi dưỡng nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng CNTT, an toàn thông tin cần thiết để tác nghiệp trên môi trường số, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Bảy là, tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm về chuyển đổi số nhằm tuyên truyền, trao đổi kinh nghiệm, giải đáp thắc mắc về chuyển đổi số trong ngành GD-ĐT.

Tám là, biểu dương những gương điển hình, các sáng kiến, cách làm hay trong quá trình thúc đẩy, thực hiện chuyển đổi số ngành GD-ĐT.

Ngành giáo dục những năm qua đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trước yêu cầu chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, ngành giáo dục xác định sứ mệnh tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ này, góp phần rút ngắn quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa và đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi số của tỉnh.

Bài và ảnh: THÙY LOAN

More
 
 
 
LIÊN KẾT WEBSITE
 

Địa chỉ liên hệ
SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG QUẢNG TRỊ
Điện thoại: (0233) 3575155 - Fax: (0233) 3554711
Email: sotttt@quangtri.gov.vn
Địa chỉ: 51 Trần Hưng Đạo, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Tường, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị
Đơn vị vận hành: Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị (Ghi rõ nguồn “https://sotttt.quangtri.gov.vn/” khi phát hành lại thông tin từ trang web này)