Chi tiết tin - Sở Thông tin và Truyền thông
- Home
- Tổng quan
- Tin tức - Sự kiện
- Thủ tục hành chính
- Cải cách hành chính
- Tuyền truyền CCHC
- Công tác chỉ đạo điều hành
- Cải cách chế độ công vụ
- Cải cách tài sản công
- Áp dụng ISO trong hoạt động
- Chấm điểm CCHC, hoàn thành nhiệm vụ
- Hệ thống báo cáo
- CCTC theo dõi thi hành pháp luật.
- CCTTHC thực hiện cơ chế một cửa
- CC bộ máy hành chính nhà nước
- Xây dựng và phát triển CQ điện tử, CP điện tử
- Văn bản trao đổi
- Quản lý nhà nước
- Chiến lược, QH, KH
- Đảng - Đoàn thể
- Lịch công tác
- Báo cáo tài chính
Đang truy cập: 5
Hôm nay: 626
Tổng lượt truy cập: 1.486.307
Ứng dụng công nghệ trong giáo dục lịch sử và quảng bá văn hoá
Trong những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đã thay đổi cách giáo dục truyền thống, giúp nâng cao hiệu quả giảng dạy, mang lại những trải nghiệm cho người dạy và người học. Từ việc học tập là giấy trắng bảng đen và qua những trang sách giấy, nay công nghệ đã giúp chuyển tải thông tin bài học một cách sinh động trên các thiết bị điện tử, thông qua những màn hình, máy chiếu và các thiết bị di động cá nhân. Quá trình học tập khi có sự ứng dụng của công nghệ, ứng dụng từ các nguồn tài liệu mở trực tuyến giúp học sinh có không gian trải nghiệm và khám phá, chủ động trong việc tìm hiểu và học tập trước nội dung bài ở các thời điểm khác nhau.
Cô giáo Phan Thị Hoa Lợi nhận giải thưởng cuộc thi IG 2021
Tại Quảng Trị, từ năm 2019 cuộc thi Thế hệ sáng tạo (Innovative Generation) đã góp phần khơi dậy nhiều ý tưởng công nghệ trong giới trẻ, một số ý tưởng tham dự cuộc thi được Ban tổ chức đánh giá có tính ứng dụng cao trong thực tiễn. Cuộc thi Thế hệ sáng tạo (IG) do Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ, Tỉnh Đoàn, Quỹ phát triển cộng đồng, Tổ chức Plan Quảng Trị, Hội Doanh nghiệp, Hội truyền thông số Việt Nam tổ chức.
Cuộc thi IG dành cho các cá nhân hoặc nhóm sinh viên và giảng viên tại các trường Cao đẳng, Đại học; nhóm học sinh, giáo viên tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Ý tưởng dự thi thuộc các lĩnh vực: Nông nghiệp chất lượng cao; năng lượng xanh, môi trường; thương mại, du lịch bền vững; công nghệ thông tin - tự động hóa; xây dựng và vật liệu mới; y dược; giáo dục, đào tạo và các lĩnh vực khác. Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2019, các thí sinh tham gia cuộc thi có cơ hội được học hỏi trong cả quá trình phát triển sản phẩm từ hình thành ý tưởng cho tới sản phẩm hoàn thiện, được tham gia các hoạt động tập huấn trực tiếp và trực tuyến trong suốt quá trình dự thi và được hỗ trợ về chuyên môn, kinh phí phát triển sản phẩm.
Tại cuộc thi IG năm 2021, đề tài “Công nghệ GIS cho giáo dục di sản” của cô giáo Phan Thị Hoa Lợi (giáo viên trường THPT Cam Lộ) đạt giải ý tưởng giáo dục 4.0; đạt giải Ba cuộc thi Innovative Generation 2021. Đây là đề tài được Ban tổ chức đánh giá cao về tính ứng dụng thực tế trong giáo dục tại Quảng Trị, có quy mô và sáng tạo cao, được đầu tư kỹ lưỡng, có tính khả thi và khả năng ứng dụng rộng rãi.
Cô giáo Phan Thị Hoa Lợi cho biết, hệ thống thông tin địa lý GIS (viết tắt của cụm từ tiếng Anh Geographic Information Systems) là một công cụ tập hợp những quy trình dựa trên máy tính để lập bản đồ, lưu trữ và thao tác dữ liệu địa lý. Là giáo viên bộ môn tin học, tìm hiểu GIS từ năm 2008, tuy nhiên đến năm 2015, cô Hoa Lợi cùng với nhóm nghiên cứu (GISGROUP) mới bắt đầu thực hiện số hoá, cập nhật dữ liệu Di sản văn hóa làm cơ sở cho các ứng dụng và đã đạt giải tại cuộc thi IG 2021. Đề tài có tính ứng dụng cao về giáo dục bộ môn lịch sử và góp phần hỗ trợ cho bộ môn địa phương (đã và đang sử dụng tại cấp Tiểu học và Trung học cơ sở), đồng thời quảng bá du lịch tỉnh nhà. Đây là một quá trình thực hiện rất nhiều tâm huyết để số hoá, biên tập và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu cũng như thiết kế các ứng dụng.
Giao diện app “Di sản văn hoá Quảng Trị”
Thông qua công nghệ GIS, cô Hoa Lợi và nhóm GISGROUP đã tạo và cập nhật hệ thống dữ liệu với các video clip, hình ảnh, nội dung thuyết minh phong phú về các địa danh, di tích lịch sử, văn hoá… của tỉnh Quảng Trị. Khi đề tài được giải năm 2021, cô đã mạnh dạn giới thiệu đến hội đồng bộ môn lịch sử của nhà trường và đã được ứng dụng triển khai sau đó. Được biết, ngoài các giảng viên bộ môn lịch sử trong nhà trường, còn có rất nhiều giáo viên trong tỉnh đã quan tâm và liên hệ xin khai thác sử dụng nguồn cơ sở dữ liệu này. Mỗi giáo viên sẽ có cách ứng dụng nguồn cơ sở dữ liệu này vào quá trình giảng dạy phù hợp với phong cách và nội dung của tiết học.
Cô giáo Phan Thị Hoa Lợi chia sẻ, được dự giờ tại các buổi thao giảng bộ môn lịch sử tại trường, tiết học hôm ấy rất sôi nổi, học sinh thích thú và hứng khởi khi được tương tác nội dung bài học qua bảng thông minh. Tại tiết học, cô giáo bộ môn linh động cho phép học sinh sử dụng điện thoại để truy cập liên kết cơ sở dữ liệu qua mã QR Code. Khi thực hiện các dự án với nội dung, cơ sở dữ liệu chuyên sâu thì ứng dụng GIS sẽ thuận lợi hơn, thông tin cập nhật trên GIS sẽ được tuỳ biến cá nhân và ổn định hơn so với các hệ thống khác. Google map và Google Earth phát triển theo “chiều rộng”, thông tin được nhiều người cập nhật (nhiều nguồn) nên thông tin có thể “bị nhiễu”, và một số địa điểm di tích địa phương (tại Quảng Trị nói riêng và cả nước nói chung) không được cập nhật nên ít dữ liệu hiển thị khi tìm kiếm.
Quá trình thực hiện đề tài “Công nghệ GIS cho giáo dục di sản” phải cập nhật thông tin bản đồ theo nhiều “trường thuộc tính” như dữ liệu không gian và thuộc tính văn bản, hình ảnh, video… Khó khăn và hạn chế đối với cô giáo Hoa Lợi đó là đính thuộc tính không gian vào các thuộc tính khác. Việc lấy tọa độ không gian phải sử dụng máy định vị GPS chuyên dụng để cập nhập dữ liệu. “Thực hiện đề tài là một quá trình dài và gặp rất nhiều trắc trở, nên khi nghĩ lại, không thể tin được khối lượng công việc mà mình đã thực hiện được. Nhờ sự giúp đỡ và động viên của người thân, đồng nghiệp và học sinh đã giúp tôi hoàn thành công trình dự thi. Tôi rất trân quý và cảm ơn sự giúp đỡ, hỗ trợ đó” - Cô giáo Hoa Lợi trải lòng.
Có thể thấy, cuộc thi IG tại Quảng Trị đã góp phần truyền cảm hứng, thúc đẩy và tạo ra một thế hệ trẻ năng động, sáng tạo. Để các đề tài được đánh giá cao tại những cuộc thi như thế này ứng dụng trong đời sống, rất cần sự quan tâm và hỗ trợ tích cực của các cơ quan ban, ngành nhằm giúp hoàn thiện và đưa đề tài ứng dụng rộng trong thực tiễn. Chia sẻ về vấn đề này, ông Phan Tuấn Anh, Phó Trưởng Phòng Quản lý công nghệ và Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ (thành viên Ban tổ chức cuộc thi IG năm 2021) cho biết: Trong cuộc thi, Ban tổ chức đã tạo điều kiện hết sức để hoàn thiện các đề tài được đánh giá cao, và sau cuộc thi sẽ tiếp tục tìm các nguồn hỗ trợ cũng như tư vấn chuyên môn để có thể tiếp tục phát triển và nhân rộng các ý tưởng/đề tài đạt giải nhằm hiện thực hóa ý tưởng và đưa vào ứng dụng trong thực tiễn. Đồng thời hỗ trợ tích cực về hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của các đề tài tham dự cuộc thi. Với những đề tài ứng dụng công nghệ trong giáo dục, cần phải hướng đến việc phát triển ở hình thức “Mobile apps” (ứng dụng trên thiết bị di động), vì đây là một trong những xu hướng tương lai của giáo dục. Ứng dụng trên thiết bị di động được thiết kế tốt, sẽ học hỏi và tự hoàn thiện từ chính người dùng, vì vậy có thể điều chỉnh nội dung bài học phù hợp với cách học và trình độ của mỗi người.
Đầu năm 2022, ông Phan Tuấn Anh, Phó Trưởng Phòng Quản lý công nghệ và Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ giới thiệu ra mắt ứng dụng “Di sản văn hóa Quảng Trị” sử dụng qua thiết bị di động chạy hệ điều hành Android. Truy cập ứng dụng, người dùng sẽ được trang bị đầy đủ những thông tin để “tham quan” Di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị và những địa điểm liên quan đến sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ năm 1972 và các di tích lịch sử văn hóa tại khu vực lân cận. Sản phẩm này ra đời từ đề tài khoa học “Nghiên cứu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972, góp phần hỗ trợ phát triển du lịch Quảng Trị” của nhóm tác giả thuộc Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh phối hợp thực hiện.
Khi trải nghiệm ứng dụng “Di sản văn hóa Quảng Trị”, người xem có thể ghé thăm các di sản văn hóa thuận lợi thông qua các hình ảnh thực tế, hình ảnh và video 3D, video UAV cùng các tư liệu về văn hóa, lịch sử... Mục đích ban đầu của ứng dụng hỗ trợ phục vụ du lịch tại địa phương. Tuy nhiên, cơ sở dữ liệu mà nhóm nghiên cứu thu thập được còn hỗ trợ hữu ích trong công tác quản lý tại các cơ quan thuộc lĩnh vực văn hóa và du lịch, và đồng thời đây cũng là một công cụ sinh động hỗ trợ trong giáo dục địa phương khi được áp dụng rộng rãi tại các trường học.
Để ứng dụng công nghệ trong giáo dục, ngoài việc phải có trang thiết bị hỗ trợ dạy học như máy chiếu Projector, hệ thống mạng, Smart board… còn cần phải có cơ sở dữ liệu giá trị chuyên sâu để tra cứu, giảng dạy và học tập. Hệ thống cơ sở dữ liệu từ “Công nghệ GIS cho giáo dục di sản” và “Di sản văn hóa Quảng Trị” là một trong những nguồn dữ liệu sinh động và đa dạng đem lại nhiều ứng dụng thực tế trong công tác giáo dục tại địa phương. Đây cũng là công cụ góp phần chuyển đổi số cho ngành giáo dục.
Với sự hiểu biết về GIS, cô giáo Phan Thị Hoa Lợi đã tận tâm hướng dẫn học sinh dự thi và đạt giải cao tại các hội thi sáng tạo trẻ cấp tỉnh và trung ương. Năm 2015, hướng dẫn em Nguyễn Thị Thuỳ Trang và Nguyễn Thị Mai Thi (Trường THPT Cam Lộ) đạt giải Nhì Cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học cấp tỉnh với đề tài “Giáo dục lịch sử thông qua việc khám phá hệ thống di tích lịch sử danh lam thắng cảnh tỉnh Quảng Trị bằng công nghệ GIS”, đạt thành tích xuất sắc trong cuộc thi KHKT cấp Quốc gia khu vực phía Bắc; em Nguyễn Phan Minh Hiển và Hoàng Thảo Quyên đạt giải Nhất tại Cuộc thi KHKT học sinh trung học cấp tỉnh năm học 2021-2022 với đề tài “Ứng dụng công nghệ 4.0 trong dạy học, giáo dục và trải nghiệm”.
Trong thời gian tới, cô giáo Hoa Lợi cho biết mong muốn xây dựng được cơ sở dữ liệu 3D cho mỗi điểm di tích, ứng dụng được công nghệ VR, AR. Tuy nhiên còn thiếu rất nhiều về mảng nhân sự, thiết bị, kỹ thuật và kinh phí. Vì thế rất mong được sự hỗ trợ của các cấp có thẩm quyền, giúp cho đề tài được hoàn thiện hơn và được ứng dụng rộng rãi trong công tác giáo dục. “Dự án là quá trình lâu dài, chưa dừng tại đây”.
Bài và ảnh: HỒ THANH THỌ
- Hướng dẫn Chuyển đổi số trong ngành du lịch - Chuyển đổi nhận thức và thống nhất hành động (27/10/2022)
- Ứng dụng VNeID cung cấp các tiện ích thay thế các giấy tờ truyền thống (25/10/2022)
- Tổ chức Tuần lễ Số Quốc tế Việt Nam 2022 (25/10/2022)
- Tăng cường quản lý thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số (25/10/2022)
- Sở Y tế tỉnh Quảng Trị: Ban hành Kế hoạch thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các bệnh viện và cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh (25/10/2022)
- Gắn các bảng mã QR phục vụ khách tham quan tại Di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị (14/10/2022)
- Tập huấn sử dụng thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật (14/10/2022)
- Ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” - sản phẩm mang tính chiến lược trong hệ sinh thái du lịch thông minh (11/10/2022)
- Những kết quả tích cực của Việt Nam trên đường phát triển Chính phủ số (11/10/2022)
- Ứng dụng công nghệ vào quản lý sản xuất và truy xuất nguồn gốc sản phẩm (11/10/2022)
Địa chỉ liên hệ
SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG QUẢNG TRỊ
Điện thoại: (0233) 3575155 - Fax: (0233) 3554711
Email: sotttt@quangtri.gov.vn
Địa chỉ: 51 Trần Hưng Đạo, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Tường, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị
Đơn vị vận hành: Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị (Ghi rõ nguồn “https://sotttt.quangtri.gov.vn/” khi phát hành lại thông tin từ trang web này)