Chi tiết tin - Sở Thông tin và Truyền thông

 
LƯỢT TRUY CẬP

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 666

Tổng lượt truy cập: 1.462.162

Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp: Cơ hội và thách thức

Ngày cập nhật: 18/01/2023 14:40:29

Bài 2:

Đánh thức khả năng sáng tạo của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên

Hiện nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng số cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cũng như đánh thức khả năng sáng tạo và áp dụng chuyển đổi số theo vị trí việc làm. Nhiều cán bộ, giáo viên chủ động trang bị các kỹ năng kỹ thuật số cần thiết và các đề tài, sáng kiến khoa học đưa công nghệ số vào quản lý, giảng dạy mang lại nhiều kết quả tích cực.

Cán bộ, giáo viên Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị đưa ra nhiều đề tài, sáng kiến mang lại nhiều lợi ích thiết thực từ chuyển đổi số

*“Đầu tàu” trong chuyển đổi số

Hiện nhiều cơ sở GDNN xác định rõ, đối tượng được xem là “đầu tàu” trong chuyển đổi số chính là cán bộ quản lý, giáo viên. Từ đó, tập trung phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên chuyên về phát triển các ứng dụng số, học liệu số…; khuyến khích, động viên cán bộ quản lý, giáo viên mạnh dạn nghiên cứu và xây dựng nên những đề tài, sáng kiến mang lại hiệu quả trong công tác quản lý, dạy và học từ chuyển đổi số mang tính hiệu quả cao để áp dụng rộng rãi trong thực tiễn hoạt động GDNN.

Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị có nhiều tấm gương sáng về cán bộ, giáo viên có các đề tài, sáng kiến khoa học áp dụng rộng rãi. Tiêu biểu như tấm gương nữ giáo viên Hoàng Thị Thanh Hiền với các đề tài: “Ứng dụng Google Classroom trong dạy học trực tuyến tại Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị năm 2020”, Xây dựng phần mềm quản lý thư viện Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị năm 2021… Cô giáo Thanh Hiền cho hay, cùng với sự phát triển của ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, ứng dụng CNTT trong ngành GD&ĐT đã ngày càng trở nên phổ biến, phát triển và đi vào chiều sâu, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động GD&ĐT. Đổi mới phương pháp dạy học lấy sinh viên làm trung tâm của mọi hoạt động, sinh viên chủ động khám phá kiến thức dưới sự dẫn dắt của người thầy, nên người thầy phải hướng dẫn các em cách tự học, tự nghiên cứu. Đồng thời, phải phát huy tối đa tác dụng của các phương tiện, thiết bị vào quá trình dạy học.

Sinh viên dễ dàng tìm kiếm sách, tài liệu phục vụ học tập từ sáng kiến xây dựng phần mềm quản lý thư viện trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị

Việc ứng dụng CNTT vào dạy học ở Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị thông qua máy tính, máy chiếu, email đã mang lại những hiệu quả nhất định trong công tác giảng dạy. Đề tài ứng dụng Google Classroom trong dạy học trực tuyến tại Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị là cơ sở cho việc nhà trường có kế hoạch tổ chức mô hình lớp học trực tuyến; giúp giáo viên, sinh viên có nhiều cơ hội trải nghiệm môi trường giảng dạy, học tập không phụ thuộc vào vị trí địa lý, thời gian. Hệ thống Google Classroom giúp giáo viên tiết kiệm thời gian, tổ chức, quản lý lớp học tốt hơn, đồng thời tạo điều kiện cho sinh viên tự học, tự nghiên cứu và tương tác với giáo viên một cách hiệu quả hơn. Đối với sáng kiến xây dựng phần mềm quản lý thư viện, cô giáo Thanh Hiền cho rằng, việc đưa ra sáng kiến xuất phát từ việc quản lý sách gặp nhiều khó khăn, thêm vào đó nhu cầu đọc của giáo viên, sinh viên ngày càng tăng nên nâng cao hiệu quả công tác quản lý sách trong các thư viện là điều cần thiết. Cụ thể, công việc quản lý thư viện thao tác với một dữ liệu lớn, liên quan đến nhiều người dùng, nếu chỉ quản lý thông qua sổ sách, giấy tờ (phiếu thông báo, phích tra cứu) thì không thể nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên thư viện hiện có. Đề tài Xây dựng phần mềm quản lý thư viện Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị khi được đưa vào áp dụng trong thực tiễn đã hỗ trợ tích cực cho cán bộ thư viện biên mục được hầu hết các tài liệu hiện có của trường để đưa vào kho dữ liệu phần mềm; cập nhật vào hệ thống quản lý thư viện đầy đủ các thông tin phục vụ cho hoạt động hàng ngày của thư viện như: ghi mượn, ghi trả, quản lý bạn đọc, kiểm kê, báo cáo, tìm kiếm… Phần mềm quản lý thư viện đã được thực hiện trên hệ thống mạng hỗ trợ cho cán bộ quản lý cũng như bạn đọc có thể truy cập để xem thông tin ở bất cứ nơi đâu có mạng Internet và máy tính hoặc thiết bị di động. Em Soukdavan, sinh viên Khoa Điều dưỡng cho biết: “ Trước đây, khi cần mượn sách, sinh viên mang thẻ thư viện để tại quầy kiểm tra của cán bộ thư viện, rồi vào bên trong để tìm sách cần mượn. Khi tìm được sách cần mượn, sinh viên đem sách ra quầy kiểm tra để yêu cầu mượn sách; cán bộ thư viện yêu cầu cung cấp đầy đủ thông tin khoa, lớp…, rồi mới đưa sách cho sinh viên và giữ lại thẻ thư viện. Giờ đây, với ứng dụng phần mềm quản lý thư viện được nhà trường đưa vào sử dụng, sinh viên có thể đăng nhập bằng ID và mật khẩu đã cấp, để vào tìm kiếm sách, tài liệu một cách dễ dàng, nhanh chóng và hiệu quả cao”. Đây là cơ sở cho việc nhà trường triển khai áp dụng mô hình quản lý thư viện số, giúp cho giáo viên, sinh viên có nhiều cơ hội tiếp cận kho tài liệu của nhà trường, đặt mượn trả sách từ xa, trực tuyến mà không cần phải đến thư viện, tiết kiệm thời gian, hỗ trợ sinh viên học tập tốt hơn.

*Trăn trở để cống hiến

Thầy giáo Nguyễn Hoàng Lâm Duy, Trường Trung cấp nghề GTVT Quảng Trị luôn trăn trở và nghiên cứu để làm sao truyền đạt hết các bài dạy lý thuyết cho học viên đạt kết quả cao nhất. Là một giáo viên giảng dạy các môn học lý thuyết, thầy nhận thấy về kiến thức ở môn kỹ thuật lái xe ô tô và môn học phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông khi áp dụng tích hợp liên môn có tính thực tiễn, sinh động, hấp dẫn, có ưu thế trong việc tạo ra động cơ, hứng thú học tập cho học viên, góp phần rèn luyện kỹ năng, vận dụng kiến thức, nâng cao hiệu quả trong công tác giảng dạy lý thuyết. Từ đó, thầy Lâm Duy quyết định xây dựng đề tài: “Tích hợp kiến thức liên môn trong giảng dạy môn kỹ thuật lái xe ô tô và phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông” năm 2022, chủ đề: “Lái xe ô tô trên các loại đường khác nhau”. Bằng phương pháp tích hợp liên môn trong chủ đề này, phần lớn các khó khăn của phương pháp dạy, học truyền thống được giải quyết bằng phương pháp dạy ứng dụng máy tính, máy chiếu, giáo án điện tử có cài phần mềm mô phỏng…

Việc học theo chủ đề tích hợp và vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống của thực tiễn đã làm cho buổi học thêm thoải mái, không khô cứng, bớt căng thẳng. Ai cũng có quan điểm, cái nhìn riêng của mình về một vấn đề, tạo ra nhiều ý kiến rất tốt cho buổi học. Như vậy, mọi người sẽ được học hỏi thế mạnh của nhau, bổ sung cho nhau, giúp học viên tăng cường khả năng vận dụng kiến thức tổng hợp, khả năng tự học, tự nghiên cứu của học viên. Điều này thúc đẩy việc gắn kết giữa lý thuyết và thực hành trong nhà trường với thực tiễn đời sống, đẩy mạnh việc thực hiện dạy học theo phương châm “học đi đôi với hành”; đổi mới hình thức, phương pháp học, phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên. Học viên thảo luận rất sôi nổi và nhận thức đúng đắn về ý nghĩa của việc học lái xe ô tô trên các đoạn đường khác nhau, qua đó nâng cao kỹ năng quan sát, nhận biết được những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra để xử lý kịp thời, đặc biệt là kết quả sát hạch môn phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông đạt kết quả cao. Chương trình này đã khuyến khích giáo viên sáng tạo, thực hiện dạy học theo chủ đề, chủ điểm có nội dung liên quan đến nhiều môn học và gắn liền với thực tiễn. Ngoài ra, chương trình còn góp phần đổi mới hình thức tổ chức dạy học, phương pháp dạy học và phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập. Tăng cường hiệu quả sử dụng thiết bị dạy học, tạo cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các giáo viên, học viên, từ đó mang lại những kết quả đạt được cao trong giảng dạy và học tập.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị Trương Đức Tú cho biết: Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị là cơ sở đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực cán bộ y tế có chất lượng cao. Nhà trường có đội ngũ giảng viên đạt chuẩn, nhiệt tình; môi trường học tập tốt, lấy sinh viên làm trung tâm; chú trọng đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ và trang thiết bị, máy móc hiện đại phục vụ việc dạy và học. Để nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo cho sinh viên, nhà trường khuyến khích cán bộ quản lý, giảng viên nghiên cứu đưa ra những đề tài, sáng kiến phục vụ việc quản lý, giảng dạy từ công nghệ số. Việc làm này đã được cán bộ, giảng viên tích cực hưởng ứng. Thời gian qua, có nhiều đề tài, sáng kiến áp dụng chuyển đổi số được các cấp, ngành đánh giá cao, đưa vào áp dụng rộng rãi trong quản lý, điều hành, giảng dạy, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên trong việc học tập, nghiên cứu khoa học.

Trên thực tế, nhiều cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh cũng đã có những giải pháp thiết thực trong việc khuyến khích cán bộ, giảng viên nghiên cứu đưa ra những đề tài, sáng kiến phục vụ việc quản lý, giảng dạy từ công nghệ số.

Bài và ảnh: NGUYỄN MINH ĐỨC

More
 
 
 
LIÊN KẾT WEBSITE
 

Địa chỉ liên hệ
SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG QUẢNG TRỊ
Điện thoại: (0233) 3575155 - Fax: (0233) 3554711
Email: sotttt@quangtri.gov.vn
Địa chỉ: 51 Trần Hưng Đạo, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Tường, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị
Đơn vị vận hành: Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị (Ghi rõ nguồn “https://sotttt.quangtri.gov.vn/” khi phát hành lại thông tin từ trang web này)