Chi tiết tin - Sở Thông tin và Truyền thông

 
LƯỢT TRUY CẬP

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 1460

Tổng lượt truy cập: 1.461.370

Gìn giữ bản sắc văn hóa cồng chiêng của dân tộc Vân Kiều, Pa Kô

Ngày cập nhật: 28/11/2022 14:11:15

Cồng chiêng được đồng bào các dân tộc xem như là báu vật, là biểu tượng cho quyền lực linh thiêng. Giữ hồn cồng chiêng cũng chính là gìn giữ sợi dây “thanh âm huyền bí” trong các nghi lễ truyền thống, lễ hội, sự kiện văn hóa của địa phương, gìn giữ bản sắc văn hóa của đồng bào... Do vậy, bao năm nay, đồng bào các dân tộc, đặc biệt là các nghệ nhân ở bản làng đã có trách nhiệm, bảo ban nhau giữ gìn, nâng niu trân quý cồng chiêng.

Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hướng Hóa tổ chức lớp tập huấn truyền dạy cồng chiêng của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô - Ảnh: P. LIÊN

Với cộng đồng người dân tộc Vân Kiều, Pa Kô, cồng chiêng là một báu vật vô cùng thiêng liêng, là phương tiện để cộng đồng bản làng giao lưu với nhau, đồng thời cũng chính là “sợi dây kết nối” với các đấng thần linh thiêng và những người đã khuất. Cồng chiêng đã có từ rất lâu đời và gắn bó trong mọi sinh hoạt của dân tộc Vân Kiều, Pa Kô. Dù ngày bản có chuyện vui hay hôm gia đình ai đó có chuyện buồn, lúc nhàn rỗi hay khi khó khăn, khi ông trời cho mưa gió thuận hòa hay lúc mùa rẫy bị chuột sâu bệnh phá hoại… thì tiếng cồng chiêng vẫn được cất lên theo lễ cúng của thầy mo trong bản. Vì thế cồng chiêng chính là di sản văn hóa của cộng đồng người dân tộc Vân Kiều, Pa Kô.

Văn hóa dân gian vật thể hay phi vật thể đều giữ vai trò quan trọng trong cuộc sống thường nhật của mỗi cộng đồng người. Văn hóa cồng chiêng của người Vân Kiều, Pa Kô cũng không thể ngoại lệ. Để văn hóa cồng chiêng của cộng đồng dân tộc Vân Kiều, Pa Kô “sống” được trong dòng chảy văn hóa hiện đại thì công tác truyền lại cho thế hệ sau là vô cùng quan trọng.

Hiện nay, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng đã đạt được những kết quả khích lệ. Tình trạng “chảy máu cồng chiêng” đã cơ bản được ngăn chặn, nhiều nghi thức, nghi lễ gắn với văn hóa cồng chiêng đã được phục dựng và có mặt ở nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếng cồng chiêng đã trở thành một trong những sản phẩm du lịch đặc sắc... mang đậm văn hóa, hồn cốt, cốt cách người dân vùng miền. Việc giữ gìn, phát huy văn hóa cồng chiêng nói riêng, nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung sẽ tạo không khí vui tươi, phấn khởi, động viên nhân dân thi đua lao động sản xuất, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của địa phương. Năm 2010, Câu lạc bộ cồng chiêng thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị được thành lập trên cơ sở 03 Đội cồng chiêng của 03 khóm Ka Tăng, Ka Túp và Khe Đá với 32 thành viên, trong đó có những thành viên là các vị cao tuổi dày dặn kinh nghiệm và cả những thành viên là thanh niên trẻ tuổi đã được truyền dạy để tiếp nối truyền thống.

Thời gian đi qua, cuộc sống hiện đại đang diễn ra với sự xuất hiện của nhiều loại nhạc cụ mới đã ít nhiều làm cho những người trẻ mai một với văn hóa, nhạc cụ truyền thống, song bằng niềm đam mê của mình, những lớp người cao tuổi vẫn đang kiên trì gìn giữ và truyền dạy những tiếng cồng, nhịp chiêng, điệu múa... cho thế hệ mai sau.

                                                               LỆ THỦY

More
 
 
 
LIÊN KẾT WEBSITE
 

Địa chỉ liên hệ
SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG QUẢNG TRỊ
Điện thoại: (0233) 3575155 - Fax: (0233) 3554711
Email: sotttt@quangtri.gov.vn
Địa chỉ: 51 Trần Hưng Đạo, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Tường, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị
Đơn vị vận hành: Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị (Ghi rõ nguồn “https://sotttt.quangtri.gov.vn/” khi phát hành lại thông tin từ trang web này)