Chi tiết tin - Sở Thông tin và Truyền thông

 
LƯỢT TRUY CẬP

Đang truy cập: 2

Hôm nay: 39

Tổng lượt truy cập: 1.474.606

Thành công bước đầu từ mô hình trồng thử nghiệm cây dâu tây

Ngày cập nhật: 13/09/2022 08:52:43

Dâu tây là loại cây ăn quả xuất xứ từ xứ lạnh, được trồng nhiều ở Châu Âu, Châu Á và Châu Mỹ, được thuần hóa về Việt Nam trồng ở các vùng có khí hậu mát mẻ như Đà Lạt, Sa Pa, Mộc Châu…Nhưng năm qua, Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và thông tin Khoa học và Công nghệ Quảng Trị đã tiến hành sản xuất thử nghiệm cây dâu tây ở vùng Bắc Hướng Hóa ở độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển, có khí hậu mát mẻ quanh năm.

Mô hình trồng thử nghiệm cây dâu tây ở Hướng Hóa. Ảnh: Internet

Năm 2018, Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và thông tin KH&CN Quảng Trị thực hiện dự án: “Thử nghiệm trồng cây dâu tây chịu nhiệt Fragaria tại khu vực Bắc Hướng Hóa, Quảng Trị” nhằm khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xác định một số giống dâu tây có khả năng thích nghi, xây dựng quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch dâu tây thương phẩm phù hợp điều kiện của địa phương, góp phần chuyển đổi phương thức sản xuất nông nghiệp theo hướng tiên tiến, hiện đại, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích.

Mục đích của dự án là ứng dụng thành công quy trình trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch và bảo quản dâu tây trên giá thể theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại vùng Bắc Hướng Hóa. Vùng Bắc Hướng Hóa ở độ cao trên 1.000 m có khí hậu mát mẻ, có biên độ nhiệt độ dao động giữa ngày và đêm khá lớn (8- 10 độ C), độ ẩm trung bình 83% nên rất thích hợp cho sự sinh trưởng, tăng năng suất và chất lượng quả của dâu tây. Khí hậu thích hợp cho cây dâu tây phát triển từ 18- 30 độ C. Khi bắt tay vào thực hiện dự án, trung tâm đã tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng điều kiện tự nhiên khu vực Bắc Hướng Hóa, căn cứ nhu cầu tiêu thụ của thị trường và xác định các giống dâu tây đưa vào dự án. Trung tâm cũng cử cán bộ đi tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình trồng cây dâu tây tại Đà Lạt (Lâm Đồng). Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, trung tâm tiến hành trồng thử nghiệm 3 loại dâu tây của Nhật Bản, Hàn Quốc và Newzealand với 2.500 cây trên diện tích 500 m2 bằng phương pháp sản xuất công nghệ cao. Các công nghệ áp dụng trong dự án gồm:

Công nghệ về giống, nhà kính, trang thiết bị và quy trình công nghệ trồng dâu tây. Dự án sử dụng cây giống nuôi cấy mô sạch bệnh, có độ đồng đều cao và đã được trồng phổ biến rộng rãi ở Đà Lạt, Sa Pa và những vùng có khí hậu thổ nhưỡng tương tự. Nhà kính có độ bền lâu, hiệu quả cao, dễ sử dụng rất phù hợp với quy mô sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh. Xung quanh nhà kính được bao che bằng lưới cách ly với môi trường bên ngoài để hạn chế côn trùng, sâu bệnh. Dâu tây được trồng trên chậu có giá thể đặt trên giá đỡ để tận dụng ánh sáng, tăng hiệu quả thẩm mỹ và kỹ thuật cao, giảm sâu bệnh. Hệ thống tưới nhỏ giọt tự động có hệ thống điều áp thiết kế trùng với từng gốc dâu giúp hiệu quả sử dụng nước, phân bón cao, hạn chế sự thất thoát dinh dưỡng do được tưới tại vùng rễ của cây và hạn chế rửa trôi phân bón, sự phân bố nước đồng nhất, kiểm soát dễ dàng ở đầu ra của mỗi lỗ nhỏ giọt, chi phí nhân công cho việc tưới thấp hơn so với các phương pháp tưới thông thường, duy trì bộ lá khô ráo, giảm dịch hại.

Trong quá trình trồng, khi nắng nóng có thể dùng lưới che giảm nắng, quạt thông gió, phun sương hạ nhiệt. Sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt để đảm bảo cung cấp đủ lượng nước và phân bón cần thiết cho cây. Sau 5 tháng trồng thử nghiệm, dâu tây bắt đầu cho thu hoạch với năng suất quả 1.250 kg quả tươi/500 m2 /năm. Hiện nay, quả của loại cây này đang được ưa chuộng trên thị trường. Sản phẩm dâu tây của trung tâm sản xuất ra không đủ cung cấp nhu cầu tiêu thụ tại chỗ với giá 250.000 đồng/kg. Trừ đi chi phí ban đầu và khấu hao tài sản vô hình gần 183 triệu đồng, mô hình trồng dâu tây thử nghiệm của Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và thông tin KH&CN tỉnh tại Hướng Hóa cho lãi khoảng 100 triệu đồng/500m2 /năm. Ngoài ra hằng năm, mô hình còn có thể thu hoạch ngó dâu để làm giống với giá 30.000 đồng/cây. Hiện tại, trung tâm đang tiêu thụ sản phẩm tại chỗ. Khi nhân ra diện rộng, trung tâm sẽ hỗ trợ các chủ đầu tư kết nối tiêu thụ sản phẩm tại các thị trường mở rộng hơn như các siêu thị, các HTX mua bán trong cả nước… Nhu cầu tiêu thụ dâu tây trên thị trường trong và ngoài tỉnh khá nhiều, nhưng để tiêu thụ tốt thì khâu bảo quản sản phẩm rất quan trọng vì dâu tây là loại quả phải bảo quản lạnh và dễ hỏng ở nhiệt độ thường.

Từ kết quả ban đầu này, trung tâm tiếp tục khảo nghiệm trong một thời gian nữa để khẳng định tính thích nghi của giống dâu tây đạt chất lượng và hiệu quả cao nhất. Sau đó, trung tâm sẽ chuyển giao cho đơn vị tiếp nhận quy trình công nghệ như: Quy trình trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch, bảo quản dâu tây.

Đánh giá về kết quả ban đầu của mô hình thử nghiệm trồng cây dâu tây, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và thông tin KH&CN Quảng Trị Đào Ngọc Hoàng cho biết: “Mô hình trồng thử nghiệm cây dâu tây tại Bắc Hướng Hóa cho kết quả ban đầu khá khả quan. Trung tâm sẽ tiếp tục thử nghiệm trong một thời gian nữa để khẳng định chắc chắn tính thích nghi, chất lượng sản phẩm, lựa chọn giống thích hợp để chuyển giao cho địa phương, đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu. Đây là hướng sản xuất hiệu quả và có ý nghĩa đối với sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, trong thực tế sản xuất, lợi nhuận có thể cao hơn nhiều vì nếu sản xuất với số lượng lớn sẽ tiết kiệm được chi phí đầu vào, công lao động”.

 NGỌC HƯNG

Các tin khác
 
 
 
LIÊN KẾT WEBSITE
 

Địa chỉ liên hệ
SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG QUẢNG TRỊ
Điện thoại: (0233) 3575155 - Fax: (0233) 3554711
Email: sotttt@quangtri.gov.vn
Địa chỉ: 51 Trần Hưng Đạo, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Tường, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị
Đơn vị vận hành: Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị (Ghi rõ nguồn “https://sotttt.quangtri.gov.vn/” khi phát hành lại thông tin từ trang web này)