Chi tiết tin - Sở Thông tin và Truyền thông

 
LƯỢT TRUY CẬP

Đang truy cập: 1

Hôm nay: 349

Tổng lượt truy cập: 1.437.452

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Trị đến năm 2030

Ngày cập nhật: 22/11/2022 02:40:11

Phát triển nguồn nhân lực nói chung, trong đó có nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số là một trong 3 khâu đột phá chiến lược của đất nước, đã được tiếp tục khẳng định tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đối với tỉnh Quảng Trị, trong những năm qua với sự quan tâm của Đảng và các cấp chính quyền, nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số đã có bước phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo vùng dân tộc và miền núi.

Lúa nước được đồng bào dân tộc sản xuất tại xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa - Ảnh: Trang TTĐT Hướng Hóa

Để thực hiện cụ thể hóa Nghị quyết số 52/NQ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2232/KH-UBND ngày 29/5/2017 về thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Qua 05 năm triển khai, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp của các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, công tác phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số của tỉnh Quảng Trị đã đạt được một số kết quả quan trọng.

Cụ thể, các chỉ số về nâng cao thể lực và phát triển trí lực được cải thiện đáng kể. Tỷ suất tử vong trẻ em người dân tộc thiểu số dưới 01 tuổi/l.000 trẻ đẻ sống giảm xuống còn 9% (so với chỉ tiêu của Nghị quyết số 52 đến năm 2020 giảm xuống còn 25%); tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng/tuổi ở trẻ em người dân tộc thiểu số dưới 5 tuổi là 16,89% (trong đó năm 2016 là 19,82%, chỉ tiêu của Nghị quyết số 52 đến năm 2020 giảm xuống còn 29%). Tỷ lệ phụ nữ người dân tộc thiểu số được khám thai ít nhất 3 lần trong kỳ mang thai đạt 63,42%; tỷ lệ bệnh nhân là người dân tộc thiểu số mắc sốt rét/1.000 dân là 0,61%; tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 62% (so với năm 2016 là 73% do nguyên nhân khách quan bởi vì thiên tai lũ lụt). Trình độ dân trí của vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên, trình độ chuyên môn kỹ thuật của thanh niên dân tộc thiểu số có cải thiện đáng kể. Năm học 2020 - 2021, các ngành học, cấp học từ giáo dục mầm non đến giáo dục phổ thông đều quan tâm đến việc huy động trẻ, học sinh là người dân tộc thiểu số đến trường, chất lượng hai mặt về học lực và hạnh kiểm của học sinh được nâng lên rõ rệt, hạn chế học lực kém và hạn chế được học sinh bỏ học, học sinh hạnh kiểm yếu; các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú chất lượng ngày càng được nâng cao, số lượng học sinh yếu kém giảm, loại khá giỏi tăng đáng kể. Tỷ lệ trẻ em mầm non được đến trường 93,68%, tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số đi học bậc Tiểu học đạt 98,95%; tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số đi học bậc Trung học cơ sở đạt 86,25%; tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số đi học đúng tuổi bậc Trung học phổ thông đạt 47,58%.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ được quan tâm thực hiện. Ngành Y tế đã sắp xếp bố trí cho 26 bác sỹ là người dân tộc thiểu số về công tác tại các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn vùng dân tộc miền núi. Ngoài ra, Sở Y tế đã tổ chức tập huấn cho các viên chức là người dân tộc thiểu số để nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ như: Ngoại chấn thương, Kỹ thuật Nội tổng hợp, Kỹ thuật siêu âm, sử dụng máy Siêu âm cầm tay .... Ngành giáo dục đã thường xuyên tổ chức tập huấn về kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, hội giảng, chuyên đề về kỹ năng trình bày bảng, sử dụng kỹ thuật dạy học mới kết hợp phương pháp dạy học truyền thống với phương pháp dạy học hiện đại, giúp giáo viên học tập kinh nghiệm của đồng nghiệp, duy trì tốt phong trào thi đua dạy tốt trong đội ngũ giáo viên; động viên tạo mọi điều kiện thuận lợi để cán bộ, giáo viên tự học, tham gia các lớp tập huấn để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm. Sở Nội vụ đã tổ chức bồi dưỡng cho gần 800 lượt cán bộ, công chức cấp xã là người dân tộc thiểu số. Các ngành, địa phương đã chủ động phối hợp để hướng dẫn thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số. Kết quả giai đoạn 2016-2020 đã triển khai hỗ trợ đào tạo nghề cho 34.381 lao động nông thôn (trong đó, hỗ trợ đào tạo cho 3006 người là đồng bào dân tộc thiểu số); kinh phí hỗ trợ 67.678 triệu đồng. Nội dung tập trung đào tạo các nghề như: kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm; kỹ thuật nuôi lợn Vân Pa; kỹ thuật sản xuất men rượu; kỹ thuật sản xuất chổi đót; kỹ thuật xây dựng, dệt thổ cẩm; kỹ thuật làm hương... nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh tăng từ 34% năm 2016 lên 47% năm 2020.

Đánh giá chung việc thực hiện chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số, tỉnh đã có nhiều chủ trương, giải pháp và tập trung nhiều nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đã đạt được một số kết quả quan trọng; kinh tế - xã hội ở địa bàn miền núi không ngừng phát triển, tỷ lệ hộ nghèo, thất nghiệp, thiếu việc làm giảm dần; trình độ dân trí, chất lượng nguồn lao động, chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ngày càng được nâng lên; chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học từng bước được nâng cao; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi ra lớp cơ bản đạt theo chỉ tiêu đề ra; tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng/tuổi ở trẻ em người dân tộc thiểu số dưới 5 tuổi đã giảm còn 16,89%; chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số ngày càng được nâng cao cả về số lượng và chất lượng; công tác đào tạo nghề bước đầu mang lại hiệu quả; kiến thức sản xuất, trình độ học vấn, hiểu biết pháp luật của người dân được trau dồi, điều kiện chăm sóc sức khỏe ngày càng tốt hơn; an sinh xã hội được đảm bảo, tình hình chính trị, quốc phòng an ninh được giữ vững, đời sống nhân dân được ổn định và từng bước hoàn thành công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, bên cạnh những thành tựu đạt được, nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Trị còn bộc lộ một số hạn chế như: Lao động dân tộc thiểu số chủ yếu tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp, tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, qua đào tạo thấp, công tác đào tạo nghề đối với vùng dân tộc thiểu số chưa gắn kết chặt chẽ với việc làm; thông tin thị trường tuyển dụng lao động cũng như trong tiêu thụ sản phẩm ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn hạn chế, bên cạnh đó nhiều hộ gia đình đồng bào còn tự ty, chưa phát huy hết nội lực của gia đình và tiềm năng của địa phương; số lượng, cơ cấu và chất lượng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số chưa theo kịp sự phát triển và yêu cầu thực tiễn; nhận thức của một số địa phương về phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số chưa đúng mức; một số chỉ tiêu đã được xác định chưa đạt theo kế hoạch đề ra...

Những hạn chế, yếu kém nêu trên một phần xuất phát bởi nguyên nhân do đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu sinh sống ở miền núi, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn, vùng thường xảy ra thiên tai, có xuất phát điểm thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, khả năng tiếp cận với với các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo còn nhiều hạn chế, còn tồn tại một số phong tục, tập quán không còn phù hợp. Quảng Trị vẫn còn là tỉnh khó khăn so với mặt bằng chung của khu vực và cả nước, các chính sách trực tiếp và gián tiếp liên quan đến phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, chưa đủ nguồn lực để phát triển.

Ngày 04/3/2022, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 1403/VPCP-KGVX thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ đạo các bộ, ban ngành, địa phương tiếp tục chủ động, nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 52/NQ-CP. UBND tỉnh đã có Công văn số 1085/UBND-KT ngày 18/3/2022 về việc đôn đốc các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 52/NQ-CP để bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ đã đề ra. Qua đó, những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tỉnh Quảng Trị xác định cần thực hiện cụ thể trong thời gian tới đó là:

Tiếp tục hoàn thiện các thể chế, chính sách về hoạt động giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là cơ chế tài chính bảo đảm lợi ích của người dạy nghề, người học nghề; chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập đẩy mạnh công tác xoá đói giảm nghèo cho lao động nông thôn; đặc biệt có nhiều ưu tiên đối với đồng bào các dân tộc vùng cao, vùng sâu, vùng xa, các xã đặc biệt khó khăn thông qua các hình thức hỗ trợ vốn, cho vay ưu đãi...., phù hợp với tình hình mới tại các địa phương.

Quan tâm tham mưu bố trí kinh phí cho các trường, trung tâm mua sắm, sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện dạy học nhằm đáp ứng yêu cầu công nghệ hiện đại và đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho học viên dễ tìm kiếm việc làm sau tốt nghiệp.

Bố trí kinh phí từ các Chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo đầy đủ, kịp thời và đúng thời gian theo kế hoạch đặt ra nhằm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết.

Quan tâm chỉ đạo, việc đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực dân tộc thiểu số. Chỉ đạo các đơn vị tạo điều kiện sắp xếp bố trí việc làm cho con em sinh viên đồng bào dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp ra trường.

Kiến nghị cần có chính sách gắn đào tạo cử tuyển với nhu cầu sử dụng từng ngành nghề, lĩnh vực từng địa phương với chiến lược phát triển nguồn lực và kinh tế - xã hội.

Huy động, lồng ghép nguồn lực và thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc nói chung, các chính sách về phát triển nhân lực nói riêng; thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

                                                                         VĨNH LONG

Các tin khác
 
 
 
LIÊN KẾT WEBSITE
 

Địa chỉ liên hệ
SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG QUẢNG TRỊ
Điện thoại: (0233) 3575155 - Fax: (0233) 3554711
Email: sotttt@quangtri.gov.vn
Địa chỉ: 51 Trần Hưng Đạo, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Tường, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị
Đơn vị vận hành: Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị (Ghi rõ nguồn “https://sotttt.quangtri.gov.vn/” khi phát hành lại thông tin từ trang web này)