Chi tiết tin - Sở Thông tin và Truyền thông
- Trang chủ
- Tổng quan
- Tin tức - Sự kiện
- Thủ tục hành chính
- Cải cách hành chính
- Tuyền truyền CCHC
- Công tác chỉ đạo điều hành
- Cải cách chế độ công vụ
- Cải cách tài sản công
- Áp dụng ISO trong hoạt động
- Chấm điểm CCHC, hoàn thành nhiệm vụ
- Hệ thống báo cáo
- CCTC theo dõi thi hành pháp luật.
- CCTTHC thực hiện cơ chế một cửa
- CC bộ máy hành chính nhà nước
- Xây dựng và phát triển CQ điện tử, CP điện tử
- Văn bản trao đổi
- Quản lý nhà nước
- Chiến lược, QH, KH
- Đảng - Đoàn thể
- Lịch công tác
- Báo cáo tài chính
Đang truy cập: 5
Hôm nay: 321
Tổng lượt truy cập: 1.434.392
Người dân thôn Chênh Vênh làm du lịch sinh thái cộng đồng
Thôn Chênh Vênh thuộc xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa có diện tích 1.500 ha, với 130 hộ, 440 khẩu, 100% người Vân Kiều. Thôn nằm sát đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, được bao bọc bởi núi rừng, sông suối, đồi núi hoang sơ, hùng vĩ. Do tập quán sản xuất lạc hậu, các loại cây trồng truyền thống cho năng suất, chất lượng thấp nên cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn.
Làng du lịch sinh thái thôn Chênh Vênh - Ảnh: Internet
Thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng của chính quyền địa phương, hiện nay thôn Chênh Vênh quản lý, bảo vệ trên 670 ha rừng. Với hệ thống rừng nguyên sinh phong phú, đa dạng, lại được cộng đồng chăm sóc và bảo vệ tốt, nên diện tích rừng này được coi là một trong những khu rừng nguyên sơ và đây cũng là một trong những khu rừng cộng đồng đầu tiên của Việt Nam được cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC vào cuối năm 2021, trở thành rừng bền vững giá trị cao. Bên cạnh đó, thôn Chênh Vênh còn có một thác nước hùng vĩ, tuyệt đẹp nằm giữa rừng đại ngàn. Thác có độ cao hơn 20m, trông như một dải lụa vắt qua cánh rừng già, phía bên dưới có nhiều hồ nước vừa và nhỏ, nước trong xanh quanh năm.
Ngoài tài nguyên thiên nhiên, các sản phẩm nông nghiệp cũng mang đậm nét đặc trưng tại thôn Chênh Vênh. Với đặc thù khí hậu và thời tiết ôn hòa, địa phương phát triển nhiều loại sản phẩm nông nghiệp, trong đó tiêu biểu là sản phẩm cà phê Arabica hương vị trứ danh. Ngoài ra, một số sản phẩm nông nghiệp đặc trưng khác như nếp than, măng rừng, gừng, nghệ, ớt, ngô, cà và một số loại cây ăn quả như xoài, nhãn, thanh long… cũng có chất lượng cao.
Cơ sở để thôn Chênh Vênh làm du lịch đã hiện hữu. Đó là vị trí nằm sát tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây nên rất thuận tiện. Bao quanh thôn là núi rừng hoang sơ, sông suối, thác nước hùng vĩ… cùng với nông sản đặc trưng vùng miền. Bên cạnh đó còn có một tiềm năng rất đặc biệt, đó chính là bản sắc văn hóa phong phú và đa dạng của đồng bào dân tộc Vân Kiều. Với 100% dân số là người Vân Kiều, hiện nay, Chênh Vênh vẫn còn bảo tồn và lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình, đặc biệt là lễ hội cồng chiêng, lễ hội mừng lúa mới, trang phục, đan lát và các làn điệu dân ca truyền thống.
Chính những điều kiện tự nhiên mà thiên nhiên ban tặng cùng với nét đẹp về truyền thống văn hóa, ẩm thực của người dân thôn Chênh Vênh nên đã thu hút sự tìm tòi, khám phá và trải nghiệm của du khách khi đến đây. Tháng 4 vừa qua, với sự giúp sức hỗ trợ của Tổ chức Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam và chính quyền địa phương, ở đây đã khai trương tour du lịch sinh thái khám phá rừng cộng đồng. Tour kết hợp tìm hiểu đời sống người dân tộc thiểu số Vân Kiều và khám phá thắng cảnh thiên nhiên thác Chênh Vênh và rừng tre trúc, rừng tự nhiên nguyên sinh do chính người Chênh Vênh bảo vệ.
Để phục vụ tour du lịch sinh thái khám phá rừng cộng đồng, các hộ dân ở xóm Rơ Vê, thôn Chênh Vênh đã cải tạo 5 nhà sàn, xây mới 1 nhà sàn làm nhà lưu trú, trưng bày trang phục truyền thống; xây dựng công trình vệ sinh, điện mặt trời, giếng nước, khu vực trưng bày nông sản, vườn rau sạch, vườn hoa…; trang bị một số vật dụng cần thiết cho nhà trưng bày và nhà lưu trú như: quạt điện, chăn, ga, gối, màn và trang phục truyền thống của người Vân Kiều. Đặc biệt, để triển khai mô hình một cách bài bản, có hệ thống, UBND xã Hướng Phùng đã có quyết định thành lập tổ quản lý mô hình du lịch cộng đồng sinh thái Chênh Vênh với 21 thành viên. Tổ quản lý được phân thành 3 tổ chính (mỗi tổ gồm có 7 thành viên). Tổ có trách nhiệm đón tiếp, hướng dẫn khách tham quan, trải nghiệm nhà sàn, trang phục truyền thống, văn hóa - văn nghệ, tắm suối, xúc cá ở suối tại khu dân cư Rơ Vê; tiếp đón, hướng dẫn du khách ngắm cảnh, thả diều, cắm trại tại đồi Sa Mươi và tham quan rừng tre vầu; đón và hướng dẫn du khách trải nghiệm tại thác Chênh Vênh.
Mới đây, người dân ở thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng còn được tham gia các lớp tập huấn do Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC), tổ chức Helvetas phối hợp với chính quyền địa phương kết nối với Công ty Ken Travel để đồng hành cùng người dân thôn Chênh Vênh nâng cấp du lịch. Các đợt tập huấn giúp nâng cao năng lực cho bà con về vận hành du lịch sinh thái, trang bị các kiến thức, kỹ năng về các dịch vụ du lịch, từ việc dựng lều trại, đảm bảo an toàn cho du khách, cho tới trang trí homestay... Với những kỹ năng học được, cũng như sự kết nối với khách du lịch từ Công ty Ken Travel, bà con ở thôn Chênh Vênh đã bước đầu ứng dụng vào việc phục vụ cho du khách khi đặt chân đến đây.
Ngày 28/10 vừa qua, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hướng Hóa phối hợp với UBND xã Hướng Phùng đã tổ chức phục dựng lễ hội mừng lúa mới của đồng bào dân tộc Vân Kiều tại thôn Chênh Vênh. Lễ hội mừng lúa mới là một trong những lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm của người Vân Kiều, thường được tổ chức vào tháng 10, 11, 12 hàng năm. Việc phục dựng và tổ chức lễ hội mừng lúa mới đã gây ấn tượng mạnh mẽ với du khách, thu hút nhiều cơ quan báo chí, truyền thông, nhiếp ảnh và các đoàn khách phượt tham gia thưởng ngoạn.
Mặc dù còn mới lạ với làm du lịch sinh thái cộng đồng, nhưng người Vân Kiều ở thôn Chênh Vênh đã chủ động trong việc tiếp cận, học hỏi và sẵn sàng tham gia làm du lịch. Tích cực tham gia các lớp tập huấn, học tập mô hình, thực hiện các buổi thực hành thử nghiệm các hoạt động phục vụ khách du lịch, qua đó đúc rút kinh nghiệm để điều chỉnh, hoàn thiện thêm. Đây là hướng đi mới không những giúp nâng cao thu nhập cho người dân mà đồng thời còn bảo tồn thiên nhiên, bản sắc văn hóa của người Vân Kiều tại đây.
NGÔ LONG
- Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh (28/11/2022)
- Kết quả 10 năm thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Vĩnh Linh (23/11/2022)
- Ưu tiên hỗ trợ cho các mô hình khởi sự khởi nghiệp do phụ nữ làm chủ (23/11/2022)
- Tiếp tục đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Trị đến năm 2030 (22/11/2022)
- Huyện Gio Linh quan tâm thực hiện chính sách cho học sinh dân tộc thiểu số (22/11/2022)
- Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin (22/11/2022)
- Chương mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (22/11/2022)
- Thủ tướng phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025 (21/11/2022)
- Nguyên nhân và một số giải pháp để giảm thiểu thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh Quảng Trị (21/11/2022)
- Lễ hội Ariêu ping của dân tộc Pa Kô (21/11/2022)
Địa chỉ liên hệ
SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG QUẢNG TRỊ
Điện thoại: (0233) 3575155 - Fax: (0233) 3554711
Email: sotttt@quangtri.gov.vn
Địa chỉ: 51 Trần Hưng Đạo, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Tường, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị
Đơn vị vận hành: Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị (Ghi rõ nguồn “https://sotttt.quangtri.gov.vn/” khi phát hành lại thông tin từ trang web này)