Chi tiết tin - Sở Thông tin và Truyền thông

 
LƯỢT TRUY CẬP

Đang truy cập: 2

Hôm nay: 339

Tổng lượt truy cập: 1.434.410

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá dân gian của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Trị

Ngày cập nhật: 07/12/2022 02:19:45

Quảng Trị là tỉnh ở khu vực miền Trung có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó chủ yếu là dân tộc Vân Kiều và Pa Kô, tập trung ở hai huyện Hướng Hóa, Đakrông và 3 huyện có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống là Vĩnh Linh, Gio Linh và Cam Lộ. Các dân tộc này hiện còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa mang đậm đà bản sắc riêng, trong đó có nhiều tác phẩm văn học dân gian còn được lưu giữ, bảo tồn và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Một buổi sinh hoạt văn hóa tập thể của người dân xã Hướng Lộc, huyện Hướng Hóa - Ảnh: Internet

Văn học dân gian của các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị khá đa dạng, phong phú về thể loại, nội dung và độc đáo về cách thức lưu truyền trong đời sống. Những tác phẩm lớn, có giá trị về khoa học, lịch sử và văn hóa là vốn tri thức quý giá lưu truyền qua bao thế hệ, là niềm tự hào của đồng bào dân tộc. Đây là minh chứng đầy đủ về văn hóa truyền thống đặc sắc và vốn tri thức dân gian giàu có của đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại Quảng Trị.  

Thông qua hoạt động kiểm kê, sưu tầm, nghiên cứu văn nghệ dân gian; sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài dân tộc thiểu số; các hoạt động trưng bày, khai thác giá trị các di sản văn hoá của các dân tộc thiểu số; thông qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật (giao lưu, biểu diễn, tổ chức và tham gia các kỳ liên hoan, hội thi, hội diễn…), các tác phẩm văn học dân gian tiêu biểu của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã được định hình, phát huy giá trị, từng bước đi vào đời sống. Trong thời gian từ năm 2016 đến 2018, Bảo tàng tỉnh Quảng Trị đã tiến hành tổ chức nhiều đợt tổng điều tra, kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể tại địa bàn các huyện Hướng Hóa và Đakrông, Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ. Kết quả đã kiểm kê được 3 di sản văn hóa phi vật thể thuộc loại hình ngữ văn dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, để tổ chức các hoạt động truyền thống, một số địa phương đã xây dựng các đội văn nghệ và các câu lạc bộ văn hoá văn nghệ dân gian, chủ yếu như câu lạc bộ cồng chiêng, câu lạc bộ diễn xướng dân gian (hát Calơi, Chachấp, Oát, Xà Nớt...), câu lạc bộ nhạc cụ truyền thống (bộ gõ, bộ hơi, bộ dây...) để tập luyện, tổ chức hoạt động tại các trung tâm sinh hoạt văn hoá cộng đồng. Đội văn nghệ truyền thống và các câu lạc bộ sẽ tham gia biểu diễn trong những dịp lễ hội, ngày hội văn hoá các dân tộc của tỉnh, khu vực và quốc gia.

Một số tác phẩm văn học dân gian tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn còn tồn tại đến ngày nay phải kể đến đó là những “Chuyện kể dân gian của người Tà Ôi/Pa Cô xã A Bung”. Đây là những câu chuyện kể dân gian hay truyền thuyết của người Pa Cô thường có nội dung ngắn gọn, chủ yếu kể về các nhân vật như các chàng trai mồ côi, các cô gái đẹp, các ông bố vợ kén rể cho con gái, mối quan hệ giữa anh chị em ruột, người đội lốt rắn, các loài vật... thường là có phép thuật, bùa mê, những điều không có thật được đồng bào tưởng tượng ra và hư cấu thêm rồi truyền miệng lại từ đời này qua đời khác. Hay các làn điệu dân ca của người Pa Cô là những giai điệu đơn giản, bình dị và dân dã được hình thành trong quá trình lao động sản xuất, trong tình yêu đôi lứa, trong các kỳ lễ hội... Tuy không được biết đến nhiều, nhưng nó vẫn thể hiện một cách rõ nét về tính bản địa, tính độc đáo riêng biệt của mình. Với truyền thuyết về người anh hùng làng Vắc và nguồn gốc dòng họ K'Lang đưa người nghe đến với những câu chuyện hết sức đơn giản nhưng phần nào phản ánh được đời sống của một tộc người trong buổi đầu tạo lập làng bản và hiểu thêm về nguồn gốc của một dòng họ tại thôn K'Hẹp thuộc xã Tà Rụt huyện Đakrông ngày nay.

Nhìn chung, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn học dân gian các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Trị bước đầu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, từng bước góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hoá, con người Quảng Trị nói riêng, bản sắc dân tộc Việt Nam nói chung.

Tuy nhiên, cũng như ở các địa phương khác trên cả nước, vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số ở Quảng Trị luôn được quan tâm thực hiện, nhưng việc sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình văn nghệ dân gian chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Công tác nghiên cứu sưu tầm còn mang tính dàn trải, chưa sâu, nhiều di sản văn hóa được sưu tầm nhưng chưa được đưa vào khai thác sử dụng trong đời sống; nhiều sản phẩm văn học dân gian được sưu tầm, lưu trữ nhưng chưa được đưa vào khai thác, phát huy giá trị trong đời sống; tiếng nói, chữ viết của đồng bào các dân tộc đang có nguy cơ mai một.

Trước thực trạng trên, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị đã đưa ra một số kiến nghị, đề xuất như:

Cần quan tâm tăng mức đầu tư cho văn hóa, bảo đảm đủ kinh phí cho các chương trình mục tiêu phát triển văn hóa tại địa bàn. Đẩy mạnh công tác sưu tầm, tiếp tục tiến hành phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số song song với việc xây dựng chiến lược dài hạn cho việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc; tiếp tục tăng nguồn lực hỗ trợ đầu tư, bảo tồn các giá trị văn hóa tiêu biểu, đặc biệt là các giá trị văn học dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Trị;

Tăng cường công tác tập huấn cho đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm về quản lý, hướng dẫn và tổ chức các hoạt động hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở và kiểm kê, bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Trị.

Cần có chế độ chính sách ưu tiên đầu tư thiết chế văn hóa cho những làng, bản còn giữ gìn và bảo lưu tốt các giá trị di sản văn hóa. Cần quan tâm đặc biệt hơn nữa trong việc phân bổ nguồn kinh phí đảm bảo cho việc phục dựng, bảo tồn các làng, bản truyền thống. Tiếp tục xây dựng các đề án nhằm phục dựng các làng, bản, buôn truyền thống của đồng bào đang có nguy cơ dần bị mai một.

Tổ chức thường niên các hội thi, hội diễn để tạo điều kiện giao lưu, nâng cao tinh thần cộng cảm, gắn kết trong đồng bào các dân tộc thiểu số. Thi hát dân ca, dân vũ, dân nhạc, các hoạt động lễ hội truyền thống tiêu biểu... đồng thời không ngừng tăng cường công tác tuyên truyền để đồng bào thấy tự hào với những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Có chế độ chính sách quan tâm đào tạo, mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý và thực hành cho đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số vì đây là lực lượng có tác động tích cực và hiệu quả nhất trong việc tuyên truyền và vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; động viên khuyến khích các nghệ nhân, các làng, bản trong việc duy trì, phục dựng bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc mình.

                                                                             VĨNH LONG

Các tin khác
 
 
 
LIÊN KẾT WEBSITE
 

Địa chỉ liên hệ
SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG QUẢNG TRỊ
Điện thoại: (0233) 3575155 - Fax: (0233) 3554711
Email: sotttt@quangtri.gov.vn
Địa chỉ: 51 Trần Hưng Đạo, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Tường, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị
Đơn vị vận hành: Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị (Ghi rõ nguồn “https://sotttt.quangtri.gov.vn/” khi phát hành lại thông tin từ trang web này)