Chi tiết tin - Sở Thông tin và Truyền thông

 
LƯỢT TRUY CẬP

Đang truy cập: 2

Hôm nay: 394

Tổng lượt truy cập: 1.469.575

Quảng Trị: Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số

Ngày cập nhật: 23/10/2024 09:42:29

Tỉnh Quảng Trị nằm ở miền Trung Việt Nam, là một vùng đất giàu truyền thống lịch sử, đa dạng văn hóa, với sự hiện diện của nhiều dân tộc thiểu số như Vân Kiều, Pa Kô. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Trị có diện tích tự nhiên 313.675 ha, chiếm 68% diện tích tự nhiên của tỉnh. Toàn vùng có 31 xã, thị trấn; 191 thôn vùng dân tộc thiểu số, trong đó có 28 xã đặc biệt khó khăn, 187 thôn bản đặc biệt khó khăn (theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ).

Ảnh minh họa

Trong những năm gần đây, Quảng Trị đã đẩy mạnh các chính sách xây dựng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số, nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững và bình đẳng cho tất cả các cộng đồng trong tỉnh. Việc phát triển đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số không chỉ là nhiệm vụ chính trị, mà còn là cách thức để đảm bảo quyền lợi của các cộng đồng dân tộc thiểu số trong các quá trình ra quyết định và thực hiện chính sách. Các cán bộ người dân tộc thiểu số có hiểu biết sâu sắc về văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán địa phương, từ đó giúp xây dựng và thực thi các chính sách phù hợp và hiệu quả hơn.

Tính đến tháng 5 năm 2024, số lượng cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong toàn tỉnh là 1.297 người, chủ yếu là dân tộc Bru-Vân Kiều, Pa Kô, chiếm 6,32% trong số 20.517 cán bộ, công chức, viên chức trong toàn tỉnh. Tăng 110 người so với giai đoạn trước ngày 31/12/2016. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có những bước trưởng thành về mọi mặt; tinh thần, trách nhiệm, lề lối làm việc, kỹ năng lãnh đạo, xử lý tình huống được nâng lên. Hầu hết cán bộ có lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức tốt, lối sống giản dị, gương mẫu, có ý thức tổ chức kỷ luật, luôn tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số tham gia công tác trong hệ thống chính trị và được bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, đơn vị, địa phương ngày càng tăng, công tác tuyển dụng được quan tâm. Công tác quy hoạch cán bộ người dân tộc thiểu số được chú trọng, đảm bảo yêu cầu về tỷ lệ và cơ cấu; công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, điều động, luân chuyển ngày càng đi vào nề nếp, góp phần tích cực trong việc tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý người dân tộc thiểu số có chất lượng. Chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số được thực hiện đầy đủ, kịp thời, tạo động lực để cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số yên tâm công tác.

Để có được những kết quả đó, Quảng Trị đã triển khai nhiều chương trình đào tạo và phát triển dành riêng cho cán bộ người dân tộc thiểu số như: Nghị quyết số 12/2013/NQ-HĐND ngày 31/5/2013 của HĐND tỉnh Quảng Trị về quy định một số chính sách đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ, thu hút và tạo nguồn nhân lực có chất lượng của tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2013-2020; Kế hoạch số 2232/KH-UBND ngày 29/5/2017 về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 09/2018/NQ-HĐND ngày 18/7/2018 của HĐND tỉnh về chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2018 - 2025, chiến lược đến năm 2030; Nghị quyết số 166/2021/NQ-HĐND quy định chính sách thu hút, đãi ngộ, đào tạo đội ngũ viên chức đơn vị sự nghiệp y tế công lập và chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức nữ tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2026.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng đến việc tuyển dụng công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số. Hàng năm, trong kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, UBND tỉnh luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho đội ngũ này. Từ năm 2018 đến nay đã tổ chức  được 36 lớp đào tạo lý luận chính trị, bồi dưỡng quản lý nhà nước, tin học văn phòng và các kỹ năng hành chính cho 2195 lượt cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số tham gia. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nội vụ làm đầu mối, phối hợp với các cơ quan, đơn vị để xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng một cách chi tiết. Đồng thời, Sở Nội vụ còn hợp tác chặt chẽ với các cơ sở đào tạo để đảm bảo thực hiện 100% nội dung đã đề ra theo kế hoạch.

Ngoài ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nội vụ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thường xuyên tiến hành kiểm tra, rà soát số lượng, chất lượng cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; trên cơ sở đó để định hướng phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số đảm bảo tính đồng bộ, góp phần nâng cao chất lượng, số lượng và tỷ lệ hợp lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số tham gia vào các cơ quan của Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt là vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.

Công tác nâng ngạch, thăng hạng được UBND tỉnh luôn quan tâm, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện. Hiện nay, trên cơ sở các quy định mới của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương về vị trí việc làm, cơ cấu ngạch, chức danh nghề nghiệp, UBND tỉnh giao Sở Nội vụ phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng đề án thi, xét nâng ngạch, thăng hạng chức danh nghề nghiệp đảm bảo theo đúng quy định. Qua đó, đảm bảo việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh nói chung và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số nói riêng.

Tuy nhiên, Quảng Trị vẫn đang phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức như: Chưa có nhiều cơ chế, chính sách riêng đối với đội ngũ công chức, viên chức người dân tộc thiểu số do ngân sách của địa phương còn khó khăn. Một số quy định tại Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2011 của Chính phủ về chế độ, chính sách cho người học, quy định về tiếp nhận và phân công công tác, chế độ cử tuyển... chưa đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với quy định của các Luật chuyên ngành (Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức...). Việc duy trì và nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ dân tộc thiểu số, đặc biệt khi nhiều người trong số họ đến từ các vùng sâu, vùng xa, nơi cơ hội học tập còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc đảm bảo sự bình đẳng và khuyến khích sự tham gia của tất cả các dân tộc thiểu số vào quá trình quản lý và phát triển cần được quan tâm hơn nữa.

Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số là quá trình thường xuyên, liên tục và lâu dài. Thời gian tới, Quảng Trị sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác cán bộ người dân tộc thiểu số, từ đó xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất, đạo đức, có trình độ, năng lực nghiệp vụ để góp phần củng cố, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, góp phần xây dựng quê hương Quảng Trị ngày càng phát triển, hướng tới một tương lai phát triển bền vững và toàn diện.

                                             MÂY MÂY

Các tin khác
 
 
 
LIÊN KẾT WEBSITE
 

Địa chỉ liên hệ
SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG QUẢNG TRỊ
Điện thoại: (0233) 3575155 - Fax: (0233) 3554711
Email: sotttt@quangtri.gov.vn
Địa chỉ: 51 Trần Hưng Đạo, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Tường, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị
Đơn vị vận hành: Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị (Ghi rõ nguồn “https://sotttt.quangtri.gov.vn/” khi phát hành lại thông tin từ trang web này)