Chi tiết tin - Sở Thông tin và Truyền thông

 
LƯỢT TRUY CẬP

Đang truy cập: 7

Hôm nay: 664

Tổng lượt truy cập: 1.460.572

Rượu men lá hương vị nồng nàn vùng núi cao

Ngày cập nhật: 18/12/2023 07:49:01

Những năm trở lại đây, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị là địa danh được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh biết đến bởi sự phong phú về hệ thống các danh thắng, các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, các lễ hội, nghề thủ công truyền thống, những làn điệu dân ca đặc sắc như klơi, oát xà nớt và các nhạc cụ truyền thống như sáo, khèn bè, đàn ta lư, thanh la… Ngoài ra, khi đến đây, du khách sẽ được trải nghiệm rượu men lá - loại rượu có hương vị đặc trưng, cay nồng, mang đậm hơi thở núi rừng, tô đậm thêm bức tranh văn hóa nhiều màu sắc địa phương.

Men lá - nguyên liệu quan trọng trong quá trình ủ chuối làm rượu

Công đoạn để ủ rượu trước tiên phải có men lá ủ rượu. Men lá là thứ men rất độc đáo, được bà con lựa chọn kỹ càng từ hơn 20 loại lá và rễ cây rừng hòa cùng với bột gạo. Đem hỗn hợp lá cây đã phơi khô sắc thành nước. Cứ khoảng 200g hỗn hợp lá sắc lấy 300ml dung dịch. Gạo đem nghiền nhỏ thành bột với 300ml dung dịch nước sắc sẽ cần khoảng 10kg gạo. Gạo có thể dùng gạo nếp hoặc gạo tẻ. Nhưng để quả men có chất lượng tốt nhất thì nên kết hợp cả 2 loại gạo, với tỷ lệ 60% gạo tẻ và 40% gạo nếp. Theo như kinh nghiệm sử dụng của đồng bào dân tộc Vân Kiều, lượng gạo nếp nếu quá nhiều sẽ khiến quả men bị nát, nhanh hỏng, còn nếu ít gạo nếp thì quả men sẽ cứng và không thơm. Trộn đều dung dịch nước sắc từ lá cây với bột gạo. Sau khi trộn đều ta cho thêm vào 1 ít men giống, theo tỷ lệ 10kg bột thì cho 3-5 quả men giống (khoảng 150-300g). Sau đó, nặn bột thành quả men, cứ khoảng 50g một quả. Công đoạn cuối cùng và vô cùng quan trong để cho ra chất lượng men đó là ủ men. Tiến hành ủ quả men vào trong rơm khoảng 2-3 ngày để cho bột lên men. Sau khi đã ủ đủ số ngày thì đem quả men phơi nơi khô ráo, thoáng khí hoặc cho lên gác bếp cho đến khi khô hẳn. Men sau khi đã phơi khô là có thể dùng để nấu rượu ngay được hoặc đem bảo quản để dùng khi cần.

Rượu men lá thơm ngon, uống ít thì bổ dưỡng cho sức khỏe và không bị đau đầu, nếu dùng để ngâm thuốc thì rất tốt, vì men lá đã được làm từ nhiều cây dược liệu quý. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại men rượu không rõ xuất xứ nguồn gốc, nhãn hiệu được bày bán khắp nơi, nhân dân thường gọi là men nước, nấu rượu không cần ủ mà chỉ nấu cơm xong để nguội, cho men hòa với nước lã rồi đổ cơm gạo, cơm nếp vào ngâm khoảng một tuần rồi đem nấu chưng cất thành rượu. Vì công đoạn nấu đơn giản và rút ngắn, chi phí thấp, tiện lợi nên bà con phần lớn sử dụng loại men này. Chính vì vậy, việc làm men lá truyền thống ngày càng mai một, chỉ còn duy trì ở một số bộ phận người dân gắn bó với nghề từ lâu.

Trao đổi với anh Hồ Chỏ, cán bộ văn hóa xã Thuận, đồng thời cũng là một trong các hộ dân ở xã Thuận vẫn duy trì làm men lá cho hay: “Rượu nấu từ men lá rất kỳ công và mất thời gian hơn rất nhiều so với men nước, giá thành rượu men lá cao gấp đôi so với men thường. Tuy nhiên, rượu nấu bằng men lá rất thơm ngon, bổ dưỡng, có chất lượng nên rất được bà con, du khách gần xa ưa chuộng. Việc nấu rượu cũng mang lại thu nhập vào những dịp xong mùa vụ, nông nhàn, nên bà con cũng yên tâm duy trì, gắn bó với nghề”.

Trước đây, người dân đồng bào dân tộc Vân Kiều, huyện Hướng Hóa duy trì việc nấu rượu bằng men lá để phục vụ gia đình vào những dịp quan trọng như cúng họ, cưới hỏi, ma chay, xây dựng nhà, ngâm rượu thuốc để bồi dưỡng cho sức khỏe, hoặc dùng để chữa bệnh. Hiện nay, bà con nhân dân đã phát triển hơn nghề nấu rượu men lá bởi những nguyên liệu nấu rượu phong phú hơn, không chỉ sử dụng nếp nương như ngày trước để nấu rượu, bà con còn tận dụng các loại nguyên liệu khác để cho ra thành phẩm rượu khác nhau như: rượu nếp cẩm, rượu chuối hột rừng phơi khô, rượu chuối mật mốc, rượu ổi, rượu sim… những nguyên liệu này chủ yếu được lấy từ rừng, do bà con nhân dân trồng được, rượu được nấu theo quy trình chặt chẽ, đảm bảo chất lượng, không có chất hóa học, chất bảo quản nên rất được thị trường ưa chuộng, sản phẩm bán ra ngày càng nhiều.

Nhờ những đặc trưng và công dụng hữu ích, sản phẩm rượu men lá đã có mặt tại các hội chợ thương mại, phiên chợ vùng cao, qua các kênh bán hàng online, giúp quảng bá thương hiệu cũng như mở rộng được thị trường tiêu thụ, được khách hàng gần xa ưa chuộng. Hiện tại, trên địa bàn huyện Hướng Hóa đã có nhiều hộ gia đình quan tâm đầu tư sản xuất, mở rộng quy trình, chú trọng vào mẫu mã vỏ chai, nhãn mác đẹp, bắt mắt, ngày càng khẳng định thương hiệu riêng như: rượu nếp cẩm, rượu chuối mật mốc Làng Hào, rượu ổi Tân Long, rượu ba kích Ba Tầng....

Ông Hồ Ngọc Tình, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hướng Hóa cho biết: “Thời gian qua, lãnh đạo huyện rất quan tâm để phát huy tiềm năng, lợi thế về phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống của đồng bào Vân Kiều ở địa phương. Việc phát triển nghề nấu rượu men lá truyền thống cũng đang được chính quyền quan tâm, tạo điều kiện, qua đó, giúp giải quyết việc làm, tăng sinh kế cho bà con, đồng thời bảo tồn văn hóa truyền thống lâu đời. Du khách khi đến với Hướng Hóa sẽ được trải nhiệm những thức quà, món ăn truyền thống, nét riêng biệt không nơi nào có được”.

                                  Bài và ảnh: NHƯ TÚ

More
 
 
 
LIÊN KẾT WEBSITE
 

Địa chỉ liên hệ
SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG QUẢNG TRỊ
Điện thoại: (0233) 3575155 - Fax: (0233) 3554711
Email: sotttt@quangtri.gov.vn
Địa chỉ: 51 Trần Hưng Đạo, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Tường, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị
Đơn vị vận hành: Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị (Ghi rõ nguồn “https://sotttt.quangtri.gov.vn/” khi phát hành lại thông tin từ trang web này)