Chi tiết tin - Sở Thông tin và Truyền thông

 
LƯỢT TRUY CẬP

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 115

Tổng lượt truy cập: 1.461.611

Nguyên nhân và một số giải pháp để giảm thiểu thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh Quảng Trị

Ngày cập nhật: 21/11/2022 09:26:28

Thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (HNCHT) trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025”, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 103/KH-UBND ngày 11/01/2016 và Kế hoạch số 154/KH-UBND ngày 13/9/2021 để thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020 và 2021-2025” trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Cán bộ cơ sở về tận thôn, bản để tuyên truyền, vận động người dân ngăn ngừa nạn tảo hôn - Ảnh: Internet

Sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch của UBND tỉnh ban hành, các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện với nhiều giải pháp quan trọng, đồng thời huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhờ vậy tỷ lệ tảo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị đã giảm hơn so với thời gian trước đây.

 Trên cơ sở bám sát Kế hoạch số 103/KH-UBND, ngày 11/1/2016 của UBND tỉnh về triển khai, thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, UBND các huyện chủ động xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện bảo đảm phù hợp với điều kiện, đặc điểm tình hình của địa phương. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới gắn với tuyên truyền các quy định về phòng chống tảo hôn và HNCHT trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng. Hoạt động truyền thông, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số ở địa bàn các xã, thôn, bản có tỷ lệ hoặc nguy cơ cao về tảo hôn và HNCHT được tăng cường. Một số địa phương đưa các quy định về phòng chống tảo hôn vào xây dựng hương ước, quy ước, bình xét gia đình văn hóa, qua đó góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh vẫn còn diến biến phức tạp. Một số nguyên nhân chủ yếu là: Công tác quản lý, kiểm tra, phát hiện sớm các trường hợp có nguy cơ cao tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của chính quyền địa phương vẫn còn hạn chế. Một số nơi chưa có biện pháp hữu hiệu khi xử lý các trường hợp tảo hôn và hônn nhân cận huyết thống, do đó tỷ lệ này còn chiếm khá cao ở nhiều địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở, tuyên truyền viên các Câu lạc bộ trình độ chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế, nên gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền, điều tra, khảo sát, thu thập thông tin về thực trạng tảo hôn và HNCHT. Nguyên nhân chủ yếu đó là do đặc điẻm về dân cư, điều kiện kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn, hiểu biết pháp luật còn hạn chế, một số phong tục, tập quán lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số chưa được xóa bỏ; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy cơ sở có lúc, có thời điểm chưa được quan tâm; sự phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội chưa chặt chẽ, thường xuyên; một bộ phận trẻ vị thành niên còn sống buông thả, đua đòi, bị tác động bởi các luồng văn hóa không lành mạnh từ các trang mạng xã hội dẫn đến những tiêu cực trong quan hệ giới tính

Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT trong vùng dân tộc thiểu số,  tỉnh Quảng Trị đề ra các giải pháp. Cụ thể: Xây dựng các thông điệp truyền thông ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ về chống tảo hôn, tương tự như các thông điệp về phòng chống tác hại của thuốc lá, phòng chống Covid-19...; đăng, phát rộng rãi, thường xuyên trên báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là vào mùa lễ hội, mùa cưới nhằm tạo điểm nhấn tuyên truyền vận động thanh, thiếu niên không tảo hôn và tạo dư luận xã hội phê phán hành vi tảo hôn ở những vùng có tỷ lệ tảo hôn cao. Tiếp tục nghiên cứu nhân rộng các mô hình và cách làm sáng tạo trong việc giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, đồng thời xây dựng các mô hình mới, có hiệu quả tại các xã, thị trấn có tỷ lệ hoặc nguy cơ cao về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, trong đó quan tâm xây dựng mô hình điểm tại các trường học.

Phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, người có ảnh hưởng đến công chúng tham gia tuyên truyền, giáo dục thanh thiếu niên không tảo hôn, gia đình không cho con tảo hôn, chính quyền không hợp thức hóa việc tảo hôn.

Ngoài biện pháp xử phạt vi phạm hành chính nghiêm minh đối với người tảo hôn và người tổ chức tảo hôn, cần khen thưởng kịp thời người có công phát hiện và ngăn chặn không để xảy ra tảo hôn. Đưa vấn đề tảo hôn vào thảo luận và truyền thông vào giáo dục từ cấp THCS kèm theo các nội dung về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực và kiến thức sức khỏe sinh sản để nâng cao nhận thức cho các em học sinh.

Để khắc phục những tồn tại, khó khăn, xử lý nguyên nhân thực trạng tảo hôn và HNCHT, tỉnh Quảng Trị đã đưa ra những giải pháp cụ thể: Lựa chọn phương pháp, hình thức tuyên truyền riêng cho đối tượng đặc thù là người dân tộc thiểu số, vùng DTTS, gắn với những tình huống phát sinh trong đời sống hằng ngày, phù hợp với tập quán, văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số để lựa chọn các hoạt động trong kế hoạch cho phù hợp. Lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, vận động với các hoạt động giao lưu văn hoá, lễ hội, hoạt động hòa giải tại cộng đồng, các cuộc họp, hội nghị, sinh hoạt của chính quyền, đoàn thể, hoạt động ngoại khóa trong các trường học, các câu lạc bộ, các tổ, nhóm. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Bộ đội Biên phòng, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên, già làng, trưởng bản, trưởng thôn, chức sắc, chức việc, người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Trẻ em, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Dân số và Gia đình và các văn bản liên quan đến công tác triển khai thực hiện Đề án.

Ngoài các nội dung truyền thông, nâng cao nhận thức năng lực chuyên môn nghiệp vụ; duy trì và triển khai mô hình tại các xã/huyện/trường có tỷ lệ tảo hôn và HNCHT cao đã được hướng dẫn tại Thông tư số 02/2022/TT-UBDT của Ủy ban Dân tộc, tỉnh Quảng Trị đã đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn chi tiết công tác tư vấn, can thiệp lồng ghép để địa phương triển khai đồng bộ các hoạt động, đạt hiệu quả cao.

                                                                                  LỆ THỦY

More
 
 
 
LIÊN KẾT WEBSITE
 

Địa chỉ liên hệ
SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG QUẢNG TRỊ
Điện thoại: (0233) 3575155 - Fax: (0233) 3554711
Email: sotttt@quangtri.gov.vn
Địa chỉ: 51 Trần Hưng Đạo, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Tường, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị
Đơn vị vận hành: Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị (Ghi rõ nguồn “https://sotttt.quangtri.gov.vn/” khi phát hành lại thông tin từ trang web này)