Chi tiết tin - Sở Thông tin và Truyền thông

 
LƯỢT TRUY CẬP

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 50

Tổng lượt truy cập: 1.312.478

80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam - Cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta về văn hóa

Ngày cập nhật: 28/02/2023 06:58:24

Đề cương về Văn hoá Việt Nam là văn kiện chính thức đầu tiên về công tác văn hoá, văn nghệ do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng. 80 năm qua, những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những giá trị cốt lõi của Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943 vẫn giữ nguyên giá trị, soi đường, định hướng cho tiến trình phát triển của văn hóa Việt Nam.

Đề cương về Văn hóa Việt Nam - Ảnh tư liệu

Từ ngày 25 đến ngày 28/2/1943, tại Võng La, một địa điểm An toàn khu của Trung ương (nay là xã Võng La, huyện Đông Anh, Hà Nội), Đảng ta ban hành Nghị quyết của Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương và Đề cương về Văn hóa Việt Nam.

Trên cơ sở phương pháp luận Mác xít, gắn chặt với phân tích sâu sắc thực tiễn, nhất là thực trạng của nền văn hóa Việt Nam dưới ách thống trị, kìm kẹp, nô dịch của Phát xít Nhật - Pháp, Đề cương đã trình bày những thành tố chủ yếu của nội hàm văn hóa bao gồm cả tư tưởng, học thuật (khoa học), nghệ thuật (văn học nghệ thuật) cùng mối quan hệ biện chứng giữa các thành tố này. Trong ba thành tố chủ yếu trên, Tư tưởng có ý nghĩa quan trọng hàng đầu của văn hóa. Tư tưởng liên quan trực tiếp đến thế giới quan, nhân sinh quan, đến nhận thức, tình cảm, đến cách ứng xử của con người đối với xã hội, đối với tự nhiên, đối với bản thân. Tư tưởng, đạo đức, lối sống là những lĩnh vực then chốt của văn hóa. Còn thành tố Học thuật (khoa học) là yếu tố nền tảng, quyết định đến tính chất, chất lượng của nền văn hóa. Học thuật liên quan trực tiếp đến tri thức khoa học, đến học vấn, đến sự hiểu biết là điều kiện để con người khám phá và cải tạo thế giới. Do đó, Học thuật-khoa học liên quan trực tiếp đến hoạt động giáo dục, đào tạo, đến trao truyền tri thức, bồi dưỡng nâng cao dân trí… Học thuật-khoa học đòi hỏi mọi người nêu cao tinh thần không ngừng học tập, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, nâng cao tri thức, năng lực hoạt động thực tiễn. Còn thành tố Nghệ thuật (văn học nghệ thuật) là lĩnh vực rất quan trọng và tinh tế của văn hóa, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người. Văn học có vai trò quan trọng không gì có thể thay thế trong việc giáo dục bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, nhân cách, lối sống tốt đẹp cho con người.

Đồng thời, Đề cương trình bày các quan điểm của Đảng ta về vấn đề cách mạng văn hóa Việt Nam. Trước hết là tính tất yếu, điều kiện tiền đề tiến hành thành công cách mạng văn hóa: Phải hoàn thành cách mạng văn hóa mới hoàn thành được cuộc cải tạo xã hội. Cách mạng văn hóa muốn hoàn thành phải do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo. Cách mạng văn hóa có thể hoàn thành khi nào cách mạng chính trị thành công (Cách mạng văn hóa phải đi sau cách mạng chính trị). Những phương pháp cải cách văn hóa đề ra bây giờ chỉ là dọn đường cho cuộc cách mạng triệt để mai sau.  

Về mục tiêu của cách mạng văn hóa là văn hóa xã hội chủ nghĩa, về mối quan hệ giữa cách mạng văn hóa Việt Nam và cách mạng dân tộc giải phóng, Đề cương nhấn mạnh: Cách mạng văn hóa ở Việt Nam phải dựa vào cách mạng dân tộc giải phóng mới có điều kiện phát triển. Cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam đưa văn hóa Việt Nam tới trình độ dân chủ và có tính chất dân tộc hoàn toàn độc lập dựng nên một nền văn hóa mới. Phải tiến lên thực hiện cách mạng xã hội ở Đông Dương gây dựng một nền văn hóa xã hội ở khắp Đông Dương. Đề cương cũng làm rõ mục tiêu trước mắt của cuộc vận động văn hóa ở Việt Nam là xây dựng nền văn hóa mới, tuy chưa phải là nền văn hóa xã hội chủ nghĩa. Nền văn hóa mới của Việt Nam có hai tính chất dân tộc và dân chủ mới; trong giai đoạn này là cách mạng và tiến bộ nhất ở Đông Dương.   

Đề cương xác định 3 nguyên tắc của cuộc vận động văn hóa ở Việt Nam thời kỳ này là: Dân tộc hóa; chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập. Đại chúng hóa; chống lại mọi chủ trương hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng.  Khoa học hóa; chống lại tất cả những cái gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ.

Chính tính thuyết phục và chiến đấu cao của các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức hành động của Đề cương Văn hóa đã thức tỉnh những trí thức văn nghệ sĩ đang bi quan, dao động, mất phương hướng lúc đó thấy được: Muốn giải phóng mình thì phải tự nguyện dấn thân vào con đường giải phóng dân tộc, trí thức văn nghệ sĩ phải là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa trong cách mạng giải phóng dân tộc. Đề cương Văn hóa thực sự đã trở thành ngọn cờ tập hợp, tổ chức và cổ vũ hành động đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ cả nước vào cuộc chiến đấu phá vỡ xiềng xích của văn hóa phát xít, thực dân, phát huy mạnh mẽ sức mạnh văn hóa tinh thần của toàn dân tộc cho thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Sự ra đời của Đề cương là trang bị cơ sở lý luận căn bản cho cán bộ hoạt động văn hóa - tư tưởng trong cách mạng dân tộc dân chủ. Tinh thần và nội dung của Đề cương văn hóa 1943 luôn được kế thừa và phát triển. Trong Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), bổ sung và cụ thể thêm các lĩnh vực: Tư tưởng, đạo đức, lối sống; di sản văn hóa; giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ; văn học, nghệ thuật; thông tin đại chúng; giao lưu văn hóa với thế giới; thể chế và thiết chế văn hóa.

Sau 15 năm thực hiện, năm 2014, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) được bổ sung bằng Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Có thể nói, văn bản này kế thừa và cụ thể hoá Đề cương Văn hoá Việt Nam và Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII). Nghị quyết số 33 đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm: Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa; chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, một lần nữa vai trò của văn hoá được đề cao. Tổng Bí thư nhấn mạnh xét cả lĩnh vực văn hoá vật thể và phi vật thể, văn hoá là những gì tinh hoa, tinh tuý nhất, được kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, đặc sắc, nhân văn, nhân ái và tiến bộ.

Dù 80 năm đã qua kể từ ngày Đề cương Văn hóa Việt Nam ra đời nhưng đến thời điểm hiện nay khi chúng ta đang sống trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì các giá trị của Đề cương Văn hóa 1943 vẫn là “kim chỉ nam” trong chỉ đạo và hoạt động văn hoá. Để tiếp tục lan tỏa, phát huy giá trị lịch sử, giá trị thực tiễn to lớn của Đề cương về văn hóa Việt Nam cần phải giáo dục cho thế hệ cnghiêm túc nghiên cứu những giá trị lịch sử, định hướng đúng và chọn lựa những giải pháp phù hợp vào cuộc sống là nhiệm vụ quan trọng của chúng ta và các thế hệ con, cháu mai sau.

                                                                                 NHƯ QUỲNH

Các tin khác
 
 
 
LIÊN KẾT WEBSITE
 

Địa chỉ liên hệ
SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG QUẢNG TRỊ
Điện thoại: (0233) 3554715 - Fax: (0233) 3554711
Email: sotttt@quangtri.gov.vn
Địa chỉ: 51 Trần Hưng Đạo, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị